Thứ 7, 23/11/2024, 20:02[GMT+7]

Tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê

Thứ 5, 08/08/2024 | 21:03:28
2,867 lượt xem
Hiện nay, hồ Hòa Bình đang duy trì mở 4 cửa xả đáy, hồ thủy điện Tuyên Quang duy trì 2 cửa xả, lũ trên các sông khu vực Thái Bình lên nhanh và vượt báo động II. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh đã ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với lũ và các tình huống thiên tai có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về người, tài sản, công trình và các hoạt động ven sông do ảnh hưởng của lũ.

Lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) chuẩn bị vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với lũ trên sông Trà Lý.

Đỉnh lũ trên sông Trà Lý xấp xỉ báo động III 

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình, mực nước đỉnh lũ được ghi nhận hồi 9 giờ sáng ngày 8/8 tại trạm Quyết Chiến (sông Trà Lý) là 3,85m (xấp xỉ báo động III), trạm Thái Bình (sông Trà Lý) là 2,79m (xấp xỉ báo động II), trạm Tiến Đức (sông Hồng) là 4,77m (xấp xỉ báo động I). Mực nước trên các sông khu vực Thái Bình đang xuống chậm; trong đó, trạm Quyết Chiến duy trì ở mức trên báo động II.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Các huyện, thành phố triền sông Trà Lý, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình đã thực hiện tuần tra, canh gác ngày, đêm đê điều theo lệnh báo động II trên sông Trà Lý; đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Trắng đêm “canh đê, gác nước” 

Đê Trà Lý là tuyến đê dài, có nhiều trọng điểm xung yếu và là trọng điểm chống lũ của tỉnh; trong đó, đê tả Trà Lý từ K0-K51 dài 51km, đê hữu Trà Lý dài 47km từ K0-K47, đê cửa sông hữu Trà Lý dài 12km, đê cửa sông tả Trà Lý dài 15km. Qua rà soát hiện trạng từ đầu năm 2024, tuyến đê Trà Lý có 18 trọng điểm xung yếu cấp 2 như: kè Hồng Phong, đê Hồng Bạch, đê Hồng Giang; kè Sa Cát, kè Phương Cáp, cống Đắc Chúng... Do đó, công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống trong thời điểm nước dâng cao là rất cần thiết. 

Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, các địa phương triền đê sông Trà Lý đã sẵn sàng ứng phó với lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, nhân lực, vật tư phương tiện tại các điếm canh đê đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ như: sổ sách ghi chép, dụng cụ thông tin, liên lạc, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, canh gác đê... Theo quy định, đối với báo động lũ cấp II, lực lượng tuần tra, canh gác đê được bố trí ngày 4 người, đêm 6 người. Ban ngày ít nhất sau 2 giờ có 1 kíp đi tuần, mỗi kíp 2 người; ban đêm ít nhất sau 2 giờ có 1 kíp đi tuần, mỗi kíp 3 người.

20 giờ ngày 7/8, chúng tôi được tham gia cùng lực lượng thường trực PCTT của Chi cục Thủy lợi kiểm tra và động viên lực lượng làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ đê tại các điếm canh đê trên tuyến đê hữu Trà Lý, đoạn qua địa phận thành phố Thái Bình và huyện Vũ Thư. 

Là người gắn bó với triền đê hữu Trà Lý hơn 30 năm nay, ông Bùi Văn Bộ, trưởng điếm canh đê số 1, xã Tân Phong (Vũ Thư) nhiều lần được các cấp tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong công tác canh gác, bảo vệ đê... Ông Bộ cho biết: Mặc dù năm nay tuổi đã cao, nhưng tôi cùng với các thành viên của xã Tân Phong luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc canh coi, gìn giữ tuyến đê để bảo vệ bình yên cho cuộc sống của nhân dân. 

Lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với lũ tại phường Tiền Phong.

Giống như ông Bộ, ông Nguyễn Văn Thịnh, tổ 18, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) cũng là người gắn bó với công tác canh gác, bảo vệ đê nhiều năm nay. Ông Thịnh cho biết: Khi có báo động lũ cấp II, theo kinh nghiệm sẵn có và các kiến thức mới được tập huấn từ đầu năm chúng tôi chủ động phân công ca kíp, túc trực 4 người ban ngày, 6 người ban đêm; tiến hành tuần tra theo lượt đi - về. Trong đó, lượt đi chúng tôi bố trí 1 người kiểm tra mặt đê, mái đê phía sông, khu vực hành lang bảo vệ đê phía sông; 1 người (ban ngày), 2 người (ban đêm) kiểm tra mái đê phía đồng, khu vực hành lang bảo vệ đê phía đồng, mặt ruộng, hồ ao gần chân đê phía đồng. Lượt về chúng tôi bố trí 1 người (ban ngày), 2 người (ban đêm) kiểm tra mặt đê, mái đê phía sông, khu vực hành lang bảo vệ đê phía sông; 1 người kiểm tra mái đê phía đồng, khu vực hành lang bảo vệ đê phía đồng, mặt ruộng, hồ ao gần chân đê phía đồng. Qua đó, tăng cường kiểm tra từng đoạn đê kịp thời phát hiện các hiện tượng, sự cố như mạch sủi, mạch đùn để xử lý ban đầu cũng như kịp thời báo cáo cấp trên. 


Nguyễn Thơi  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày