Thứ 3, 21/05/2024, 01:58[GMT+7]

Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Thứ 6, 05/10/2012 | 08:00:35
2,015 lượt xem
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã và đang phát huy hiệu quả. Các mô hình sản xuất kinh tế ngày càng đa dạng, từ mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề truyền thống đến mô hình phát triển VAC... cho thu nhập cao. Mỗi mô hình kinh tế thành công đã mở ra nhiều hướng đi mới cho thanh niên nông thôn đang khát khao lập nghiệp, làm giàu.

Cơ sở thêu của đoàn viên Nguyễn Hoàng Anh xã Ðông Hải (Tiền Hải) tạo việc làm cho nhiều thanh niên. Ảnh: Thành Tâm

Từ sự năng động và nhạy bén, đã xuất hiện những gương điển hình trong phát triển kinh tế. Nhiều thanh niên trở thành “ông chủ trẻ” góp sức mình xây dựng quê hương. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở thôn Bảo Châu, xã Ðông La, huyện Ðông Hưng, Mai Tất Thát quyết tâm phải làm một điều gì đó ngay tại quê nhà để cuộc sống của mình và gia đình thoát khỏi đói nghèo.

Năm 2010, Thát quyết định thực hiện ước mơ làm giàu của mình bằng việc đầu tư nuôi thỏ. Không có điều kiện thuê thợ xây dựng, Thát tự xây chuồng trại diện tích 70 m2 và “khởi nghiệp” với 30 con thỏ. Vừa nhân giống vừa nuôi bán thỏ thương phẩm, đến nay, trại của Thát thường xuyên có từ 400 - 600 con thỏ; mỗi tháng xuất khoảng 3 - 4 tạ thỏ thương phẩm và 300 - 350 con giống. Sau hơn một năm chăn nuôi Thát thu được khoảng 160 triệu đồng. Chọn một hướng đi khác là phát triển nghề truyền thống, cơ sở thêu của đoàn viên Nguyễn Hoàng Anh ở thôn Thành Long -  xã Ðông Hải (Tiền Hải) được thành lập năm 2006 đã có nhiều đóng góp trong hoạt động dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động là thanh niên địa phương. Với suy nghĩ, việc duy trì nghề thêu không chỉ góp phần bảo tồn giá trị truyền thống mà còn giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, sau khi học thành nghề Nguyễn Hoàng Anh đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở thêu áo Kimono, với số vốn ban đầu 30 triệu đồng. Ðến nay, cơ sở của Anh đã đầu tư 20 khung thêu và tạo việc làm cho 180 - 200 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng...

Còn nhiều lắm những tấm gương như Thát, như Hoàng Anh đã vươn lên khắc phục khó khăn làm giàu cho mình và cho xã hội như tấm gương của đoàn viên Tống Sỹ Hạnh ở xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với quy mô 3 ha, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, doanh thu hàng năm đạt trên 150 triệu đồng; đoàn viên Phạm Văn Nghi ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải chuyên sản xuất phụ kiện sứ vệ sinh, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trực tiếp và 150 lao động mùa vụ, doanh thu mỗi năm đạt trên 5 tỷ đồng...

Có thể thấy hiện nay, lực lượng thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn. Ðây là nguồn nhân lực dồi dào đóng góp không nhỏ công sức trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thông qua các mô hình, hình thức hoạt động của mình, Ðoàn thanh niên đã cùng các cấp, các ngành đồng hành cùng thanh niên nông thôn trong học tập, nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề. 

Trong nhiệm kỳ qua, tổ chức đoàn các cấp đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 400 nghìn lượt đoàn viên thanh niên; dạy nghề cho trên 29 nghìn lượt và hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn 13 nghìn lượt đoàn viên thanh niên. Ðến nay, toàn tỉnh có gần 19 nghìn đoàn viên thanh niên được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế với tổng số dư nợ 153 tỷ đồng. Ðoàn thanh niên các cấp, nhất là trên địa bàn nông thôn đã tập trung tăng cường các hoạt động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ðồng thời, tiếp tục phát triển các tổ hợp tác thanh niên, câu lạc bộ khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, các nhóm thanh niên giúp nhau lập nghiệp.

Thay vì chọn nơi phố thị có nhiều nhà máy, xí nghiệp để lập nghiệp, hiện nay không ít thanh niên nông thôn đã quyết chí vươn lên làm giàu. Với vai trò “cầu nối”, tổ chức Ðoàn đã góp phần xây dựng đội ngũ thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, sống lành mạnh, khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Những tấm gương, những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu đã và đang phát huy hiệu quả chính là sự cổ vũ, là động lực thúc đẩy đoàn viên thanh niên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, từng bước hạn chế tình trạng thanh niên nông thôn ly hương, phát huy tinh thần tuổi trẻ góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh.

Mai Thư

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày