Chủ nhật, 30/06/2024, 23:26[GMT+7]

Nghị quyết số 11 - NQ/TW Nền tảng để nâng cao chất lượng hoạt động Hội Phụ nữ

Thứ 5, 23/08/2012 | 14:01:25
1,541 lượt xem
Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" ra đời, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới.

Nhiều lớp tập huấn đã được Hội LHPN tỉnh tổ chức nhằm nâng cao kiến thức về mọi mặt cho cán bộ, hội viên.

Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới cho phái yếu, thu hút cả các đấng mày râu cùng tham gia, như: mở lớp tập huấn các Luật: Bình đẳng giới, Phòng, chống bạo lực gia đình, Hôn nhân gia đình… các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy” phòng, chống bạo lực gia đình ở Thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương), Vũ Lạc (Thành phố Thái Bình).

Thành viên của mô hình có cả những ông chồng từng bạo hành với vợ đã thay đổi hành vi, trở thành những tuyên truyền viên tích cực chống bạo hành. Được tạo điều kiện tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là vinh dự lớn nên chị em càng phải cố gắng nhiều hơn, để giúp các nữ ứng cử viên có đủ bản lĩnh, kiến thức khi tiếp xúc, trả lời các câu hỏi của cử tri, Hội LHPN tỉnh đã mở 17 lớp tập huấn cho 654 nữ ứng cử viên lần đầu tham gia tranh cử. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền quen thuộc, như: tập huấn, mở lớp chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ… thời gian qua các cấp Hội còn tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở và đặc biệt là hình thức sân khấu hóa lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, hội họp, hiệu quả được nâng lên rõ rệt.

Các cấp Hội đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật, tham mưu chỉ đạo thực hiện và giám sát việc thực hiện các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, như: Tổ chức khám sức khỏe  và cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ, xây dựng cơ chế hỗ trợ phụ nữ nghèo trong hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn ưu đãi… Thường xuyên phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ trong các khu công nghiệp và với giáo viên mầm non. Coi việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn và 2 đề án quan trọng: “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” là cơ sở hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Các cấp Hội cụ thể hóa bằng phong trào: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “5 không, 3 có”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chung sức xây dựng nông thôn mới…

Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có gần 257 nghìn hội viên đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua, gần 33 nghìn chị được cấp giấy chứng nhận “Phụ nữ xuất sắc 5 năm”, trên 29 nghìn chị đạt danh hiệu “Hai giỏi”. Học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cán bộ, hội viên phụ nữ quê lúa đã tự giác thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt, lập gần 1000 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, được trên 8 tỷ đồng, dùng để giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp Hội còn tín chấp gần 800 tỷ đồng giúp chị em vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình nước sạch và hố tiêu hợp vệ sinh, nuôi con học đại học…Nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chỉ tính năm 2011, số hộ gia đình hội viên đạt 4 tiêu chuẩn “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 75% (tăng 4% so với năm 2007).

Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và đạt mục tiêu bình đẳng giới là cái đích mà Nghị quyết 11 hướng tới. Đây cũng là động lực để chị em phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Nhưng trước hết chị em phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, được bố trí công việc hợp lý, sử dụng đúng khả năng. 5 năm qua, các cấp Hội đã làm tốt việc khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, chọn và tham mưu với cấp ủy cử cán bộ đi học tại các trường ĐH, CĐ, trung học... Năm 2011, số cán bộ công chức nữ được cử đi học đã chiếm tới một nửa tổng số cán bộ cả tỉnh được đào tạo. Đồng thời, phối hợp với các trường ở Trung ương và địa phương mở các lớp trung cấp lý luận chính trị, nghiệp vụ phụ vận và công tác phụ nữ cho cán bộ nữ, cán bộ hội…Song song với những việc trên, các cấp Hội đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ nữ, giới thiệu nguồn cán bộ nữ tham gia cấp ủy và đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, giới thiệu những chị em ưu tú đi học cảm tình đảng và kết nạp đảng, nâng tỷ lệ đảng viên nữ từ 25,8% (2007) lên 28,8% (2011). 

Đến nay, 100% chi hội phụ nữ xây dựng được hội viên nòng cốt, 80% hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có ít nhất 1 hội viên, 100% xã, phường, thị trấn và chi hội xây dựng được quỹ hội, với tổng số tiền 22 tỷ đồng. Tỷ lệ cơ sở hội xếp loại xuất sắc tăng nhanh: năm 2007 mới có 67% cơ sở xuất sắc, thì năm 2011, cơ sở xuất sắc đã tăng lên 75,5%, hiện không còn cơ sở xếp loại trung bình, yếu; tỷ lệ thu hút hội viên đạt 78% (tăng 2% so với năm 2007). Những con số ấn tượng này có được đã góp phần khẳng định Nghị quyết 11 thực sự đi vào cuộc sống, cũng chính là nền tảng để nâng cao chất lượng hoạt động Hội Phụ nữ.

Bài, ảnh: Thu Hiền

  • Từ khóa