Chương trình Ocop: Mở lối ra biển lớn (Kỳ 1)
KỲ 1: TỰ HÀO SẢN PHẨM ĐỊA PHƯƠNG
Phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền là điều kiện thuận lợi để Thái Bình triển khai chương trình OCOP, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm không chỉ vươn tầm quốc gia mà còn có cơ hội bước ra thị trường quốc tế.
Phát triển sản phẩm chủ lực
Với 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, Thái Bình có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông thôn. Nói đến Thái Bình là nói đến thế mạnh về thâm canh lúa với sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm; đa dạng các loại cây màu: khoai tây, ngô, bí các loại, hành, tỏi, ớt... Ngoài trồng trọt, Thái Bình còn có thế mạnh về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với 54km bờ biển cùng bãi triều rộng lớn ở hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Đặc biệt, ngao là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Thái Bình với diện tích nuôi đạt gần 3.000ha, sản lượng ngao thu hoạch khoảng 70.000 - 90.000 tấn/năm (chiếm 50% sản lượng ngao toàn quốc). Thái Bình còn nằm trong vùng kiểm soát nhuyễn thể hai mảnh vỏ (ngao) của EU với số lượng trên 10.000 tấn ngao xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, tỉnh có trên 2.900ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, hơn 8.000ha nuôi thủy sản nước ngọt. Cùng với đó, Thái Bình hình thành nhiều xã nghề, làng nghề truyền thống như chạm bạc Đồng Xâm, dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương), dệt khăn Phương La (Hưng Hà), thêu Minh Lãng (Vũ Thư), gỗ mỹ nghệ Nguyên Xá (Vũ Thư), nón lá Nam Hải (Tiền Hải)... Toàn tỉnh có 245 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, thu hút trên 67.400 lao động. Mỗi năm, các làng nghề trong tỉnh sản xuất 100 tấn bánh kẹo các loại; trên 1.000 tấn bún, bánh đa; 3.000 tấn khăn các loại; 1,2 triệu sản phẩm may mặc; 500.000 sản phẩm mây tre đan các loại; 100.0000 sản phẩm chiếu cói...
Theo ông Vũ Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình thì thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, các hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Vì vậy, khi triển khai chương trình OCOP, Thái Bình sẽ có nhiều thuận lợi vì đã có nhiều sản phẩm đặc thù, là thế mạnh của địa phương.
Các loại khăn của làng nghề Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà) được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Đặc sản đã có thương hiệu
Với sự đa dạng về chủng loại, sản phẩm như lúa gạo, đồ uống, thảo dược, nội thất trang trí, dệt khăn... Thái Bình có nhiều tiềm năng để phát triển chương trình OCOP. Nói đến Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê bình dị của người dân làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) bởi những nét độc đáo riêng.
Bánh cáy làng Nguyễn có tuổi đời hơn 200 năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian. Món bánh quê được làm từ những nguyên liệu là những nông sản địa phương: nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, dừa, mứt bí, gừng, cà rốt, vỏ quýt tươi, mỡ lợn... theo tỷ lệ và quy trình tỉ mỉ, công phu tạo nên hương vị rất đặc trưng cho thứ bánh này. Nếu như xưa kia bánh cáy làng Nguyễn được làm hoàn toàn thủ công thì những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư kinh phí mua máy móc về sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản xuất ra những chiếc bánh ngon lại thuộc về tâm huyết của những người thợ.
Ông Nguyễn Hữu Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Toàn xã có khoảng 1.000 hộ làm bánh cáy, trong đó trên 50 cơ sở lớn, với dây chuyền sản xuất khép kín; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Bánh cáy được chứng nhận “Sản phẩm tin cậy” của Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo; được chứng nhận “thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018”. Nhờ phát triển nghề làm bánh cáy truyền thống, Nguyên Xá đã trở thành một trong những xã đi đầu về phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 80%.
Nằm trong top 10 loại nước mắm truyền thống nổi tiếng cả nước, cùng với bánh cáy làng Nguyễn, nước mắm Diêm Điền (Thái Thụy) là sản phẩm để làm quà không thể thiếu với những khách phương xa khi đến với Thái Bình. Bất kỳ ai khi thưởng thức nước mắm Diêm Điền đều cảm nhận được hương vị thơm ngon, đậm đà mang phong cách riêng của Diêm Điền, vùng quê biển yên bình. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những bí quyết làm nước mắm truyền thống vẫn còn được lưu giữ và phát triển, hoàn toàn không có chất xúc tác bằng hóa học nào. Những loại nước mắm hảo hạng như mắm chắt, mắm cá nhâm, mắm cá cơm được chính đôi bàn tay người dân vùng biển Diêm Điền chế biến đã làm mê đắm biết bao thực khách đã từng một lần thưởng thức.
Gia đình ông Hoàng Ngọc Khang - một trong những hộ tại làng nghề Vĩnh Trà, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụ) nhiều đời nay chuyên làm nghề chế biến nước mắm cá nhâm, một loại nước mắm đặc sản của thị trấn Diêm Điền. Ông Khang cho biết: Làm nước mắm ngon nhất vẫn là khi được ủ dầm vào chum, vại, hũ bằng gốm nung già vì đồ gốm khi phơi nắng sẽ thu và giữ nhiệt tốt, bảo đảm việc ủ dầm cá hiệu quả hơn. Với sản lượng khoảng 5 - 7 triệu lít mỗi năm, nước mắm Diêm Điền trở thành thương hiệu nước mắm truyền thống được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ... có lợi thế của từng địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. |
Tiến sĩ Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp Việt Nam Thái Bình là tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tham gia OCOP là cơ hội tốt cho các nông sản vùng miền đến với thị trường dễ dàng hơn. Đặc biệt, đây là cơ hội lớn trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng tầm thương hiệu đối với các cơ sở sản xuất, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Bà Phạm Thị Ngắn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, xã Tây An (Tiền Hải) |
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình