Thứ 7, 23/11/2024, 04:26[GMT+7]

Sinh vật cảnh xanh hóa trường học

Thứ 2, 27/08/2012 | 08:42:56
4,089 lượt xem
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh là phát triển SVC ở nơi công cộng, trong đó có mục tiêu “Xanh hóa trường học”.

Sân trường rợp mát bóng cây xanh!. Ảnh: Hiền Trâm

Từ mô hình xanh hóa của Trường THCS Điền Xá (Nam Định), hội viên SVC nhiều xã trong tỉnh đã nỗ lực giúp nhà trường thiết kế, quy hoạch, bài trí, trồng cây xanh bóng mát; trồng cây cảnh nghệ thuật trong bồn, trong chậu, dựng hòn non bộ; làm vườn thực vật, vườn cảnh, vườn thuốc, vườn cổ tích; tham gia tư vấn về kỹ thuật hoặc trực tiếp uốn tỉa và chăm sóc cây cảnh nghệ thuật của trường học. Một số nhà trường tạo điều kiện cho hội viên làm vườn cảnh trong khuôn viên trường học; 65 trường tham gia Hội SVC, gần 400 giáo viên là hội viên Hội SVC, trong đó 350 người đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật làm sinh vật cảnh do Hội tổ chức. 166 lượt thầy cô giáo được các cấp hội mời đi tham quan các mô hình đưa sinh vật cảnh vào trường học.

Hàng năm, Hội SVC phối hợp cùng các nhà trường hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”... Đi đầu là huyện Vũ Thư và Quỳnh Phụ, Phòng Giáo dục – Đào tạo và Hội SVC huyện đã ra văn bản liên tịch hướng dẫn phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Xanh hóa trường học”. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên 60% tổ chức Hội SVC cơ sở tham gia phong trào “Xanh hóa trường học” dưới nhiều hình thức 1.839 hội viên tặng 4.368 cây hoa, cây cảnh cho trường học; tiêu biểu như: Ông Nguyễn Cao Trì, xã Đông Hà (Đông Hưng); ông Đỗ Xuân Hợp, xã Vũ An (Kiến Xương)... Có 635 hội viên tham gia quy hoạch cải tạo sân vườn; trồng, chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh cho trường học. Trong đó, các ông: Bùi Minh Đức, Nguyễn Trung Bằng, Trương Văn Bạch, Đào Công Chinh, Trần Văn Nguyễn... trồng cây xanh, đắp non bộ cho hàng chục trường.

Các trường đã huy động mọi nguồn lực ngân sách địa phương, quỹ trường, từ Hội cha mẹ học sinh, các phụ huynh và hội viên SVC cùng với các tổ chức xã hội để xây dựng phong trào “Xanh hóa trường học”. Nhờ đó, 476 trường có từ 50 cây bóng mát trở lên; 316 trường có trên 50 cây cảnh nghệ thuật; 104 trường có hòn non bộ trên 1m3; 126 trường xây dựng khu vườn sinh thái. Tiêu biểu là: Trường THCS xã Canh Tân (Hưng Hà) từ nhiều năm nay tận dụng đất đai, tự ươm được cây giống đào, quất, sanh, đa, lộc vừng cung cấp cho thị trường, mỗi năm thu lãi từ 7 đến 10 triệu đồng, lựa những cây đẹp để lại tạo dáng, thế. Hiện nay, nhà trường có vườn cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng.

Nhờ có nguồn thu SVC mà nhà trường làm tốt công tác khuyến học. Không những thế, trường còn có 7 thầy giáo làm kinh tế SVC ở gia đình, mỗi năm thu trên 10 triệu đồng/ người. Trường Tiểu học xã Đông Các (Đông Hưng) xây dựng sân trường gần 1.000m2 xanh, sạch, đẹp; có 12 bồn cảnh với nhiều cây cảnh nghệ thuật các loại, xây dựng hòn non bộ đẹp. Trường Tiểu học xã An Đồng (Quỳnh Phụ) xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp với hàng trăm cây xanh bóng mát và cây cảnh, vườn cảnh đẹp mắt. Trường Tiểu học Thụy Phong (Thái Thụy) quy hoạch hợp lý, bố cục, màu sắc vườn, bồn, chậu hài hòa hấp dẫn thầy, trò trong trường, nhân dân địa phương và khách tham quan. Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải xây dựng vườn sinh thái với đủ loại cây cảnh, đắp các con giống trâu, hổ, hươu, nai, sư tử, có cả hòn non bộ cỡ lớn... giúp thầy trò thư giãn sau các giờ học.

Việc chăm sóc bồn hoa, cây cảnh được giao cho các lớp, các chi đội, chi đoàn, tạo cho các em tiếp cận, làm quen với nghề SVC. Nhiều trường học đã tuyển chọn nhân viên bảo vệ kiêm chăm sóc uốn tỉa và bảo vệ cây cảnh. Điều có thể khẳng định đó là gần 100% các trường đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia không chỉ có kiến trúc đẹp, những phòng học khang trang, còn rợp mát bóng cây xanh, không gian được điểm tô bằng cây thế, cây cảnh, tạo môi trường gần gũi với thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe, giúp các em sảng khoái để học tốt. Sinh vật cảnh có mặt trong trường học góp phần thực hiện chủ trương của ngành giáo dục xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế trong phong trào xanh hóa trường học. Đó là sự phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo giữa ngành Giáo dục – Đào tạo và các cấp hội chưa thường xuyên, có lúc có nơi thiếu đồng bộ. Một số nơi, chưa có sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Một số nơi đưa cây vào trường học chỉ quan tâm đến hình thức ban đầu, không có kiến thức cơ bản về chăm sóc cây nên chỉ một thời gian cây bị hỏng, bị chết, gây tốn kém.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12, ngày 23/7/2012 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động Hội SVC các cấp; Công văn số 1780 của UBND tỉnh Thái Bình ngày 1/8/2012 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với tổ chức và hoạt động Hội SVC, trong thời gian tới các cấp hội và hội viên phối hợp với ngành Giáo dục – Đào tạo, các nhà trường duy trì việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nền nếp hàng năm. Trong chương trình kiên cố trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, các nhà trường cần tích cực phối hợp với Hội SVC địa phương thực hiện chương trình xanh hóa trường học, coi đây là một trong những tiêu chí “trường chuẩn”, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Đào Mạnh Hạ

(Phó Chủ tịch thường trực Hội SVC tỉnh)

  • Từ khóa