Thứ 7, 23/11/2024, 08:33[GMT+7]

Liên hoan văn nghệ quần chúng ở huyện biển Nói lời tri ân

Thứ 5, 26/07/2012 | 09:28:47
1,403 lượt xem
Tháng 7, khi các địa phương có rất nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Thái Thụy đã tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo các diễn viên không chuyên và sự quan tâm của khán giả.

Tiết mục tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Thái Thụy

 Từ ánh đèn sân khấu, mỗi một chương trình, lời ca, điệu múa tái hiện sự hy sinh, mất mát của cả dân tộc thời binh đao, khói lửa, đồng thời cùng nói lên tấm lòng tri ân của những người con đất biển đối các mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Ngay từ sáng, các đội có lịch diễn đã tề tựu đầy đủ tại Nhà Văn hóa Trung tâm huyện bất chấp cái nắng gay gắt, không khí oi nồng giữa mùa hè. Người nào người ấy xúng xính trong bộ trang phục diễn lộng lẫy, thể hiện sự vui tươi, phấn khởi, háo hức nhưng cũng không kém phần hồi hộp. Ðội văn nghệ làng Hoàng Sơn (xã Thụy Văn) mở màn bằng tiết mục múa hát “Ngàn năm nhớ mãi công người” mô phỏng không khí ra trận đánh giặc Mỹ cứu nước của những người con quê hương Thái Bình, sự hy sinh anh dũng của các anh, ngợi ca gương những Mẹ Việt Nam anh hùng sẵn sàng hy sinh tình riêng tiễn con ra trận.

Chính nhờ sự hy sinh, tấm lòng kiên trung ấy mà đất nước ta “nở hoa độc lập”, non sông thu về một mối. Cùng chủ đề này, đội văn nghệ thôn Trà Hồi (xã Thụy Bình) đem đến liên hoan tiết mục múa hát “Dòng máu Lạc Hồng”. Với trang phục đẹp, hóa trang tinh tế, phong cách diễn khá chuyên nghiệp, những “diễn viên làng” đã giúp khán giả cảm nhận rõ lòng tự tôn dân tộc, khí phách hiên ngang quật cường của những người con đất Việt suốt quá trình 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Ðội văn nghệ xã Thụy Xuân đem đến liên hoan tiết mục “Âm vang Thụy Xuân” với sự tham gia của 26 diễn viên, tái hiện lại suốt một chặng đường từ lúc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Qua tiết mục, khán giả hiểu thêm về những tấm gương anh hùng sẵn sàng xả thân vì dân vì nước, thấm thía sâu sắc hơn những nỗ lực xây dựng quê hương đất nước thời kỳ đổi mới của người dân Việt Nam nói chung, niềm tin vào mô hình nông thôn mới trong tương lai của người con Thụy Xuân nói riêng. Cũng cùng chủ đề ca ngợi mẹ Việt Namon> anh hùng, nhưng đội văn nghệ của thôn Ngọc Thanh (xã Thụy Sơn) đem đến liên hoan một tiết mục múa hát chèo, mượt mà, đằm thắm nhưng cũng đầy xúc động, chân thành. Nỗi đau của bà mẹ lên đến tột cùng khi biết đứa con trai duy nhất của mình hy sinh ngoài mặt trận, nhưng rồi lòng mẹ dần nguôi ngoai khi đất nước hòa bình, ngày càng đổi mới và mẹ có sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng và xã hội ngày hôm nay. Càng theo dõi, các tiết mục càng thêm cuốn hút khán giả và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Nhiều tiết mục rất đặc sắc và ấn tượng như: “Tiếng trống ra quân” của đội văn nghệ thôn Ðồng Tỉnh (xã Thái Dương), “Lời ru bên tượng đài” của đội văn nghệ xã Thụy Phúc, màn múa hát “ Ðất nước-màu hoa đỏ”, đơn ca chèo “Bên tượng đài liệt sĩ” của đội văn nghệ xã Thụy Dân, múa “Ca ngợi mẹ Việt Nam anh hùng” của đội văn nghệ xã Thụy Dũng, hát “Ðồng đội” của đội văn nghệ xã Thái Hà... Ngoài chủ đề chính hướng về ngày 27/7, ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, nhiều tiết mục còn thể hiện cuộc sống đa màu hiện tại xung quanh chúng ta như: ca cảnh chèo “Ngôi nhà tình nghĩa” của đội văn nghệ xã Thụy Việt, kịch “Thế là thế đấy” nói về chuyện vận động nhân dân hiến đất làm đường, dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới của xã Thụy Duyên...

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Nguyễn Văn Cấp chia sẻ: “Liên hoan văn nghệ quần chúng lần này thu hút 30 đội văn nghệ của các xã với khoảng 600 diễn viên, nhạc công tham gia và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tất cả các diễn viên đều có một điểm chung là lòng nhiệt tình vì phong trào, đến liên hoan để giao lưu gặp gỡ, không ai coi trọng yếu tố giải thưởng. Dù chỉ là những “diễn viên làng” đem đến liên hoan những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng khi lên sân khấu, diễn viên diễn hết mình. Hôm qua, tay họ còn cấy lúa, cuốc đất nhưng nay đã múa rất dẻo, cầm gươm, cầm súng trông thật oai hùng. Càng về trưa, không khí trong hội trường Trung tâm Văn hóa càng nóng hầm hập, mồ hôi chảy ròng ròng thấm ướt hết áo nhưng cả diễn viên và người xem chỉ cảm nhận thấy sức “nóng” của từng vai diễn, từng tiết mục.

Bà Nguyễn Thị Tuất năm nay đã 74 tuổi vào vai mẹ Việt Namon> anh hùng trong tiết mục của đội làng Hoành Sơn chia sẻ: “Chuẩn bị cho liên hoan, chúng tôi đã tập gần 20 buổi. Ban ngày, anh chị em đi gặt, đi cấy tối tranh thủ thời gian để luyện tập. Ai cũng hăng hái lắm, đội có gần 20 người thì có tới 4 đôi vợ chồng cùng tham gia. Với tôi khi được vào vai diễn thể hiện hình tượng mẹ Việt Namon> anh hùng thấy vô cùng tự hào”. Là một trong số ít những diễn viên nam trung tuổi tham gia hội diễn, anh Ðào Duy Tiến (đội văn nghệ thôn Ðồng Tỉnh) chia sẻ: “Ban đầu khi tôi tham gia đội văn nghệ, mọi thành viên trong gia đình đều phản đối vì sợ bê trễ việc nhà. Nhưng rồi, ban ngày tôi sắp xếp, hoàn thành mọi việc đồng áng, chăn nuôi, tối đi tập nên giờ vợ con đều ủng hộ, lần diễn nào cũng đi cổ vũ nhiệt tình. Tham gia, giao lưu, biểu diễn văn nghệ giúp tôi thêm yêu đời, yêu cuộc sống”.

Sau 2 ngày biểu diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng hướng đến kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 ở Thái Thụy đã thành công tốt đẹp. Ðiều lớn lao đọng lại trong lòng những người đứng ra tổ chức, diễn viên, nhạc công, khán giả… không phải là đội nào đạt giải cao hay thấp mà chính là sự chân thành nhưng đầy xúc động và thắm đượm tình người trên đất biển.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa