Thứ 7, 10/08/2024, 10:21[GMT+7]

Xây dựng gia đình văn hóa - Thách thức và giải pháp

Thứ 2, 23/07/2012 | 15:19:54
12,272 lượt xem
Cùng với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh ta những năm qua đạt nhiều thành tựu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên công tác xây dựng gia đình văn hóa giai đoạn hiện nay gặp phải không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội với những giải pháp sát thực, hiệu quả.

Ðồng chí Cao Thị Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa xuất sắc.

Thành tựu đạt được

Những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nói chung, công tác xây dựng gia đình văn hoá (GÐVH) nói riêng trên địa bàn tỉnh phát triển cả về lượng và chất. Hàng năm, bình quân tỷ lệ GÐVH của tỉnh tăng từ 2 đến 3%. Tính đến đầu năm 2012, Thái Bình hiện có 385.458/506.916 hộ GÐ đạt chuẩn GÐVH, đạt tỷ lệ 76%. Những thành tựu đạt được từ công tác GÐ và xây dựng nếp sống văn hoá GÐ đã và đang khẳng định vị thế, vai trò đối với phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác xây dựng GÐVH - một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Quá trình triển khai cuộc vận động cũng là quá trình tiếp tục làm chuyển đổi cơ bản về mặt nhận thức, vị trí, vai trò của văn hoá GÐ trong sự nghiệp CNH, HÐH của đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Ở cấp thôn, làng, ngày hội “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (18- 11) hàng năm đều có nội dung biểu dương khen thưởng các GÐ đạt danh hiệu GÐVH, bởi danh hiệu GÐVH nói chung và danh hiệu GÐVH tiêu biểu, xuất sắc nói riêng không chỉ là tiêu chí phấn đấu mà còn là chuẩn giá trị tôn vinh của toàn xã hội, là niềm vinh dự tự hào của mỗi GÐ và cộng đồng dân cư. Các cấp uỷ, chính quyền từ xã đến tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, tổ chức các cuộc gặp mặt GÐVH tiêu biểu để kịp thời động viên, biểu dương, khích lệ phong trào. Từ đó, các GÐVH đã thực sự nêu tấm gương sáng cho các gia đình và cộng đồng noi theo. Nhiều mô hình GÐ tiêu biểu xuất sắc được đúc kết, tuyên truyền nhân rộng. Ðó là các GÐ có nhiều thế hệ chung sống đầm ấm hạnh phúc, nuôi dạy con cháu hiếu học, thành đạt; những tấm gương hiếu đễ, tình nghĩa thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; những điển hình vượt khó phát triển kinh tế xây dựng GÐ ấm no, hạnh phúc; những tấm gương tích cực trong công tác nhân đạo từ thiện. Từ phong trào cũng xuất hiện những giá trị nhân văn mới như bình đẳng trong GÐ, trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái; hôn nhân tiến bộ cùng tồn tại bên trong nền nếp gia phong... Những GÐVH đã thực sự trở thành những bông hoa tươi đẹp của vườn hoa GÐ rực rỡ sắc màu, thắm đượm ý nghĩa nhân văn trong bức tranh toàn cảnh văn hoá Việt Namon>.

Những kết quả, thành tựu từ xây dựng GÐVH chính là gốc rễ bền vững để giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; là môi trường hoàn thiện nhân cách con người; là pháo đài vững chắc phòng chống tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, ngăn chặn sự rình rập xâm nhập của tệ nạn xã hội, tội phạm, ma tuý, mại dâm... Thành quả của phong trào cũng như thành tích của các hộ GÐ đạt được đã tác động lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, trong đó tác động cụ thể, trực tiếp đến phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Thách thức và giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về GÐ và xây dựng GÐVH. Ðó chính là tác động của mặt trái cơ chế thị trường cùng lối sống thực dụng, sự xâm nhập của sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp tấn công mạnh vào các GÐ. Những giá trị đạo đức tốt đẹp như kính trên nhường dưới, hiếu nghĩa thủy chung đang bị mai một. Sự suy thoái về đạo đức lối sống đang bộc lộ ngày càng rõ nét. Tình trạng bạo lực GÐ đang diễn biến khó lường, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Tình trạng ly hôn, ly thân, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân không giảm; các tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, mại dâm đang đe doạ tới hạnh phúc và sự phát triển bền vững của nhiều GÐ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống tốt đẹp trong GÐ còn hạn chế. Vấn đề giáo dục trong GÐ đang bị buông lỏng dẫn đến nguy cơ trẻ em sa vào các tệ nạn xã hội…

Ngày GÐVH năm nay với chủ đề “Xây dựng GÐ là vấn đề lớn hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”, được tổ chức trong niềm vui “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 629/QÐ-TTg. Ðể thực hiện tốt chiến lược nói chung và công tác xây dựng GÐVH trên địa bàn tỉnh nói riêng, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trước hết cần nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành công tác GÐ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, các gia đình, cá nhân và cộng đồng về vị trí vai trò của GÐ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục với nhiều hình thức, cung cấp cho các cá nhân kiến thức về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến GÐ, về nâng cao kỹ năng sống. Mỗi cá nhân, GÐ nhận thức sâu sắc ý nghĩa và trách nhiệm của việc xây dựng phát huy giá trị GÐVH, thực hiện nếp sống văn minh trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò, trách nhiệm của GÐ và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến hôn nhân và GÐ, bình đẳng giới; tăng cường phòng ngừa ngăn chặn các tệ nạn xã hội; phòng chống bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em; vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân và GÐ để xây dựng gia đình tiến bộ, văn minh.

Cùng với tiếp tục đẩy mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cần có cơ chế chính sách khuyến khích động viên kịp thời những hạt nhân – GÐVH tiêu biểu; tuyên truyền nhân rộng những GÐ nhiều thành tích; phê phán những biểu hiện tiêu cực trong việc xây dựng GÐVH, phòng chống quyết liệt những biểu hiện tiêu cực xâm hại; có biện pháp loại trừ những sản phẩm văn hoá độc hại tác động ảnh hưởng đến GÐ. Các cấp ủy, chính quyền chú trọng, quan tâm đến công tác xây dựng GÐVH, coi đó là cốt lõi của phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đồng thời chỉ đạo sát sao, thường xuyên, huy động và tạo sức mạnh chung tay, góp sức, vào cuộc của các ban, ngành và toàn xã hội.

Bên cạnh các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác GÐ, tại hội nghị biểu dương GÐVH tiêu biểu toàn tỉnh vừa qua, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan thường trực là Sở VHTT và DL: Tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển GÐ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trình UBND tỉnh phê duyệt Ðề án truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong GÐ đến năm 2020; Kế hoạch phòng chống bạo lực GÐ giai đoạn 2012 – 2016, đồng thời tổ chức các hội thảo, nghiên cứu khoa học về GÐ, sự thay đổi lối sống, nếp sống trong GÐ ở Thái Bình trong thời kỳ hiện nay.

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa