Thứ 2, 30/09/2024, 22:16[GMT+7]

Hệ lụy khi giá vật liệu xây dựng tăng

Thứ 7, 12/06/2021 | 22:16:19
784 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng. Điều đó khiến cả người dân, nhà thầu xây dựng, thương nhân phân phối, kinh doanh đều thua thiệt.

Giá trị xây dựng công trình đội lên từ 20 - 40% khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đồng loạt tăng giá 

Từ sau tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trở nên “nóng” và được bàn tán rất nhiều bởi sự tăng giá không ngừng. Khởi đầu của đợt tăng giá VLXD chính là thép. Đối với thép xây dựng Việt Úc (Vinausteel), nếu như trong tháng 1 thép cuộn D6 có giá 1.600.000 đồng/tấn, thép cây D10 giá 102.000 đồng/cây, thép D14 giá 215.000 đồng/cây, thép D16 giá 275.000 đồng/cây thì đến nay, sau 5 lần tăng giá thì loại thép cuộn và thép cây đã tăng thêm gần 1 triệu đồng/tấn. 

Theo khảo sát của phóng viên Báo Thái Bình, trên địa bàn tỉnh, không riêng thép Việt Úc mà giá thép xây dựng của các thương hiệu Hòa Phát, Thái Nguyên, Việt Nhật, Pomina, Vạn Lợi, Vina Kyoei... cũng tăng từ 20 - 40% so với thời điểm cuối năm 2020.

Ngay sau khi giá sắt thép tăng vọt, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch xây, gạch ốp lát... cũng đồng loạt tăng giá. Trong tháng 4, thị trường ghi nhận giá xi măng các loại tăng thêm từ 20.000 - 40.000 đồng/tấn tùy thương hiệu. Như phản ứng dây chuyền, cát, đá cũng tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/m3, gạch ốp các loại tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/m2. Gạch xây dựng đầu tháng 1/2021 giá từ 7,5 - 8,3 triệu đồng/vạn, sang đầu tháng 3 đã tăng lên 9 triệu đồng/vạn. 

Nỗi khổ không của riêng ai  

Trong cơn “bão giá” VLXD, đối tượng bị thiệt hại nặng nhất là người tiêu dùng vì phải gánh thêm một khoản chi phí không hề nhỏ. Nhiều gia đình đang xây nhà trên địa bàn tỉnh đều than vãn về giá VLXD thi nhau tăng khiến chi phí xây dựng công trình đội lên từ 20 - 40%.

Ông Vũ Cầu đang xây nhà ở xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho biết: Đầu năm 2021, gia đình tôi dự tính xây nhà hết khoảng 3,5 tỷ đồng. Song do các loại VLXD tăng giá, đến nay dù công trình mới hoàn thành được 3/4 khối lượng nhưng đã chi phí hết gần 4 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu hoàn thiện như thiết kế ban đầu, gia đình tôi phải chi khoảng 4,5 tỷ đồng, vượt 1 tỷ đồng so với dự tính ban đầu. 

Còn ông Nguyễn Văn Duy ở xã Tam Quang (Vũ Thư) chia sẻ: Gia đình đã cố gắng xoay xở để hoàn thành phần thô ngôi nhà 3 tầng, tuy nhiên giá VLXD tăng cao như hiện nay tôi chỉ cố gắng hoàn thiện được 1 tầng để ở trước, còn lại làm sau. 

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại thêm giá VLXD tăng đã dẫn tới việc nhiều công trình xây dựng của người dân có thể phải dang dở vì không chịu được khoản chi phí phát sinh tới 20 - 40% tổng giá trị công trình. Trong cơn “bão giá” như hiện nay, nhiều người có ý định xây dựng cũng phải tạm dừng đầu tư. Thực tế đó kéo theo nhiều nhà thầu, tổ, nhóm thợ xây dựng đứng trước nguy cơ thiếu việc làm. 

Ông Trịnh Trọng Lữ, chủ tổ xây dựng ở xã Hòa Bình (Vũ Thư) cho biết: Đầu năm nay tôi đã ký hợp đồng xây dựng cho 8 gia đình nhưng hiện chúng tôi chỉ triển khai làm được cho 5 hộ, còn lại họ báo tạm dừng chờ đến khi giá VLXD xuống mới khởi công. Các công trình đang làm thì sắp xong, không ký được hợp đồng xây công trình mới, gần 30 thợ sẽ thiếu việc làm. 

Những tưởng giá VLXD tăng cao thì các thương nhân phân phối, kinh doanh hưởng lợi lớn. Thực tế, bản thân các đại lý kinh doanh sắt thép, xi măng, gạch, cát, đá xây dựng cũng đang chịu nhiều sức ép và giảm doanh thu. 

Bà Phạm Thị Lan, chủ đại lý VLXD ở phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Giá các loại VLXD tăng là do nhà sản xuất quyết định, chúng tôi bán theo giá của nhà cung cấp nên không có chuyện đại lý kinh doanh được hưởng lợi lớn trong đợt tăng giá vừa qua. Thậm chí chúng tôi còn bị giảm doanh thu vì doanh số bán ra sụt giảm do nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp giảm cũng vì tác động tiêu cực của việc VLXD tăng giá. Đặc biệt, mỗi khi nhà cung cấp VLXD tăng giá, chúng tôi lại phải điều chỉnh giá báo cho khách hàng; trong tháng 4 có 3 lần điều chỉnh tăng giá là 3 lần chúng tôi phải báo giá lại cho khách hàng, nhiều người không hiểu cho rằng đại lý làm ăn không giữ chữ tín làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. 

Mong thị trường VLXD hạ nhiệt

Giá VLXD tăng cao thời gian qua được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Theo Bộ Công Thương nhận định bước đầu, nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào cao. Hiện nay, nguyên liệu đầu vào của ngành thép tới 90% là nhập khẩu, chủ yếu là quặng sắt. Tổng công suất sản xuất của các nhà máy trong nước đạt khoảng 14 triệu tấn, trong khi thép sản xuất từ quặng chiếm 60%. Một số chuyên gia lại cho rằng, việc tăng giá thép hay một số loại VLXD khác là do chính các nhà sản xuất chủ động “làm giá” vì nhiều tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng vẫn báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gấp từ 3 - 7 lần so với cùng kỳ năm 2020. 

Dù thực tế giá VLXD có tăng do bất kỳ lý do gì đi nữa thì hệ lụy của nó đang rất tiêu cực cho nền kinh tế và đời sống xã hội, hoạt động kinh doanh, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. “Hạ nhiệt” thị trường VLXD là mong mỏi của người dân, doanh nghiệp lúc này. Thiết nghĩ, bên cạnh chính sách can thiệp vĩ mô kịp thời của các bộ, ngành trung ương, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần tăng cường quản lý, bình ổn thị trường. 

Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Để góp phần bình ổn thị trường VLXD, đấu tranh hiệu quả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng tôi xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh VLXD trên địa bàn tỉnh. Trong đó Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tập trung kiểm tra một số mặt hàng trọng tâm như sắt thép, cát, đá, xi măng. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực giá, các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa... chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nhằm giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Khắc Duẩn 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày