Thứ 2, 25/11/2024, 05:54[GMT+7]

Thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm đồng loạt tăng giá

Thứ 2, 21/10/2019 | 08:10:43
492 lượt xem
Thời gian qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy trên địa bàn toàn tỉnh lớn khiến cho nguồn cung thịt lợn thiếu hụt đã đẩy giá thịt lợn hơi cũng như thịt lợn thành phẩm tăng mạnh.

Giá thịt lợn thành phẩm đồng loạt tăng với mức giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ trung tuần tháng 9, giá thịt lợn hơi trong tỉnh tăng ở mức 45.000 - 46.000 đồng/kg cho đến thời điểm hiện tại đạt mốc 60.000 đồng/kg và mức giá này đã duy trì khoảng 10 ngày nay. Giá thịt lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn thành phẩm tăng. Qua khảo sát tại một số chợ dân sinh và các điểm bán thịt lợn tự phát trên địa bàn tỉnh, chỉ trong khoảng 2 tháng, giá thịt lợn thành phẩm có nhiều thay đổi. Cụ thể, tại các khu chợ trên địa bàn thành phố Thái Bình, giá thịt lợn dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy từng loại thịt, còn tại các khu chợ ở tuyến huyện, giá thịt lợn cũng tăng theo mặt bằng chung của thị trường nhưng tùy từng loại thịt có giá thấp hơn một chút. Bà Nguyễn Thị Hồi có quầy bán thịt lợn tại chợ Đậu, phường Trần Lãm cho biết: Từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9, tất cả các loại thịt như mông, vai, ba chỉ có giá dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Từ cuối tháng 9 cho đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn tiếp tục tăng với thịt ba chỉ ngon, thịt mông và vai đều có giá 120.000 đồng/kg.

Cũng theo khảo sát của chúng tôi, tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Thái Bình, giá thịt lợn có sự dao động ở mức trung bình 150.000 đồng/kg. Chị Trần Thu Mai trú tại tổ 7, phường Lê Hồng Phong cho biết: Từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn tỉnh, tôi thường vào siêu thị VinMart+ chọn mua thịt lợn làm thực phẩm cho gia đình để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy giá thịt lợn trong siêu thị cao hơn khoảng 30.000 đồng/kg so với mua ở ngoài chợ truyền thống nhưng bảo đảm hơn về nguồn gốc và chất lượng thịt.

Theo dự báo của các ngành chức năng, nhu cầu tiêu thụ thịt động vật, đặc biệt là thịt lợn những tháng cuối năm trong tỉnh tăng cao, sản lượng thịt hơi xuất chuồng sẽ thiếu hụt so với nhu cầu, giá thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm sẽ tiếp tục tăng đợt giáp tết Nguyên đán. Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra thời gian qua đã buộc phải tiêu hủy số lượng lợn lớn. Tính đến ngày 12/10, toàn tỉnh tiêu hủy hơn 377.000 con lợn với tổng trọng lượng hơn 18.800 tấn. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 8 tháng đầu năm 2019, số lượng đàn lợn toàn tỉnh ước 603,7 nghìn con (giảm 49,96% so với cùng kỳ năm 2018); sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 92,6 nghìn tấn (giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng giảm dần tại các địa phương trong tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn.

Để phát triển sản xuất chăn nuôi ổn định, bảo đảm đủ nguồn thịt động vật cung ứng cho thị trường, bù đắp thiếu về nguồn cung thịt lợn, phát triển cân đối giữa các loại vật nuôi, UBND tỉnh đã ra văn bản yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện việc tăng cường quản lý hoạt động chăn nuôi lợn, cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung quản lý tốt hoạt động chăn nuôi lợn, hạn chế chăn nuôi lợn trong khu dân cư không đáp ứng điều kiện an toàn sinh học, không bảo đảm vệ sinh môi trường và công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ thực hiện tái đàn lợn khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định như: địa phương chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc có dịch bệnh nhưng đã được cấp có thẩm quyền công bố hết dịch bệnh và thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn địa bàn bảo đảm đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật; hoạt động chăn nuôi lợn cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, vốn, lao động, bảo vệ môi trường và bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm gắn kết với thị trường. Đối với các địa phương đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi cần thực hiện các điều kiện nêu trên, đồng thời phải là cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đối với hộ chăn nuôi đã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi cần thực hiện để trống chuồng từ 30 ngày trở lên tính đến thời điểm nhập nuôi mới, đã thực hiện triệt để việc xử lý chuồng trại và tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tuân thủ các bước nhập nuôi lợn, tránh tái đàn ồ ạt (nhập khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở, sau khi nuôi được 30 ngày thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tăng dần số lượng lợn nuôi). Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc kiểm soát vận chuyển lợn ra vào trên địa bàn; kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi trong tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.

Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày