Thứ 7, 23/11/2024, 03:15[GMT+7]

Phụ nữ quê lúa tiên phong trên mọi mặt trận

Thứ 6, 07/09/2012 | 10:29:20
1,003 lượt xem
5 năm thực hiện phong trào thi đua, toàn tỉnh có gần 257 nghìn chị đạt 3 tiêu chuẩn “Tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gần 33 nghìn chị được cấp giấy chứng nhận “Phụ nữ xuất sắc’, 30 nghìn nữ công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu “Hai giỏi”.

Chị Nguyễn Thị Minh, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) giàu lên nhờ mạnh dạn phát triển trang trại nuôi gà

Chiếm 65% tổng số lao động trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị canh tác. Chỉ một câu đúc rút ngắn gọn như vậy, nhưng lại là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực, sáng tạo không ngừng của chị em. Với mong muốn chiến thắng đói nghèo, chị em đã tích cực học tập, hưởng ứng các phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình”, “Nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm”… chủ động tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tăng nhanh diện tích lúa ngắn ngày, lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng rau màu và làm vụ đông. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Lực lượng lao động nữ tham gia  vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các ngành: chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, gia công may mặc, phát triển làng nghề thủ công truyền thống. Dù làm bất cứ công việc gì, chị em đều tích cực thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đặt “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” lên hàng đầu.

Nhiều nữ chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất nhanh nhạy nắm bắt thị trường, cải tiến phương thức kinh doanh, đầu tư mở rộng quy mô hoạt động làm ra sản phẩm chất lượng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động, như: chị Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Hải Bình, từ một đứa trẻ nương thân nơi cửa Phật trở thành nữ chủ doanh nghiệp thành đạt quản lý đội tàu 11 chiếc, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện; chị Vũ Thị Thà, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư XNK Thăng Long, bằng niềm say mê nghề và sự năng động vốn có, chị đã đưa sản phẩm may mặc của công ty sang các nước Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động, doanh thu lên tới trên 100 tỷ đồng/năm; chị Lý Thị Dung, chủ doanh nghiệp thủy sản Thành Minh, chuyên kinh doanh ngao vạng xuất khẩu, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước 1,6 tỷ đồng… Sức sống của các doanh nghiệp do các chị chèo lái đã khẳng định một điều: Tất cả những gì đàn ông làm được, đàn bà đều có thể làm được và thành công. Để đưa Thái Bình trở thành tỉnh công- nông nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, chắc chắn không thể thiếu vai trò quan trọng của những bóng hồng. 

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, chị em ngày càng chứng tỏ vai trò, vị trí của mình tại nơi công tác. Lực lượng nữ cán bộ CNVC ngành giáo dục (chiếm tỷ lệ hơn 80%) thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nâng cao chất lượng đào tạo, số chị đạt giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua tăng, nhiều chị đạt danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”... Lực lượng nữ ngành y tế (chiếm trên 70%), không ngừng phấn đấu nâng cao tay nghề, rèn luyện y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đội ngũ nữ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, bằng tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình dày công tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến mới, công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, làm lợi cả cho Nhà nước và người nông dân.

Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh hăng hái thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, xây dựng thôn, làng, khu dân cư, đơn vị văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ có phần đóng góp của chị em phụ nữ. Trong xây dựng gia đình, phụ nữ luôn làm tốt vai trò dâu thảo, mẹ hiền, vợ đảm, xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em…

Bên cạnh đó, các tầng lớp phụ nữ còn tích cực học tập, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương, đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp, chính sách liên quan đến quyền của phụ nữ, trẻ em, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng quy ước, hương ước thôn, làng, xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

“Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực của đời sống đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ nên ngày càng thu hút đông đảo chị em tham gia. 5 năm thực hiện phong trào thi đua, toàn tỉnh có gần 257 nghìn chị đạt 3 tiêu chuẩn “Tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gần 33 nghìn chị được cấp giấy chứng nhận “Phụ nữ xuất sắc’, 30 nghìn nữ công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu “Hai giỏi”.

Thu Hiền
 

  • Từ khóa