Thứ 6, 22/11/2024, 11:22[GMT+7]

35 tác phẩm đoạt Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ 5, 01/08/2019 | 08:32:43
1,551 lượt xem
Với tinh thần dân chủ, khách quan, các thành viên Hội đồng chung khảo đã tổ chức xét chọn kỹ lưỡng và đã tuyển chọn được 35 tác phẩm xếp hạng A, B, C và Khuyến khích với 4 tác phẩm được giải A, 9 tác phẩm đạt giải B, 10 tác phẩm đạt giải C và 12 tác phẩm đạt giải khuyến khích.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh:TA)

Chiều 31/7, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018-2019 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải nhằm thống nhất Kế hoạch tổ chức Lễ trao giải vào 20h00 ngày 15/8/2019.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Giải; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải cùng thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải Phùng Khánh Tài cho biết, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, được phát động từ ngày 02/01/2018 đến ngày 21/6/2019. Tính đến hết ngày 21/6/2019, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.046 tác phẩm dự thi, trong đó có 1.002 tác phẩm hợp lệ của 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Các tác phẩm tham gia dự Giải lần thứ hai, năm 2018-2019 tương đối sát với chủ đề và tiêu chí của Thể lệ, tập trung nhiều nhất là phóng sự điều tra, ký, chuyên luận. Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử công phu từ 3-5 kỳ, tập trung vào phản ánh các vụ án tham nhũng; công tác cải cách bộ máy hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Các tác phẩm được lựa chọn vào chấm chung khảo có chất lượng khá tốt, nội dung đề tài đa dạng, bám sát tiêu chí của Thể lệ Giải đề ra như loạt bài: Ai để SABECO bán rẻ đất vàng (3 bài) đăng trên báo Tuổi trẻ; Loạt bài Kết quả thanh tra về đất đai tại huyện Sóc Sơn (4 bài) đăng trên báo Kinh tế - Đô thị; Loạt bài Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng (5 bài) đăng trên Báo Lao động điện tử; Loạt bài: Tham nhũng vặt: Hậu quả không hề “vặt” (4 bài) đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Loạt bài Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (3 bài) đăng trên báo điện tử Bình Dương;… Đặc biệt năm nay tham gia dự thi có tác phẩm, phim tài liệu về đề tài nhân vật điển hình trong phòng chống lãnh phí, thực hành tiết kiệm như: phim tài liệu “Ông Lực cao tốc” phát sóng trên VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam; hay tác phẩm “Ma trận vàng đen trong cơn khát….năng lượng” đăng trên Báo điện tử Vietnamplus… qua đó làm cho Giải thêm sinh động.

Các tác phẩm phát thanh, truyền hình ngày càng có nhiều sáng tạo, hấp dẫn về hình thức thể hiện. Nhiều tác phẩm phát thanh được thể hiện bằng các hình thức mới mẻ, hấp dẫn như phát thanh thực tế, có nhiều tiếng động hiện trường tạo ra sự sinh động hấp dẫn. Bên cạnh các tác phẩm của VOV, thì một số đài địa phương như Đài PT - TH Lâm Đồng, Đài PT - TH Hà Tĩnh, Đài PT - TH Quảng Ngãi, Đài PT - TH Hà Nội… cũng đã có sự đầu tư thích đáng để có những tác phẩm hay, phát huy được thế mạnh của phát thanh hiện đại. Các chương trình truyền hình của VTV và các đài địa phương như: Sóc Trăng, Thái Bình, Lai Châu, Thái Nguyên, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị,… cũng đã được đầu tư công phu và thể hiện với chất lượng hình ảnh tốt, cách thức làm tương đối hiện đại và thu hút sự chú ý của người xem.

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều các tác phẩm công phu; một số đề tài đấu tranh chống lãng phí, tiêu cực, phê phán những thói hư tật xấu, biểu dương những tấm gương tích cực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong xã hội mà nhân dân đang quan tâm còn chưa được phản ánh thỏa đáng qua các tác phẩm dự giải.

Với tinh thần dân chủ, khách quan, các thành viên Hội đồng chung khảo đã tổ chức xét chọn kỹ lưỡng và đã tuyển chọn được 35 tác phẩm xếp hạng A, B, C và Khuyến khích với 4 tác phẩm được giải A, 9 tác phẩm đạt giải B, 10 tác phẩm đạt giải C và 12 tác phẩm đạt giải khuyến khích.

Lễ trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam vào lúc 20h00 ngày 15/8/2019 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Buổi lễ có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng khoảng 700 khách mời.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam trong tuyên truyền, vận động các nhà báo, các cơ quan phát thanh, truyền hình, thông tấn báo chí, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội nhà báo các cấp hưởng ứng tích cực, thể hiện rõ trách nhiệm, tinh thần dấn thân, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc, góp phần vào thành công của Giải lần này. Giải đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và đã nâng lên cả về chất lượng và số lượng tác phẩm tham dự giải, điều đó cho thấy sự vào cuộc tích cực của nhân dân cả nước đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ  phóng viên tham gia điều tra chống tham nhũng, lãng phí, những người đã luôn đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ luôn đồng hành, chia sẻ với các cơ quan thông tấn báo chí và tiếp tục bảo vệ những người làm báo để mỗi nhà báo không cô đơn và luôn thể hiện được bản lĩnh của mình trước cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này./.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày