Thứ 6, 22/11/2024, 10:42[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị tích cực, chủ động ứng phó với mưa, lũ

Thứ 4, 11/09/2024 | 14:29:27
7,336 lượt xem

Nhân dân xã Hồng Lý (Vũ Thư) tham gia ứng cứu, chống tràn đê bối đoạn qua địa bàn thôn Phú Mỹ. Ảnh: Quỳnh Lưu

Vũ Thư: Tập trung ứng cứu, chống tràn các đoạn đê bối

Nước lũ trên các sông dâng cao ở mức báo động số III, đến 14 giờ chiều ngày 11/9, 100% tuyến đê quốc gia trên địa bàn huyện Vũ Thư bao gồm 35,6 km đê cấp 1 trên tuyến đê tả Hồng Hà II và 22,4 km đê cấp 2 thuộc tuyến đê hữu Trà Lý vẫn bảo đảm an toàn, đê vững.

Nhân dân xã Xuân Hòa đắp "tường thành" bằng bao cát, bao đất để ngăn nước tràn vào khu dân cư, sản xuất.

Tuy nhiên, trong tổng số 41 km đê bối toàn huyện (bao gồm ở các xã: Hồng Lý, Việt Hùng, Bách Thuận, Tân Lập, Duy Nhất, Vũ Vân, Hồng Phong…) đã có nhiều điểm nước từ sông Hồng, sông Trà Lý tràn qua các đoạn đê bối (tại các điểm cao trình đê thấp), gây ngập lụt nặng một số khu vực dân cư và vùng sản xuất nằm phía trong đê bối nhưng ở phía ngoài đê quốc gia. Tuyến đê bối xã Vũ Vân bị tràn nhiều điểm, đê bối Bách Thuận bị tràn 2 điểm, đê bối xã Hồng Lý bị tràn 1 điểm... Ngoài nước lũ dâng, từ sáng ngày 11/9, mưa lớn càng làm cho tình trạng ngập úng thêm nặng.

Người dân xã Hiệp Hòa di chuyển đàn vật nuôi, tài sản từ vùng ngập vào nơi an toàn. Ảnh: Quỳnh Lưu

Huyện Vũ Thư đã khẩn trương cấp phát, hỗ trợ các địa phương hàng trăm nghìn chiếc bao bì thực hiện công tác chống tràn đê bối. Các xã huy động mọi lực lượng, đặc biệt phát động nhân dân tham gia ứng cứu, hộ đê. Trước mắt, tổ chức dồn đóng đất, cát vào các bao, xếp thành bức tường tại các điểm thấp trũng trên tuyến đê bối để chống nước tràn từ sông vào. Các địa phương đều tổ chức canh gác chặt chẽ các tuyến đê 24/24 giờ, khi phát hiện hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, sự cố đều lập tức gia cố. Huyện đã huy động cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang xuống hỗ trợ các địa phương ứng cứu, hộ đê và di dời người, tài sản ở các vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Các địa phương tuyên truyền, đôn đốc các hộ dân sinh sống ngoài đê quốc gia (tập trung nhiều ở các xã: Bách Thuận, Hồng Lý, Vũ Vân, Hồng Phong) chủ động phương án sắp xếp chỗ ở, di chuyển tài sản lên nhà cao, khu vực cao để tránh ngập lụt. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, định hướng thông tin tình hình đê điều, mưa lũ, để nhân dân không hoang mang, lo lắng, từ đó phối hợp, ứng phó với mưa lũ, bảo vệ an toàn người và tài sản khi có ngập lụt.

Quỳnh Phụ: Dừng tất cả các bến đò ngang trên sông Luộc, sông Hóa

Hiện nay lũ trên sông Luộc, sông Hóa chảy qua địa bàn huyện Quỳnh Phụ đang báo động số 3 cộng với mưa to kéo dài nguy cơ tràn đê bao, đê bối là rất lớn. Trước tình hình mực nước lũ trên các sông đang lên, diễn biến lũ rất phức tạp, sáng ngày 11/9, Ban Chỉ huy PPCTT và TKCN huyện Quỳnh Phụ đã ban hành Công điện khẩn số 08 yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện chủ động ứng phó với lũ dâng cao.

Nước lũ dâng cao làm nhiều diện tích cây ăn quả giáp sông Luộc bị ngập úng hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Cường

HTX DVNN Quỳnh Hoa chủ động bơm tiêu úng cho lúa và rau màu. Ảnh: Nguyễn Cường

Qua kiểm tra tại các xã giáp đê, xuất hiện một số vị trí nguy cơ nước tràn đê bối như tại các xã: Quỳnh Hoa, Quỳnh Lâm, An Ninh. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quỳnh Phụ yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu, các công trình đê điều, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê, đặc biệt khu vực cửa sông; bảo đảm an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông đề phòng lũ kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối.  Yêu cầu dừng tất cả các bến đò ngang trên sông Luộc, sông Hóa. Đối với 14 xã duyên giang, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương yêu cầu các hộ gia đình di dời tài sản, vật nuôi vào nơi tránh trú an toàn. Các địa phương cũng chủ động bố trí nơi tránh trú cho người dân khi có sự cố xảy ra.

Người dân xã Quỳnh Lâm tranh thủ lợp lại mái do ảnh hưởng bão số 3. Ảnh: Nguyễn Cường

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quỳnh Phụ chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng xử lý sự cố, chi viện khi có lệnh; tuyệt đối không lơ là chủ quan trong phòng chống lũ; đồng thời sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai khi có yêu cầu.

Tiền Hải: Thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương để tập trung phòng, chống lũ, bảo vệ đê, kè của 13 xã ven sông, ven biển

Sáng ngày 11/9, thực hiện các công điện, công văn của UBND tỉnh, UBND huyện Tiền Hải đã thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương để tập trung phòng, chống lũ, bảo vệ đê, kè của 13 xã ven sông, ven biển.

 Các đồng chí lãnh đạo huyện Tiền Hải kiểm tra tại sở chỉ huy tiền phương. Ảnh:  Trần Tuấn

Sở chỉ huy tiền phương 1 đặt tại xã Tây Lương phụ trách tuyến đê Hữu Trà Lý dài 9,7km gồm các xã: Vũ Lăng, Tây Lương, Đông Quý, Đông Trà; sở chỉ huy tiền phương 2 đặt tại xã Nam Hồng phụ trách tuyến đê tả Hồng Hà dài 8km, gồm các xã: Nam Hải, Nam Hồng, Nam Hưng, Nam Phú. Nhiệm vụ sở chỉ huy và các thành viên là trực tiếp chỉ đạo công tác tuần tra canh gác đê điều nghiêm ngặt liên tục ngày đêm, kịp thời phát hiện các sự cố đê điều sớm ngay từ giờ đầu, đồng thời huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” sớm nhất không để diễn biến phức tạp khó xử lý dẫn đến nguy cơ mất an toàn đê điều; rà soát toàn bộ nhân lực, vật tư, phương tiện đã chuẩn bị nếu không bảo đảm lập tức bổ sung ngay... 

Ngành chức năng huyện kiểm tra trên tuyến đê sông Trà Lý (Tây Lương). Ảnh:  Trần Tuấn

UBND huyện cũng yêu cầu tất cả các xã ven sông, ven biển thực hiện nghiêm việc canh coi, tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý sự cố đê điều, khẩn trương rà soát nhân lực, vật tư, phương tiện, kịp thời bổ khuyết, sẵn sàng ứng cứu đê.  

Tính đến 16h ngày 11/9, các công trình đê, kè, cống trên địa bàn huyện vẫn bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, mực nước lũ trên sông Hồng, sông Trà Lý khu vực Tiền Hải vẫn ở mức báo động 3, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê, kè, cống, đe dọa sản xuất và đời sống nhân dân.

Xã An Ninh huy động lực lượng đắp cao bờ bao sông ngăn không cho nước tràn làm ngập diện tích lúa mùa. Ảnh: Trần Tuấn

Huyện Tiền Hải đang tập trung tiêu úng cho các diện tích lúa mùa. Trong hai ngày 10 và 11/9, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện tổ chức tiêu nước tận dụng, tối đa trên các sông trục, trong đó đã mở 23 cống dưới đê biển, đê sông Hồng, đê sông Trà Lý để tiêu thoát nước cho các diện tích lúa bị ngập úng trong huyện. Ngoài ra, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đang tích cực  phối hợp với UBND các xã, thị trấn, HTX SXKD DVNN thường trực nhân lực 24/24 chủ động tiêu nước; tổ chức giải phóng dòng chảy trên các tuyến sông trục; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước, khi lũ trên sông lên nhanh không tiêu được phải khẩn trương đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ theo quy định.

Hưng Hà: Khẩn trương di dời người và tài sản vào nơi an toàn

Hiện nay, mực nước lũ ở các sông Trà lý, sông Hồng, sông Luộc trên địa bàn huyện Hưng Hà đang lên, mực nước lũ tại trạm Tiến Đức, sông Hồng đã vượt báo động cấp 3 và còn tiếp tục lên, diễn biến rất phức tạp. Huyện Hưng Hà đã huy động nhân lực, phương tiện hỗ trợ các địa phương di dời người dân và vận chuyển đàn vật nuôi ngoài đê vào nơi an toàn.

Các lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ di dời người dân ở ngoài đê vào nơi an toàn. Ảnh: Thanh Thủy

Theo đó, ngày 11/9, Công an huyện và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hưng Hà đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ, 20 xe ô tô chuyên dụng, 8 xuồng cứu hộ cùng với các địa phương tổ chức di dời gần 2.000 người dân sinh sống ở ngoài đê thuộc địa phận xã Tân Lễ đưa vào các gia đình người thân và nhà văn hóa các thôn để tránh trú. Tại xã Hồng An, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ địa phương vận chuyển trên 200 con lợn thịt, 140 con bò vào nơi an toàn. 

Các lực lượng tham gia di dời lợn của các hộ dân xã Hồng An về nơi an toàn. Ảnh: Thanh Thủy

Bên cạnh đó, huyện Hưng Hà chỉ đạo xã Hồng Minh phối hợp với Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Hùng xây dựng phương án vận chuyển hơn 5.400 con bò vào Trường Tiểu học Hồng Minh cũ để bảo đảm an toàn, đồng thời, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường tại khu vực chuồng nuôi.

Hoàn thành việc cắm vè tại kè Việt Yên, xã điệp Nông. Ảnh: Thanh Thủy

Hiện nay, huyện Hưng Hà đã thành lập 3 sở chỉ huy tiền phương trên triền đê tả Trà lý, đê tả Hồng Hà 1, đê hữu Luộc thuộc địa phận huyện làm nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác tuần tra, canh gác đê điều nghiêm ngặt liên tục ngày đêm, kịp thời phát hiện các sự số đê điều sớm ngay từ đầu giờ; huy động phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” sớm nhất không để diễn biến phức tạp khó xử dẫn đến nguy cơ mất an toàn đê điều. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, nắm chắc số hộ, số nhân khẩu ở các điểm xung yếu, nơi có nguy cơ ngập lụt để sẵn sàng phương án, bố trí địa điểm, bố trí lực lượng di dời người dân về nơi an toàn; triển khai phương án bảo vệ an toàn vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng trên sông nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.

Thái Thụy: Tập trung chống lũ, hộ đê

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Thái Thụy, đến trưa 11/9, hệ thống đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, an toàn. Tập trung chống lũ, hộ đê, khắc phục hậu quả úng, ngập do bão số 3 gây ra và ứng phó với mưa lớn bảo vệ sản xuất, huyện Thái Thụy đã thành lập 3 sở chỉ huy tiền phương ở các xã Thụy Hưng, Thụy Ninh, cụm xã Sơn Hà - Thái Phúc.

Sở chỉ huy tiền phương tại xã Thụy Hưng thực hiện tuần tra, canh gác đê điều cả ngày, đêm. Ảnh: Nguyễn Thắm 

Tại 3 điểm, địa phương huy động hơn 500 người gồm lực lượng thường trực, canh coi đê, cừ sách, tuần tra; hơn 10 máy xúc, 10 xe tải, 5 máy phát điện; hơn 7.000 bao tải, 800 cây tre luồng, cọc tre, cát đen, đá hộc, lưới B40, dây thép buộc, đèn pin…

Các sở chỉ huy tiền phương và các cụm PCTT huyện Thái Thụy chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các sự cố. Ảnh: Nguyễn Thắm Huyện Thái Thụy đã di dời 279 lao động và người dân sinh sống ngoài đê vào trong đê chính. Ảnh: Nguyễn Thắm 

Huyện yêu cầu các sở chỉ huy tiền phương và các cụm PCTT tổ chức tuần tra, canh gác đê điều cả ngày, đêm theo cấp báo động, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai phương án di dời người và tài sản các hộ dân sinh sống trong các bờ bao, đê bối, nếu thấy không an toàn vào trong đê chính, kiên quyết không để thiệt hại về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản; chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, lũ; triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt là phương án chống tràn tại các vị trí đê thấp trũng; thực hiện hạ thấp tải, giải phóng các bãi vật liệu, hàng hóa ở bãi sông để giảm tải hoặc cản trở thoát lũ; thực hiện cắm vè để theo dõi diễn biến của đê, kè xung yếu, trọng điểm (kè Thuyền Quan, kè Phúc Tân, kè Hà My, đê Thụy Quỳnh) và bố trí lực lượng ứng trực để thực hiện lệnh cấm người, phương tiện qua lại ở các cầu yếu, đoạn đường bị ngập, công trình giao thông không bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lũ gây ra.

Kiến Xương: Tập trung khắc phục sự cố tràn bờ bao, chống úng, hộ đê

Theo báo cáo của UBND huyện Kiến Xương, đến chiều ngày 11/9, một số bờ bao tại các địa phương: Vũ Hòa, Vũ Bình, Minh Tân, Trà Giang đã bị tràn. Ngay khi sự cố xảy ra, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Kiến Xương đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo các địa phương khắc phục sự cố.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân xã Vũ Hòa di dời vật nuôi đên nơi an toàn. Ảnh: Thu Thủy   

Huyện tập trung cao độ cho việc di dời người và tài sản có giá trị cho người dân về nơi an toàn. Huy động lực lượng tại chỗ của các địa phương kết hợp với lực lượng công an, bộ đội, lực lượng xung kích tổ chức gia cố bờ bao; di dời tài sản, gia súc, gia cầm cho dân, kiên quyết không để thiệt hại về tính mạng của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản. Đến nay, tất cả người dân trong diện di dời đều được bố trí nơi tránh trú an toàn.

Người dân xã Vũ Bình di dời tài sản. Ảnh: Thu Thủy 

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Kiến Xương cũng yêu cầu các xã duyên giang, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện, Hạt Quản lý đê điều tiếp tục tuần tra, canh gác đê điều cả ngày lẫn đêm; triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt là phương án chống tràn tại các vị trí đê thấp trũng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý tất cả các sự số phát sinh, nếu thấy không bảo đảm, lập tức bổ sung ngay. Rà soát kiểm tra các vị trí đê xung yếu để kịp thời bổ sung phương án xử lý nếu phát sinh sự cố, kiên quyết không để vỡ đê trong bất cứ tình huống nào. 

Xã Hồng Tiến tập trung nhân lực gia cố các điểm xung yếu. Ảnh: Thu Thủy 

Phân công cán bộ kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc các xã, thị trấn tích cực khẩn trương rút nước mặt ruộng và trên hệ thống kênh trục, chủ động phòng, chống úng bảo vệ lúa và hoa màu. Ngoài ra, UBND huyện Kiến Xương cũng giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, để tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, kịp thời ứng phó với diễn biến của mưa, lũ.                                                      

Đông Hưng: Tăng cường các biện pháp ứng phó mưa lũ

Đến 16h ngày 11/9, mực nước sông Trà Lý đang ở mức báo động 3, mức 5,58m, còn cách mặt đê Trà Lý địa phận huyện Đông Hưng hơn 1m, cơ bản vẫn an toàn. Tuy nhiên, nước sông vẫn đang dâng, dự báo vẫn có mưa to.

Các đồng chí phụ trách huyện và lãnh đạo huyện kiểm tra tại trạm bơm Hậu Thượng, xã Hồng Bạch. Ảnh: Thu Hiền

Để ứng phó với mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện Đông Hưng tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức thông tin đến người dân về tình hình mưa lũ, các biện pháp ứng phó. Huyện đã thành lập sở chỉ huy tiền phương trên triền đê tả Trà Lý dài 23,5km đặt tại 3 cụm xã; bổ sung kinh phí hỗ trợ 9 xã duyên giang thực hiện công tác ứng phó với lũ trên sông Trà Lý với mức 20 - 35 triệu đồng/xã. 

Các lực lượng hộ đê hoành triệt cống xả tiêu trạm bơm Hậu Thượng, xã Hồng Bạch. Ảnh: Thu Hiền

Các hộ sinh sống, sản xuất ngoài đê đã được di chuyển vào nơi an toàn. Các xã duyên giang tiến hành rà soát các hộ có nhà yếu, nhà nguy cơ sập đổ, thực hiện các biện pháp bảo vệ, trong trường hợp đặc biệt sẽ di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân. Ngoài việc huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo quyết định của UBND huyện, các xã duyên giang đã chuẩn bị thêm 10 xe tải, 3 máy xúc, 5 đoạn dây thừng loại to phục vụ PCTT và TKCN; triển khai lực lượng canh gác nghiêm cấm các loại xe vận tải đi trên đê (trừ các loại xe ưu tiên thực hiện nhiệm vụ PCTT). 

Lực lượng canh gác đê 24/24 giờ. Ảnh: Thu Hiền

Các đơn vị liên quan tập trung rà soát, cảnh báo đối với các cây cầu yếu, đoạn đường có nguy cơ sạt lở do mưa lớn và nước lũ dâng cao. Lực lượng công an, quân sự tăng cường bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, nhất là các nơi cần di dời dân; phối hợp với các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp PCTT và TKCN. Trung tâm Y tế huyện đã thành lập 3 đội cấp cứu lưu động để thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

LLVT tỉnh: Hơn 670 cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục sự cố tại các tuyến đê xung yếu

Trong 2 ngày 10 - 11/9, các lực lượng của Bộ CHQS tỉnh đã huy động hơn 670 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện, trang thiết bị xuống các địa phương có tuyến đê xung yếu để giúp nhân dân di dời tài sản, tham gia khắc phục tuyến đê xung yếu, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Lực lượng vũ trang tỉnh đóng bao cát để gia cố các tuyến đê xung yếu. Ảnh: Tiến Đạt

Tính đến 11 giờ ngày 11/9, 10 đơn vị đầu mối của Bộ CHQS tỉnh đã huy động 423 cán bộ, chiến sĩ, 248 dân quân tự vệ, hơn 80 phương tiện các loại để tham gia khắc phục sự cố tại các đê xung yếu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lực lượng quân đội đã tham gia xử lý sự cố tràn đê xã An Cầu (Quỳnh Phụ) với chiều dài khoảng 400m; kiểm tra và xử lý đập tràn ở xã Hồng Bạch; tham gia di dời nhân dân ở xã Đông Quan (Đông Hưng); tham gia thành lập 18 sở chỉ huy tiền phương tại các huyện, thành phố; di dời 50 người dân xã Tân Lễ, xã Hồng An (Hưng Hà) đến nơi tránh trú an toàn.

Lực lượng vũ trang tỉnh giúp đỡ người dân di chuyển vật dụng sinh hoạt đến nơi an toàn. Ảnh: Tiến Đạt

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh huy động lực lượng, phương tiện của Đại đội Trinh sát cơ giới, Trung đội Thông tin với 50 cán bộ, chiến sĩ giúp huyện Vũ Thư cũng như các địa phương khác bảo đảm thông tin liên lạc, di dời tài sản giá trị, vật nuôi của người dân và tham gia khắc phục sự cố.  

Công an tỉnh: Triển khai lực lượng tham gia xử lý sự cố mưa lũ

Trước ảnh hưởng của bão số 3 và tình hình hình mưa lũ gây hậu quả trên địa bàn, sáng ngày 11/9, Công an tỉnh đã triển khai lực lượng tham gia tham gia xử lý sự cố mưa lũ và hỗ trợ người dân.

Lãnh đạo Công an tỉnh giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ đại đội cơ động PCTT và CHCN. Ảnh: Trịnh Cường

Gần 200 cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đặc chủng thuộc đại đội cơ động PCTT và CHCN của Công an tỉnh được điều động làm nhiệm vụ tại một số vị trí xung yếu trên địa bàn huyện Vũ Thư tập trung chống lũ, hộ đê, khắc phục hậu quả úng, ngập, giúp người dân di chuyển tài sản và bảo vệ sản xuất.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tham gia hộ đê, chống lũ tại thôn Quang Trung, xã Vũ Vân (Vũ Thư). Ảnh: Trịnh Cường

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, công an huyện, thành phố thường trực 100% quân số, tập trung triển khai các biện pháp PCTT, huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Phòng Cảnh sát giao thông, công an các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều tiết giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Tăng cường tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt đối với các khu vực phải di dời người dân đến nơi an toàn, không để các đối tượng lợi dụng trộm cắp tài sản của nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tham gia hộ đê, chống lũ tại xã Vũ Hòa (Kiến Xương). Ảnh: Trịnh Cường

Tỉnh đoàn: Huy động thanh niên phòng, chống bão lũ

Với tinh thần “4 tại chỗ”, thanh niên tại các địa phương, đơn vị cùng các lực lượng chủ động hỗ trợ, triển khai các biện pháp chống lũ, hộ đê.

