Thứ 3, 26/11/2024, 10:29[GMT+7]

Giá lợn hơi thấp, người chăn nuôi lỗ nặng

Thứ 6, 24/03/2023 | 08:25:50
1,513 lượt xem
Giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức thấp, chỉ xung quanh giá 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng.

Ảnh minh họa.

Để tránh dẫn đến nguy cơ khủng hoảng trong chăn nuôi, các hiệp hội ngành hàng đã có những kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương để hỗ trợ ngành chăn nuôi đang hết sức khó khăn.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ngày 23/3 dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Tại tỉnh Hưng Yên được thu mua với giá cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg. Các địa phương có mức giá 50.000 đồng/kg được ghi nhận ở một loạt các địa phương gồm Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội và Tuyên Quang.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Tại Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ngãi giá lợn hơi đang được giao dịch với giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg. Hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk thương lái đang thu mua lợn hơi ở mức 50.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, Bến Tre thương lái đang thu mua lợn hơi ở mức 50.000 đồng/kg. Tại Cà Mau và Vũng Tàu đang được thu mua với giá 52.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn xuất chuồng đang rất thấp, có nơi đã về 45.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000 - 55.000 đồng/kg.

Mỗi con lợn xuất chuồng hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Điều này sẽ khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng chăn nuôi càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành, ông Nguyễn Trí Công nói.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định, trong giai đoạn gần đây, giá lợn hơi xuống rất sâu, chăn nuôi lỗ nhiều. Với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi thì đỡ lỗ hơn vì giá thành là 50.000 - 52.000 đồng/kg, còn nông hộ từ 54.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi giá bán chưa được 50.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, hiện đàn lợn đang duy trì trên 28 triệu con, đàn nái duy trì 2,9 triệu con. Tết Nguyên đán vừa qua thường nhu cầu tăng cao nhưng không tăng. Nguyên nhân do thu nhập người dân thấp, sức mua giảm.

Nhận thấy thị trường tiêu thịt lợn sẽ ảm đạm trong thời gian dài nên sau khi bán lứa lợn cuối cùng vào cuối năm 2022, ông Trần Quốc Toản, ở Khoái Châu, Hưng Yên từ quy mô đàn hàng nghìn con đã chủ động đóng cửa chuồng.

Theo ông Toản, hiện giá lợn hơi ở Hưng Yên chỉ xoay quanh 50.000 đồng/kg, người chăn nuôi tùy quy mô, cách nuôi lỗ từ vài tram nghìn đến 1 triệu đồng/con.

Để vào đàn trở lại, ông Toản cho biết, với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn như hiện nay thì buộc giá lợn giống phải xuống mạnh nữa (hiện khoảng 1 triệu đồng/con) thì anh mới tính đến vào đàn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng đánh giá việc nguồn cung tăng trong khi sức mua chưa cải thiện là nguyên nhân khiến giá lợn hơi thấp kéo dài. Nguồn cung ở đây không chỉ là hàng trong nước, mà còn thịt lợn nhập khẩu và các sản phẩm cùng cung cấp nguồn đạm như: thịt bò, thủy sản, thịt gà, trứng… cũng rất dồi dào.

Về giá lợn hơi trong nước giảm, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tình trạng này không chỉ ở riêng Việt Nam. Hiện giá lợn hơi ở Mỹ, Trung Quốc… đều có sự giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng yếu. Việc này đã tác động tiêu cực tới việc tiêu thụ thịt lợn. Tuy nhiên do đây là ngành kinh tế nên phải chấp nhận việc phụ thuộc vào giá cả, quy luật thị trường.

Nhằm giảm phần nào giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mới đây, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cùng với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có công văn gửi các bộ, ngành kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85 - 90% giá thành. Tình trạng này đã khiến 45 - 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn. Nếu tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành thì tất yếu sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày