Thứ 2, 22/07/2024, 23:38[GMT+7]

Chương trình OCOP mở lối ra biển lớn (Kỳ 2)

Thứ 3, 15/10/2019 | 18:33:33
1,611 lượt xem
Chương trình OCOP được xem là “cánh cửa” mở, không đóng khuôn và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Bởi OCOP không phải là chương trình “trao cơm” mà là “tạo cần câu cơm” cho nông dân. Thái Bình, tuy được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông thôn song cũng còn không ít những khó khăn, rào cản khi triển khai thực hiện chương trình này.

Nông dân xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) thu hoạch ớt.

Kỳ 2: Thách thức trong triển khai OCOP

Chủ thể… yếu

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Vì thế, theo các chuyên gia kinh tế phân tích, để sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu địa phương phát triển thì mô hình HTX được coi là phù hợp nhất vì nó không giới hạn số lượng thành viên tham gia sản xuất; có thể tạo ra liên kết giữa các hộ đến liên kết vùng... Là một trong những chủ thể mà OCOP hướng tới tuy nhiên, vai trò của HTX chưa phát huy hiệu quả trong các chương trình kinh tế - xã hội nói chung, chương trình OCOP nói riêng. Qua khảo sát tại các huyện, thành phố, số HTX đăng ký tham gia sản phẩm OCOP rất ít. Toàn tỉnh hiện có 434 HTX hoạt động đa dạng các ngành nghề, trong đó có khoảng trên 200 HTX hợp đồng với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức cung ứng vật tư, bao tiêu nông sản cho thành viên HTX và người dân. Tuy nhiên, trong tổng ruộng đất canh tác trên 200.000ha toàn tỉnh, diện tích gieo trồng “phủ sóng” hợp đồng liên kết sản xuất khoảng 9.766ha (chỉ chiếm 4,34%). Trong tổng số HTX có liên kết thì chỉ có 35% số HTX liên kết hiệu quả và có tính bền vững, còn 65% HTX liên kết thiếu bền vững; năng lực nội tại của các HTX còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. 

Số ít HTX nhanh nhạy trong chuyển đổi hình thức hoạt động, đa dạng dịch vụ, có chiến lược kinh doanh phù hợp lại gặp khó trong tổ chức thực hiện. HTX SXKD DVNN xã Độc Lập (Hưng Hà) là một điển hình. 

Bà Nguyễn Thị Nõn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Độc Lập cho biết: HTX tổ chức vùng chuyên lúa giống 40ha (310 hộ tham gia), vùng chuyên cấy lúa Nhật 30ha (140 hộ tham gia), tổng sản lượng HTX bán cho doanh nghiệp đạt 150 tấn/năm. HTX mong muốn xây dựng dự án vùng sản xuất lúa giống 50ha liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Do ruộng đất các hộ thành viên đều nhỏ hẹp, vùng sản xuất có quá nhiều hộ, cho dù HTX đến vận động từng hộ trong vùng lúa, nhưng chỉ vài hộ chưa đồng thuận nên phương án sản xuất không đáp ứng yêu cầu. Nếu làm lúa giống thì khó bảo đảm chất lượng, còn nếu chuyển cây khác thì phải đầu tư vốn rất lớn vì thổ nhưỡng đất chua xấu. Cùng với đó, HTX còn thiếu vốn, muốn thuê hay mua ruộng đất đều không có tiền. Đến ngân hàng vay cũng khó, dù HTX có tài sản bảo đảm là đất, nhà trụ sở 2 tầng trên diện tích 120m2 và nhiều tài sản cố định, kênh mương thủy lợi kiên cố...

Nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân xã Hồng Phong (Vũ Thư).

Kết nối cung - cầu... kém

Hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có chất lượng tốt nhưng lại gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước. Và một trong những lý do căn bản được nhận định chính là yếu kém tại khâu kết nối cung - cầu. 

Ông Trần Tiến Hồng, thôn Bắc Sơn, xã Hồng An (Hưng Hà) gắn bó với nghề trồng chuối nhiều năm nay, đã trải qua nhiều khó khăn, thất bại nhưng điều làm ông lo lắng nhất vẫn là làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định. Với 3 mẫu đất hoang hóa ven sông, ông nhận thuê lại của xã, đầu tư cải tạo đất và trồng chuối tiêu hồng. Những năm được mùa, được giá thu lãi vài trăm triệu đồng nhưng cũng có năm giá chuối thấp, thương lái không “mặn mà” thu mua, lợi nhuận theo đó cũng giảm. Như năm nay, giá chuối giảm mạnh, chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 giá chuối năm 2018, giá cả lại phụ thuộc vào thương lái nên không tránh khỏi tình trạng bị ép giá - ông Hồng cho biết.  

Ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An cũng thừa nhận: Đầu ra cho sản phẩm luôn là mối lo thường trực của chính quyền và nhân dân trong xã. Từ năm 2008, xã Hồng An đã đi đầu và thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn với 110ha, chủ yếu là chuối. Có thể nói, việc xây dựng thành công vùng chuyên canh đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên thửa ruộng của mình. Tuy nhiên, việc phát triển trồng chuối vẫn mang tính tự phát khi chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông. Tham gia chương trình OCOP, có nhãn hiệu hàng hóa, chuối tiêu hồng của người dân Hồng An sẽ được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn. Tuy nhiên, phần lớn bà con vẫn lúng túng trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, ngành chức năng trong việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, có như vậy sản phẩm của địa phương mới ngày càng có chỗ đứng trên thị trường - ông Thủy nói.

Ớt là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông của nông dân huyện Quỳnh Phụ với diện tích 1.200ha. Cây ớt cũng giúp nông dân Quỳnh Phụ vươn lên làm giàu nhưng cũng làm những người nông dân nơi đây khốn khổ với nỗi lo ớt rớt giá. Vụ đông năm 2018, giá ớt giảm còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, tiền bán ớt không bù được chi phí chăm sóc, mua giống, thu hoạch khiến nông dân lao đao... Nhiều gia đình trồng ớt ở Quỳnh Phụ đành ngậm ngùi trước thực trạng được mùa rớt giá. 

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Cây ớt là một trong những cây trồng chính trong sản xuất vụ đông ở Quỳnh Phụ. Tuy nhiên, giá cả lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, còn thị trường nội địa thì rất ít, do đó thường xuyên bị thương lái ép giá. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Liên, cố vấn cấp cao Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân (thành phố Thái Bình) cho rằng, phát triển sản xuất ổn định đã khó, tìm kiếm, giữ vững và mở rộng thị trường còn khó khăn hơn gấp bội, mà nếu chỉ có một mình nông dân, HTX, doanh nghiệp thì khó có thể thực hiện được. Và điệp khúc “được mùa mất giá” hay câu chuyện “giải cứu nông sản” cho ta thấy những bất cập là khi sản xuất không định hướng rõ sản xuất gắn với thị trường, tăng sản lượng nhanh chóng mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường...

Quan điểm của chương trình OCOP là từ thị trường, lấy thị trường là tín hiệu, là mệnh lệnh để dẫn dắt sản xuất, từ đó định hướng các sản phẩm truyền thống phải gắn với thị trường.


Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải
Tiền Hải là huyện ven biển có rất nhiều sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng như ngao, gạo tám, nước mắm, nón lá...Đến nay, một số sản phẩm của huyện đã và đang được xây dựng thương hiệu. Tham gia chương trình OCOP sẽ giúp phát triển các sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương hiện nay là việc tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng hàng hóa và bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cao (Kiến Xương)
Chúng tôi muốn thông qua chương trình OCOP để khôi phục lại nghề dệt đũi truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là nguồn nguyên liệu không ổn định, quy mô sản xuất nhỏ, dẫn đến sản phẩm nghèo nàn, sản lượng thấp và không ổn định, thị trường tiêu dùng chủ yếu tập trung vào số ít những người sẵn sàng chi trả giá cao để được sử dụng những sản phẩm tự nhiên.

Hộ kinh doanh Trần Văn Phát, thôn Thái Phú Thọ, xã Hồng Phong (Vũ Thư)
Nghề trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân địa phương. Với sản lượng kén tằm mỗi năm đạt gần 3 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của người dân chúng tôi là đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định. Khi được tuyên truyền về chương trình OCOP, chúng tôi rất phấn khởi và sẽ tích cực phối hợp để sản phẩm của địa phương được nhiều người tiêu dùng biết đến.


(còn nữa)

Nhóm phóng viên 

  • Từ khóa