Thứ 6, 22/11/2024, 23:28[GMT+7]

Thực hiện chiến lược dinh dưỡng, nâng cao thể chất cho trẻ em, thanh niên Thái Bình

Thứ 6, 28/09/2012 | 09:15:15
1,365 lượt xem
Chỉ trong 10 năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tại Thái Bình đã giảm nhanh từ 26% xuống còn 17%; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã được khống chế, một số bệnh do thừa dinh dưỡng đã và đang được kiểm soát... góp phần quan trọng cải thiện tầm vóc thể chất của thanh niên, trẻ em. Song bên cạnh những kết quả đó, người Thái Bình vẫn đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về dinh dưỡng.

Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ tại trạm y tế cơ sở.

Theo báo cáo của ngành Y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao 25,8%; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng cao: có 35% số phụ nữ mang thai, 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu, tỷ lệ bướu cổ học sinh 6,5% báo động tình trạng thiếu iốt đang quay lại. Trong lúc đại bộ phận nhân dân bữa ăn còn thiếu dinh dưỡng thì tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng dẫn đến thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong. Có 65% tỷ lệ mắc bệnh và tử vong là do bệnh không lây nhiễm. Dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe học đường chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao và thể chất của thanh niên trong tỉnh. Nhất là thời gian gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh và sự phát triển ngày một cao của xã hội dẫn đến các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Các bệnh mạn tính gia tăng đang trở thành gánh nặng bệnh tật cho xã hội và thách thức cho ngành Y tế.

Trước những thách thức này, cần có những mục tiêu cụ thể cho một chiến lược dinh dưỡng lâu dài. Ðó là nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và trẻ em; quản lý và dự phòng có hiệu quả tình trạng bệnh và các yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây, liên quan đến dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng đúng tại cộng đồng; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý, dự phòng, theo dõi, tư vấn và điều trị của hệ thống mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Trong kế hoạch thực hiện chiến lược dinh dưỡng đến năm 2013, ngành Y tế đã đặt ra những chỉ tiêu cơ bản: giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng thấp dưới 2500g xuống còn dưới 12%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi xuống dưới 25%, suy dinh dưỡng nhẹ cân xuống dưới 15%. Cùng với đó là giảm tỷ lệ phụ nữ mang thai thiếu máu xuống còn dưới 33%; trẻ em thiếu máu giảm còn dưới 25%; duy trì tỷ lệ học sinh mắc bướu cổ ở mức 6,5%; tỷ lệ uống vitaminA 2 vòng chiến dịch ở trẻ em trong độ tuổi, trẻ em có nguy cơ đạt 98%, tỷ lệ bà mẹ sau đẻ uống vitamin A đạt trên 90%; quản lý và theo dõi điều trị hơn 90% số bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, bướu cổ tại các cơ sở y tế trong tỉnh; khống chế tỷ lệ mắc đáo tháo đường dưới 5% và tỷ lệ mắc tăng huyết áp dưới 20%.

Ðể các mục tiêu trên trở thành hiện thực, việc thực hiện chiến lược dinh dưỡng cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Cùng với những nỗ lực của ngành Y tế, cần có sự phối hợp của các ngành, hội liên quan như giáo dục, phụ nữ, thanh niên trong đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về thực hành dinh dưỡng cho người dân trong cộng đồng để phòng chống suy dinh dưỡng, khống chế thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây. Hàng năm, cần tổ chức sâu rộng các đợt hoạt động mạnh về dinh dưỡng: Ngày vi chất dinh dưỡng, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, Ngày toàn dân mua và sử dụng muối iốt... nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với việc thực hiện chiến lược dinh dưỡng hợp lý ngay từ mỗi cá nhân và gia đình. Các hoạt động cụ thể, thiết thực cũng cần tiếp tục được tăng cường tổ chức thực hiện tại cộng đồng như: tổ chức các hoạt động tư vấn dinh dưỡng, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý, bổ sung viên sắt, viên đa vi chất và các sản phẩm giàu chất dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, trẻ em bị suy dinh dưỡng; giáo dục dinh dưỡng và áp dụng các biện pháp khoa học để phát triển thể chất, trí tuệ cho trẻ em trong hệ thống trường học. Bên cạnh đó là việc tổ chức hiệu quả các chương trình phòng chống thiếu vitamin, phòng chống thiếu hụt iốt, phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Và hơn hết, thực hiện chiến lược dinh dưỡng nhằm nâng cao thể chất cho mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt cho trẻ em, thanh niên là việc cần được bắt đầu từ mỗi gia đình và bắt đầu ngay từ hôm nay.

Bài, ảnh: Tuệ Anh

 

  • Từ khóa