Thứ 6, 09/08/2024, 05:19[GMT+7]

Mô hình điểm CLB đồng bằng phòng chống HIV/AIDS

Thứ 7, 21/08/2010 | 08:27:21
4,037 lượt xem
Trong công tác phòng chống HIV /AIDS, khi nói tới Thái Bình là chúng ta đang nói tới một mô hình điểm trong việc thành lập các CLB (câu lạc bộ) phòng chống HIV /AIDS. Những CLB này hoạt động hết sức có hiệu quả và đã góp phần làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV /AIDS trong cộng đồng...”.

Một buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS

Đó là những lời phát biểu của PGS - TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV /AIDS trong một lần về làm việc tại Thái Bình.

 

Tính đến nay, Thái Bình có 10 CLB của những người có H, 6 CLB đồng đẳng của người nghiện chích ma tuý và 1 CLB Sức khoẻ Phụ nữ. Các CLB này đang thu hút hơn 700 người nhiễm HIV /AIDS tham gia sinh hoạt. Năm 2009, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trung ương và tỉnh, Ban điều hành các CLB, mạng lưới Hy vọng của những người có H được thành lập. Với mục đích đưa các CLB người có H đi vào hoạt động một cách có tôn chỉ, có mục đích rõ ràng, mỗi CLB sẽ là một mắt xích trong một mạng lưới các nhóm hỗ trợ và chăm sóc lẫn nhau.

 

Khi tham gia sinh hoạt tại các CLB, người nhiễm HIV được cung cấp các thông tin, kiến thức về HIV /AIDS, được chia sẻ những tâm tư tình cảm, được chăm sóc và hỗ trợ khi gặp khó khăn trong cuộc sống và lúc đau ốm. Nhiều người đã thay đổi nhận thức, dũng cảm công khai danh tính của mình và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV /AIDS tại cộng đồng với mong muốn góp một phần nhỏ bé công sức của mình trong công cuộc ngăn chặn đại dịch HIV /AIDS nguy hiểm.

 

Khác với hoạt động của mạng lưới Hy vọng, đối tượng tác động của nhóm CLB nghiện chích ma túy là những người nghiện ma túy đang sống trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Vì vậy, nhiệm vụ hàng ngày của các thành viên câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng là tiếp cận các tụ điểm tiêm chích ma túy và từng gia đình có người nghiện chích ma túy, tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh lây truyền HIV như không dùng chung bơm kim tiêm với bạn chích, dùng bao cao su trong quan hệ tình dục hay chung thủy với một bạn tình, tư vấn và giới thiệu họ đến với các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí, dấu tên trên địa bàn tỉnh.

 

Đặt ra kế hoạch hàng tháng, mỗi đồng đẳng viên phải hoàn thành đủ chỉ tiêu của Ban quản lý dự án giao; giới thiệu thành công 4 đối tượng nghiện chích ma túy mới đến phòng tư vấn xét nghiệm HIV, thu gom bơm kim tiêm bẩn và phân phát bơm kim tiêm mới. Những việc làm này tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi mỗi đồng đẳng viên phải luôn vận động, tìm tòi, phát hiện được những tụ điểm nghiện chích mới, song quan trọng hơn hết là yêu cầu người làm phải có tính trung thực trong công việc.

 

Là câu lạc bộ hoạt động gặp nhiều khó khăn nhất, song với 6 câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng tại các huyện Đông Hưng, Thành phố, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, số người nghiện chích ma tuý được tiếp cận với chương trình can thiệp giảm tác hại đang ngày càng tăng. Quý I năm nay đã có gần 2000 lượt người nghiện, chích đến sinh hoạt câu lạc bộ. Cũng với mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền HIV trong cộng đồng nhưng đối tượng tác động của CLB Sức khỏe phụ nữ là những phụ nữ đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, tụ điểm vui chơi giải trí. Hàng ngày, các giáo dục viên và đồng đẳng viên tiếp cận các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí để tuyên truyền về HIV /AIDS, hướng dẫn về sử dụng các biện pháp phòng tránh lây truyền HIV /AIDS, cấp bao cao su miễn phí, tổ chức các hoạt động nhằm thu hút sự tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ của các chị em như: các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, hội thảo, tập huấn, khám chữa bệnh định kỳ...

 

Không giống như hoạt động của các CLB đồng đẳng khác, hoạt động của CLB Hương lúa có phần rộng hơn. Là một câu lạc bộ nghệ thuật của người nhiễm HIV /AIDS, qua hình thức sân khấu hoá để tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV /AIDS, đối tượng truyền thông của câu lạc bộ gồm nhiều tầng lớp khác nhau như: cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên, bộ đội, người lao động tự do, nông dân...

 

Từ thực tế hoạt động, đây đang được đánh giá là một hình thức truyền thông trực tiếp có hiệu quả cao trong các hình thức truyền thông phòng chống HIV /AIDS. Với những vở kịch ngắn hay hoạt cảnh chèo, những thông điệp phòng chống HIV /AIDS dễ đi vào lòng người và để lại những ấn tượng sâu sắc khó quên.

 

Với những kết quả đã đạt được, các CLB phòng chống HIV /AIDS đã góp phần vào kết quả công tác phòng, chống HIV /AIDS của tỉnh Thái Bình. Mô hình câu lạc bộ phòng chống HIV /AIDS của Thái Bình cũng đang trở thành một mô hình điểm được nhân rộng trên toàn quốc. 

 

P.V

 

 

  • Từ khóa