Thứ 6, 22/11/2024, 09:03[GMT+7]

Giá lợn hơi tăng - cần cẩn trọng khi phát triển đàn lợn

Thứ 7, 15/07/2017 | 09:37:22
1,394 lượt xem
Từ cuối tháng 6, đầu tháng 7/2017, giá lợn hơi đã tăng trở lại, đạt mốc từ 35.000 - 40.000 đồng/kg đem lại hy vọng cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ vẫn bấp bênh khiến người chăn nuôi không khỏi lo ngại khi tái đàn.

Gia trại chăn nuôi lợn tại xã Đông Xuyên (Tiền Hải).

Với quy mô nuôi 70 con, trung bình mỗi tháng gia trại của anh Phạm Thanh Nam, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) xuất bán khoảng 20 con lợn thương phẩm. Chia sẻ về giá lợn tại thời điểm hiện tại anh Nam cho biết: Ngày 2/7 vừa qua, tôi xuất bán 30 con lợn với mức giá 29.000 đồng/kg. Nhưng đến ngày 12/7, giá lợn đã tăng lên 40.000 đồng/kg, tức là tăng hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm 2 tuần trước. 

Theo số liệu của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, hiện nay toàn huyện Thái Thụy có 81 trang trại chăn nuôi lợn thịt với tổng đàn 42.030 con, trong đó khoảng hơn 7.000 con lợn thịt đến kỳ xuất chuồng. Với giá lợn hơi từ 35.000 - 40.000 đồng/kg đã giúp người chăn nuôi thu hồi được vốn, vượt qua khó khăn để tái đàn. 

Trang trại chăn nuôi lợn của anh Đỗ Văn Trưởng tại thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập (Vũ Thư) hàng tháng xuất chuồng 500 con lợn giống và 15 - 20 tấn thịt lợn thương phẩm. Thịt lợn thương phẩm của trang trại chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng; lợn giống được cung cấp cho địa bàn trong tỉnh và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa... 

Anh Trưởng cho biết: Hiện trang trại của tôi còn 2.000 con lợn có thể xuất chuồng. Ngày 11/7, tôi xuất với giá lợn hơi 37.000 đồng/kg; sang ngày 12/7 giá lợn hơi xuất chuồng là 40.000 đồng/kg. Nói về nguyên nhân của sự tăng giá này, với thâm niên trong nghề chăn nuôi, buôn bán lợn anh Trưởng đánh giá: Lợn hơi tăng giá chủ yếu là do thị trường Trung Quốc thu mua trở lại để khắc phục tình trạng thiếu hàng do ảnh hưởng của thiên tai. Thời điểm này, giá lợn hơi thu mua tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) khoảng 46.000 - 47.000 đồng/ kg. Thêm vào đó, trong hơn 8 tháng khủng hoảng giá lợn vừa qua, người chăn nuôi đã phải đối mặt với không ít khó khăn, vốn bỏ ra không thu hồi được, lãi ngân hàng hàng tháng, các đại lý cám dừng việc đầu tư cho các cơ sở chăn nuôi nên không ít các chủ trại đã phải bán tháo, giảm đàn, ngừng chăn nuôi khiến số lượng đàn lợn đến nay giảm đáng kể. Cũng theo anh Trưởng, số lượng lợn đã ít lại thêm vào đó, nhiều hộ chăn nuôi vẫn đang “găm” hàng để chờ giá cao hơn nữa dẫn đến giá càng đẩy cao. 

Theo ghi nhận của phóng viên, giá lợn tăng trở lại là tín hiệu vui đối với người chăn nuôi. Mặc dù vẫn lo ngại khi tái đàn nhưng từ nhận định cung giảm xuống, cầu tăng lên, do đó hầu hết người chăn nuôi đều kỳ vọng đợt tăng giá này sẽ được duy trì trong thời gian dài. Vì vậy tại các địa phương rất nhiều chủ trang trại, gia trại “đua nhau” đi mua lợn con và lợn nái trong lúc giá các loại lợn này chưa cao. Cá biệt có hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn sử dụng lợn thịt để gây thành lợn nái. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, mặc dù giá lợn hơi tăng song đầu ra hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thông qua đường tiểu ngạch. Điều đó đòi hỏi việc phát triển chăn nuôi cần phải bám sát quy hoạch của tỉnh, hạn chế tình trạng cung vượt quá cầu. 

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh, tại thời điểm 1/4/2017, đàn lợn toàn tỉnh có 1,03 triệu con lợn, giảm 0,59%. Với số lượng lợn trên, nếu chỉ tiêu thụ nội địa sẽ xảy ra hiện tượng dư thừa nguồn cung. Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, trong thời gian tới, Nhà nước, tỉnh cần phải có những giải pháp lâu dài, căn cơ, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động chế biến, cũng như xuất khẩu theo đường chính ngạch tránh tình trạng thị trường thiếu ổn định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện những giải pháp hỗ trợ, giảm lãi suất, giãn nợ… tạo điều kiện cho người chăn nuôi có thời gian khắc phục ảnh hưởng của cơn khủng hoảng giá, phục hồi sản xuất. 

Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận đi đến chính thức mở cửa nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam sau khi hai bên hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục cần thiết. Phía Trung Quốc đồng ý về chủ trương nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ Việt Nam nhưng không nhập lợn sống theo con, mà nhập loại thịt lợn mảnh đã qua giết mổ, chế biến.
(Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Phan Lợi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày