Thứ 7, 23/11/2024, 03:13[GMT+7]

Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể

Thứ 6, 14/09/2012 | 10:06:13
1,723 lượt xem
Cùng với quá trình hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, quan hệ lao động đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi cần có sự hài hòa về lợi ích cho người lao động. Vì vậy, việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các loại hình doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nhằm giải quyết hài hòa quan hệ lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở doanh nghiệp.

Phân xưởng may của xí nghiệp may Thái Hà. Ảnh Thành Tâm

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề trên, trong những năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01/ĐCT –TLĐ về đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Cùng với việc tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn và tham gia với các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Ban chỉ đạo đã tham mưu tiến hành 10 đợt kiểm tra và phối hợp kiểm tra trên 300 lượt doanh nghiệp về việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Hàng năm, có văn bản chỉ đạo các công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động huyện, Thành phố triển khai Nghị quyết gắn với việc hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nội dung xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể đến 100% các công đoàn cơ sở khối sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, công đoàn các cấp còn lồng ghép nội dung thực hiện Nghị quyết vào các chương trình như Lễ phát động thi đua đầu năm; kiểm tra liên ngành về thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách... Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở về các nội dung trong Nghị quyết; in ấn, phát 10 nghìn tờ tài liệu tuyên truyền đến 100% công đoàn cơ sở ở các khu, cụm công nghiệp; hướng dẫn Ban chấp hành công đoàn cơ sở soạn thảo thỏa ước, các kỹ năng đối thoại, thương lượng để ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Với những hoạt động thiết thực, việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Toàn tỉnh đã có 185 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ trên 50% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. 100% các bản thỏa ước đủ 07 nội dung và đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Trên 120 bản thỏa ước được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo quy định về các chế độ chính sách cho người lao động. Nhiều bản được soạn thảo theo 02 ngôn ngữ... Thông qua việc thực hiện Nghị quyết 01, công đoàn cơ sở và công nhân lao động các doanh nghiệp đã phát huy được sức mạnh và quyền làm chủ, xây dựng mối đoàn kết, khích lệ người lao động làm việc. Nhiều doanh nghiệp có sự cạnh tranh, có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, lao động có tay nghề cao, tạo sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp. Nội dung của thỏa ước ở nhiều doanh nghiệp có nhiều quyền lợi của người lao động được thực hiện tốt như: hiếu, hỉ, bảo đảm việc làm, nâng mức lương tối thiểu, bồi dưỡng sức khỏe, nâng mức ăn giữa ca... Chính vì thế  thỏa ước lao động tập thể đã có tác dụng khuyến khích phát huy dân chủ trong doanh nghiệp, nâng cao vai trò, vị trí của Ban chấp hành công đoàn - người đại diện để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nhiều thỏa ước lao động tập thể còn mang tính hình thức để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, chạy theo thành tích. Nội dung thỏa ước còn mang tính chất sao chép, chưa cụ thể hóa vào tình hình cụ thể của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn nên việc ký thỏa ước lao động tập thể chưa được thực hiện, quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm, có chủ doanh nghiệp còn né tránh việc đóng BHXH, BHYT…

Để việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể đạt hiệu quả thiết thực đối với người lao động, thiết nghĩ các cấp công đoàn cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Từ đó xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của thỏa ước lao động tập thể trong việc xây dựng mối quan hệ lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.  Tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên trong việc hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở am hiểu về công tác tổ chức đàm phán, thương lượng thỏa ước lao động tập thể.

Chỉ đạo rà soát tình hình thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đánh giá, phân loại mức độ thực hiện thỏa ước, những đơn vị ký thỏa ước nhưng không đáp ứng yêu cầu thì phải tiến hành xây dựng lại, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thực hiện, phản ánh kịp thời lên cấp trên và người sử dụng lao động uốn nắn kịp thời những vi phạm thực hiện thỏa ước để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mai Thư

  • Từ khóa