Thanh niên và các lực lượng xã Tân Lập (Vũ Thư) tham gia hộ đê. Ảnh: Xuân Phương

Thanh niên và các lực lượng đắp bờ bao tại cống Cù Là, xã Vũ Hòa (Kiến Xương). Ảnh: Phương Chi

Tỉnh đoàn Thái Bình chỉ đạo các cơ sở đoàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh, của huyện, thành phố và các đơn vị chức năng khác về công tác phòng, chống bão, lũ, tránh tư tưởng chủ quan lơ là, mất cảnh giác. Củng cố, tăng cường các đội thanh niên xung kích, tình nguyện của các xã, phường, thị trấn, mỗi đội từ 40 đoàn viên, thanh niên; sẵn sàng khi có lệnh điều động, ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Chủ động, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời thông tin cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về tình hình, diễn biến của bão, lũ; tham gia di dời, cứu hộ người và tài sản, tập trung chống lũ, hộ đê, khắc phục hậu quả úng, ngập.

19 cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học do sân trường bị ngập lụt

Sáng ngày 11/9, mưa liên tục trên diện rộng kết hợp với nước lũ lên nhanh gây ngập ở nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học do sân trường bị ngập lụt.

Bị ảnh hưởng nặng nhất là các cơ sở giáo dục của 5 xã ở huyện Vũ Thư gồm: Vũ Vân, Hồng Phong, Duy Nhất, Hồng Lý, Bách Thuận ngập từ 0,3 – 0,5m. Hiện các trường đã cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới để bảo đảm an toàn. Trường Tiểu học và THCS Vũ Vân bắt đầu được trưng dụng để làm nơi tránh trú cho người dân ở những nơi nguy hiểm. Các trường học khác của 5 xã trên cũng chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho người dân đến tránh trú.

Trường Tiểu học và THCS Thái Thuần (Thái Thụy) bị ngập sâu, nước tràn vào một số lớp học tầng 1. Ảnh: Đặng Anh

Tại thành phố Thái Bình, một điểm trường của Trường Mầm non Kỳ Bá tại khu Nhất Thanh (phường Kỳ Bá) được trưng dụng để làm nơi tránh trú cho người dân; 70 cơ sở giáo dục vẫn tổ chức việc dạy và học theo đúng kế hoạch, các trường THCS chưa tổ chức dạy buổi 2. Tại huyện Thái Thụy và huyện Quỳnh Phụ, một số cơ sở bị ngập sâu, nước tràn vào các lớp học, bắt đầu cho học sinh nghỉ học từ ngày 11/9 đến khi có thông báo mới; cán bộ, giáo viên các nhà trường được huy động để di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao để tránh bị hư hại.

Nhiều cơ sở giáo dục bị ngập từ 0,3 - 0,5m phải cho học sinh nghỉ học.  Ảnh: Đặng Anh 

Trước diễn biến của thời tiết, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, đặc biệt vùng có nguy cơ ngập lụt chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân. Sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn. Lên phương án dọn vệ sinh trường lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học và có kế hoạch dạy bù trong thời gian học sinh nghỉ học. Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức học bán trú cần có biện pháp bảo đảm an toàn và chuẩn bị lương thực, nước uống cho học sinh.

Tăng cường tuyên truyền bám sát diễn biến tình hình mưa lũ

Phục vụ công tác phòng, chống mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh, những ngày qua, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, đưa thông tin kịp thời về tình hình mưa lũ, ngập lụt, nội dung các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành đến nhân dân.

Xe tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố thực hiện tuyên truyền tại khu vực đông dân cư. Ảnh: Tú Anh

Các địa phương rà soát hệ thống loa truyền thanh, cột anten bảo đảm thông tin thông suốt. Xe tuyên truyền lưu động của các huyện, thành phố tăng cường khung giờ và tần suất tuyên truyền tại những địa bàn đông dân cư, cập nhật liên tục bản tin, thông báo mới nhất về diễn biến của mưa lũ. Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp âm các bản tin của Đài PT và TH Thái Bình, đài TT-TH các huyện, thành phố về tình hình mưa lũ và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương để chủ động phòng, chống.

Thông qua công tác tuyên truyền, nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người dân tránh tư tưởng lơ là, chủ quan, đồng thời không hoang mang trước những thông tin sai sự thật, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh và địa phương.

Nhóm phóng viên

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày