Thứ 7, 23/11/2024, 08:40[GMT+7]

Đón các anh về nghĩa trang Trường Sơn

Thứ 3, 17/07/2012 | 09:54:02
1,638 lượt xem
Tháng 8 năm 1973, chúng tôi những người con gái, con trai của quê lúa Thái Bình, tuổi 17, 18 hăng hái lên đường nhập ngũ. Để lại phía sau quê hương gia đình, bạn bè và những cánh đồng lúa bát ngát, thẳng cánh cò bay. Sau thời gian huấn luyện, chúng tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 674 (Đoàn 559), sau này mới biết 559 là binh đoàn Trường Sơn. “Trường Sơn sớm nắng, chiều mưa/ Ai chưa đến đó thì chưa biết mình”. Thế là, bắt đầu cuộc sống gian khổ, hy sinh và cả sự chết chóc của chiến tranh

Chị Dấn, chị Hợp trồng hoa ở khu vực Đài tưởng niệm của Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.

Đơn vị chúng tôi có tới 60% là người Thái Bình. Đại tá Đặng Hương, Phó Tư lệnh Binh đoàn 559 cũng quê Thái Bình (ông ở Nam Cường – Tiền Hải). Nhiệm vụ của chúng tôi được cấp trên giao là san ủi mặt bằng, xây mộ, xây đài và theo truyền đạt của cấp trên là xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn, lo nơi yên nghỉ cho liệt sĩ.

Đại tá Đặng Hương sau khi đi tìm đất, tìm địa điểm, đã quyết định chọn nơi xây Nghĩa trang Trường Sơn như hiện tại. Đơn vị chúng tôi bắt đầu dựng lán để ở; đưa xe, máy làm nhiệm vụ san ủi mặt bằng. Từ khu rừng nguyên sinh và những quả đồi trọc lốc do bom đạn, đã bắt đầu có sự sống. Nữ quân nhân được giao nhiệm vụ đi cắt cỏ gianh, chặt lồ ô về dựng lán, trại. Công việc tưởng đơn giản nhưng thật vất vả. Mưa lũ, vắt rừng, mưa dầm, gió rét, nắng, nóng miền Trung. Khi mưa thì mưa dầm dề, chị em chỉ có hai bộ quần áo thay ra giặt, phải hong trên lửa để mai có cái mặc. Có lúc không kịp hong khô phải mặc quần áo ẩm, ướt. Cực nhất là lúc ốm, đau, thuốc men không có, chỉ có tình đồng đội sưởi ấm cho nhau. Việc chặt cây lồ ô tưởng đơn giản như chặt tre, nứa ở nhà... nhưng không, cây lồ ô rất dai, chặt rát tay, tóe máu mới đứt; cắt cỏ gianh gánh về nhìn mặt nhau đứa nào cũng cười, vì nhọ nhem. Có lúc nhận thư nhà, hay nhớ nhà lại khóc tu tu, buồn não ruột. Ở đây không chỉ thiếu nước, thừa nắng, nóng mà thiếu cả rau xanh. Mỗi lần cử người đi hái rau rừng phải có hai chiến sĩ nam đi bảo vệ. Chị em xuống suối tắm phải có anh em trông chừng, bảo vệ. Có hôm đi hái rau, bị lạc đường, phải mò mẫm tới khuya mới về đến đơn vị.

Chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ quy tập liệt sĩ, xây mộ cho các anh. Namon> giới đi quy tập theo sơ đồ, đem về cho chị em chúng tôi sắp xếp, phân loại theo từng địa phương. Tuổi chưa tròn 20 nghe nói ma là sợ lắm, vậy mà vẫn phải mở các bọc gói hài cốt, tắm rửa cho các anh, cho vào tiểu sành, rồi đưa xuống từng hố, đậy nắp, xây thành từng mộ. Anh Oánh, quê ở Thanh Hóa là chiến sĩ lái máy ủi, trong khi thao tác, máy của anh ủi vào một bọc đen, trong đó có một lọ thủy tinh ghi tên, tuổi ngày hy sinh của liệt sĩ. Đêm ấy, anh Oánh về nhà không ăn, không ngủ được. Có anh ở đơn vị làm công việc bốc, xếp hài cốt đưa vào tiểu sành, rồi an táng như bình thường. Đêm về anh không ngủ được, trằn trọc suốt đêm. Sáng sớm, anh ra đào  lên làm lại vì anh linh cảm thấy hôm trước chưa rửa sạch đất trong hộp sọ của liệt sĩ. Với trách nhiệm và lương tâm với đồng đội, anh đã làm lại các thao tác đã sai sót. Biết bao giọt mồ hôi đã đổ xuống để Nghĩa trang Trường Sơn được hình thành; vừa làm, vừa khóc thương các anh. Do điều kiện khó khăn, phải tắm rửa, phân loại... nên tiến độ chậm, có hôm ùn lại hàng nghìn bộ hài cốt xếp đấy chờ làm các thủ tục an táng. Chúng tôi cố gắng làm cẩn thận, chính xác để yên lòng người hy sinh và thân nhân của các liệt sĩ. Sau khi xây mộâ, an táng 10 nghìn 300 hài cốt các anh xong, nhiệm vụ cấp trên giao cho là xây đài Tổ quốc ghi công. Người thiết kế Đài Tổ quốc ghi công là anh Lưu quê Hà Tây; Người đắp hoa sen là Tiểu đoàn trưởng Lương Mạnh Trác; các anh Hưng, Quýt, Tiến quê Thái Bình gắn 4 chữ. “Tổ quốc ghi công” lên Đài tưởng niệm. Sau khi có đài rồi, thủ trưởng Trác giao cho anh Phạm Văn Lượng, liên lạc viên của tiểu đoàn ở Bình Định (Kiến Xương) đi xin cây về trồng – cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn là do chính tay anh Lượng trồng, chăm sóc. Sau 3 năm cây bồ đề đã lên cao thì đơn vị rút ra Bắc. Từ đó đến nay, không ai hỏi, không ai tìm nguồn gốc cây bồ đề và người ta đã nói theo hướng tâm linh là cây tự mọc. Người trồng cây, người giao nhiệm vụ và những đồng đội trực tiếp chứng kiến anh Lượng trồng cây bồ đề vẫn còn sống. Tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh 559 vào Tây Nguyên đưa cây thông đuôi chồn ra giao cho Tiểu đoàn 674 trồng; chị Dấn, chị Hợp trồng hoa ở khu vực Đài tưởng niệm, bức ảnh chụp vẫn còn đến bây giờ.

Ở tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới” vậy mà vào Trường Sơn chúng tôi phải làm những công việc cực nhọc, gian khổ và cả nỗi sợ hãi: cất bốc hài cốt. Chúng tôi tắm rửa cho các anh, nhặt từng đốt xương, xếp vào tiểu, rồi đưa xuống mộ an táng. Hàng chục nghìn bộ hài cốt đã được chúng tôi vừa làm vừa khóc nước mắt chảy dài trên má. Chúng tôi đã để tuổi xuân ở Trường Sơn và phục viên, ra quân trở về là sốt rét, ốm đau. Khi đi tuổi phơi phới, tóc xanh, da trắng, môi hồng. Lúc trở về là môi thâm, da bủng, người gầy gò, hầu hết các chị đều nhiễm chất độc da cam. Có người làm được thủ tục thì hưởng chế độ, nhiều người không làm được đành chịu thiệt thòi.

Tiểu đoàn 674 (Đoàn 559) thuộc binh chủng công binh được giao trực tiếp xây dựng Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, mà 2/3 quân số là người Thái Bình, 1/3 còn lại là người Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi có quyền tự hào vì mình đã có mặt ở Trường Sơn – Con đường huyền thoại thời chống Mỹ: “Với cả nước, Trường Sơn thành thân thuộc/ Mũ tai bèo hơn một tấm chứng minh”. Hơn thế, chúng tôi còn trực tiếp xây nên Nghĩa trang Trường Sơn, đưa  hàng chục nghìn hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại đây, để bây giờ cả nước, bạn bè thế giới đến thắp hương, chiêm ngưỡng một công trình tâm linh, công trình văn hóa – lịch sử – Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.

Phạm Viết Thanh

(Ghi theo lời kể của nữ cựu quân nhân Nguyễn Thị Lành - Đoàn 674)

 

  • Từ khóa