Thứ 7, 23/11/2024, 03:55[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” và đánh giá kết quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ 6, 07/09/2012 | 15:47:39
1,508 lượt xem
Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010” và đánh giá kết quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm 2012.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XHHT) tỉnh và Ban chỉ đạo thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm thực hiện, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010” đã đạt được những thành tựu ban đầu khá quan trọng ở một số chỉ tiêu cơ bản. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), đặc biệt là mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phát triển nhanh, mạnh, vượt chỉ tiêu của Đề án. Hàng trăm nghìn người ở các độ tuổi được xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; hàng trăm nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được huy động vào học các chương trình phổ cập…

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và người dân ở một số địa phương về mục đích, ý nghĩa, tác dụng và ích lợi của việc xây dựng XHHT còn hạn chế; thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; năng lực và hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDTX, TTHTC chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng XHHT; đội ngũ cán bộ đầu mối về xây dựng XHHTĐ còn thiếu… Bộ Giáo dục và Đào tạo  xác định, vấn đề cần thiết là phải tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng XHHT với những tiêu chí cụ thể, thiết thực hơn, có bước đi và lộ trình thích hợp, giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước cũng như xu thế của thời đại. Trên cơ sở phát huy thành quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo.

Đối với công tác dạy nghề cho LĐNT, báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, các bộ, ngành và nhiều địa phương đã chủ động tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT (lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực để dạy nghề cho LĐNT). Từ khi thực hiện Đề án đến nay đã có gần 890.000 LĐNT được học nghề, 73% trong số đó có việc làm đúng với nghề đào tạo. Hàng vạn gia đình đã thoát nghèo hoặc trở thành hộ khá. Tuy nhiên kết quả thực hiện Đề án trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt thấp, chất lượng, hiệu quả dạy nghề chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

6 tháng cuối năm 2012, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch dạy nghề cho LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; tập trung chỉ đạo bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT, không chạy theo số lượng, nghiêm túc quán triệt và thực hiện nguyên tắc “Địa phương phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, đề án thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở triển khai. Không tổ chức dạy và học khi không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học”. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra việc thực hiện Đề án, tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện, đánh giá toàn diện việc thực hiện các nội dung của Đề án, chỉ rõ kết quả, hiệu quả đạt được, những mặt tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm…

Tin, ảnh: MINH SƠN

  • Từ khóa