Thứ 7, 23/11/2024, 08:41[GMT+7]

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến: Các dự án triển khai cần chú trọng tính khả thi kỹ thuật, lợi ích kinh tế, được cộng đồng xã hội chấp nhận và thân thiện với môi trường

Thứ 6, 03/08/2012 | 14:46:50
2,352 lượt xem
Sáng nay, ngày 3/8, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do đồng chí Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT dẫn đầu làm việc với UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường năm 2012.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến làm việc với UBND tỉnh Thái Bình

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phạm Văn Ca- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành và lãnh đạo huyện Hưng Hà.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm môi trường giai đoạn 2012- 2015, Thái Bình được thực hiện 2 dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm đặc biệt quan trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại các xã Thái Thủy (Thái Thụy), Hòa Tiến (Hưng Hà), Bình Minh (Kiến Xương) và các làng nghề dệt nhuộm Thái Phương (Hưng Hà), Nam Cao (Kiến Xương), chế biến nông sản, bún bánh Vũ Hội (Vũ Thư), Đông Hải (Quỳnh Phụ), chế biến thủy sản Thụy Hải (Thái Thụy), chạm bạc Lê Lợi, Hồng Thái (Kiến Xương), mây tre đan Thượng Hiền (Kiến Xương). Trong năm 2012, UBND tỉnh đã phân bổ 10 tỷ cho dự án khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Thái Phương - Hưng Hà. Tuy nhiên việc khắc phục và cải thiện môi trường làng nghề còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu do các hộ sản xuất làng nghề nằm phân tán trong khu dân cư, công nghệ sản xuất lạc hậu, quy trình sản xuất không khép kín, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư. Nhận thức của một số chủ cơ sở sản xuất làng nghề còn hạn chế nên không tích cực tham gia, không đóng kinh phí đối ứng, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Toàn tỉnh có 233 làng nghề, trong đó 30 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là làng nghề dệt nhuộm Thái Phương. Trên 90% hộ gia đình trong làng làm nghề, với 7 công ty, xí nghiệp dệt nhuộm, 20 tổ sản xuất kinh doanh; trong đó, 12 cơ sở tẩy nhuộm xả thải từ 1.000- 1.500 m3/ngày đêm, hầu hết xả thẳng ra môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất của nhân dân và an ninh chính trị tại địa phương; vẫn còn 291 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu với diện tích 52.366 m2, trong đó ô nhiễm nặng: 8.693 m2, rất nặng: 5.728 m2; 8 bệnh viện đa khoa công lập chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phạm Văn Ca kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quan tâm bổ sung nguồn vốn cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường đang triển khai tại Thái Bình, hỗ trợ tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TN&MT- Bùi Cách Tuyến đánh giá cao những nỗ lực của Thái Bình trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về môi trường; đồng thời đề nghị tỉnh tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường do nguồn vốn của Trung ương còn hạn hẹp. Trong quá trình triển khai các dự án, Thái Bình cần chú trọng đến tính khả thi về kỹ thuật, lợi ích kinh tế, được cộng đồng xã hội chấp nhận và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa tỉnh, các sở, ngành với các cơ quan quản lý của bộ.

   Tin: Minh Nguyệt 
    Ảnh: Thành Tâm

 

  • Từ khóa