Thứ 7, 11/01/2025, 17:39[GMT+7]

Giá rau tăng cao do rét đậm, rét hại

Thứ 4, 23/02/2022 | 15:49:29
1,130 lượt xem
Những ngày gần đây, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài kèm mưa khiến nguồn cung rau củ khan hiếm, giá các loại rau tăng đột biến so với thời điểm trước tết Nguyên đán.

Trong điều kiện thời tiết rét đậm, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân bón thêm lân, phân lân để cây sinh trưởng tốt.

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Thái Bình sáng ngày 23/2 cho thấy, các loại rau xanh tăng giá mạnh. Rau mồng tơi giá 8.000 đồng/mớ, tăng gấp 3 – 4 lần so với thời điểm trước Tết, bắp cải tăng từ 7.000 – 10.000 đồng/chiếc lên 15.000 – 20.000/chiếc tùy cân nặng; cải cúc tăng từ 2.000 đồng/mớ lên 5.000 – 7.000 đồng/mớ... Các loại rau gia vị như hành hoa, rau mùi từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, gấp từ 5 - 10 lần ngày thường. Đặc biệt, thì là tăng từ 25.000 – 30.000 đồng/kg lên 250.000 – 300.000 đồng/kg. Trong khi giá các loại rau tăng mạnh thì các loại nấm tươi như: kim châm, nấm rơm, nấm sò… do được trồng trong môi trường nhân tạo, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết cực đoan nên giá ổn định. 

Ngoài nhóm rau củ làm thực phẩm thì do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các loại rau có tinh dầu phục vụ cho nhu cầu xông hơi chống dịch như sả, chanh, tía tô, gừng cũng tăng đột biến. Trong đó sả có giá từ  20.000 – 30.000 đồng/kg, tăng gấp 2,5 lần so với trước đây; chanh quả có giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, gừng có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg và lá tía tô, hương nhu khan hiếm hàng do vào thời điểm này cây con mới phát triển. Một số loại rau củ khác như hành tây, khoai tây, khoai lang, cà rốt đến thời điểm này cũng theo đà các loại rau khác tăng giá mặc dù không mấy bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết vì đã thu hoạch từ trước tết.

Bà Nguyễn Thị Hường, tiểu thương bán rau tại xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) cho biết: Trước và trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, giá rau củ quả đã tăng hơn hẳn các nhóm mặt hàng tiêu dùng khác. Nguyên nhân do thời tiết mưa rét kéo dài và nhu cầu của người dân tăng đột biến. Như mọi năm, giá cả sẽ ổn định trở lại sau ngày 10 đến 15 tháng Giêng. Tuy nhiên, năm nay, giá các mặt hàng khác đã trở về mức ban đầu, riêng rau xanh thì không hạ mà liên tiếp tăng mạnh, giá thay đổi từng ngày. Nguyên nhân giá rau xanh tăng là do ảnh hưởng thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến rau phát triển rất chậm, thời gian cho thu hoạch mỗi lứa kéo dài, nguồn cung hạn chế. Hàng cũng không được bắt mắt và dễ bị hư hỏng hơn bình thường nên tôi không dám lấy nhiều.

Tại chợ đầu mối xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), các loại rau xanh tăng giá mạnh và không dồi dào.

Ông Đào Quang Đam, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) cho biết: Gia đình tôi có 5 sào chuyên canh rau theo mùa cung cấp cho thị trường. Những ngày sau tết Nguyên đán, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài kèm mưa khiến nhiều loại rau màu bị hư hỏng, dập nát, lượng rau xuất ra sụt giảm hẳn. Riêng gia đình tôi đã đầu tư khum vòm, che nilon để hạn chế tác động của thời tiết nhưng do rét sâu khiến rau sinh trưởng chậm, kéo dài thời gian trồng.

Vụ xuân, toàn tỉnh đã gieo trồng được khoảng 9.500ha cây màu, đạt trên 63% kế hoạch. Để bảo đảm nguồn cung trong điều kiện thời tiết rét đậm, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng như: bón thêm kali, phân lân, giảm bón đạm, kết hợp ủ gốc bằng mùn, rơm, rạ, sử dụng nilon trắng che chắn mưa rét ... để giữ ấm, ẩm cho cây. 

Kỹ sư Phạm Thị Hiên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Đối với diện tích cây màu chưa trồng, tạm thời giai đoạn này đang mưa rét, không nên đưa cây con ra ruộng, tiếp tục chăm sóc trong vườn ươm hoặc phủ nilon cho cây con; rắc thêm tro bếp, xỉ than để giữ ấm gốc cây. Đối với diện tích cây màu đã trồng cần phun phòng bệnh lở cỗ rễ cho cây bằng các loại thuốc như: Validacin, Anvill,.. đồng thời tưới lân supe hoặc các chế phẩm kích thích rễ phát triển như: siêu lân, Penac P…

Ngân Huyền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày