Thứ 7, 10/08/2024, 14:24[GMT+7]

Hiệu quả từ dự án “Phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam” tại Thái Bình

Thứ 6, 05/10/2012 | 16:18:52
1,271 lượt xem
Từ năm 2010, Thái Bình là 1 trong 6 tỉnh đã được tổ chức phi chính phủ FHF quan tâm lựa chọn để triển khai các hoạt động chăm sóc mắt, giải phóng mù lòa tại cộng đồng. Mục đích của dự án là: “Góp phần giảm thiểu số người bị mù có khả năng tránh được và suy giảm thị lực tại Việt Nam”. Dự án đã góp phần đáng kể trong công tác phòng chống mù lòa, cải thiện tích cực mạng lưới chuyên khoa mắt trong tỉnh.

Bác sỹ Bệnh viện Mắt khám, sàng lọc phát hiện khuyết tật khúc xạ cho học sinh. Ảnh: Ngọc Linh

Giai đoạn I (2010 – 2011), 3 huyện: Tiền Hải, Kiến Xương và Quỳnh Phụ triển khai thực hiện dự án đã có trên 200 bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể được phẫu thuật miễn phí, 1.101 bệnh nhân được phẫu thuật điều trị quặm, 2.080 bệnh nhân được phẫu thuật điều trị mộng, 28 ca trẻ em bị sụp mi, 20 ca trẻ em bị lác; đặc biệt, có 37 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn được phẫu thuật mang lại ánh sáng. Ngoài ra, từ sự đầu tư của dự án đã tổ chức khám sàng lọc phát hiện tật khúc xạ cho toàn bộ học sinh các trường THCS tại 3 huyện nằm trong dự án và cấp miễn phí 1.650 cặp kính cận cho học sinh nghèo. Tất cả bệnh nhân nghèo được mổ đục thủy tinh thể trong tỉnh đều được hưởng lợi từ nguồn ngân sách của dự án và thanh toán qua Bảo hiểm y tế.

Ngoài những bệnh nhân mù – nghèo được hưởng lợi, dự án đã cải thiện tích cực cho cả hệ thống chăm sóc mắt trong toàn tỉnh, hàng trăm lớp tập huấn đã được mở, 59 lượt cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và 1.552 lượt cán bộ y tế xã, y tế thôn được tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông. Dự án còn cung cấp các trang thiết bị tài liệu truyền thông phục vụ công tác truyền thông chăm sóc mắt tại cộng đồng. Các hoạt động của dự án đã đạt được mục tiêu ban đầu. Bên cạnh đó, dự án cũng đã làm thay đổi những nhận thức cơ bản của các cấp lãnh đạo trong việc vận động chính sách, quy hoạch, xây dựng và phát triển chuyên ngành mắt trong hệ thống y tế của tỉnh.

Nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống chăm sóc mắt từ tỉnh tới cộng đồng và duy trì bền vững những kết quả đạt được trong giai đoạn I của dự án, Thái Bình được FHF tiếp tục lựa chọn và xây dựng dự án giai đoạn II với tên gọi “Phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam tại Thái Bình giai đoạn 2012 – 2015”. Giai đoạn II được triển khai toàn diện các hoạt động chăm sóc mắt tại 3 huyện mới: Hưng Hà, Đông Hưng và Thái Thụy.

Qua 7 tháng thực hiện giai đoạn II đã gặt hái được những thành công từ công tác đào tạo, công tác kiểm soát bệnh tật và công tác truyền thông GDSK. 7 tháng  năm 2012, dự án FHF đã phối hợp với Trường đại học Y Thái Bình mở 2 lớp đào tạo chuyên khoa định hướng mắt và khúc xạ, ngay tại Bệnh viện Mắt giúp các học viên có cơ hội thực hành nhiều hơn. Dự án đã mở các lớp đào tạo nâng cao năng lực tuyến huyện với hơn 800 học viên là cán bộ xã, thôn tham gia. Triển khai phẫu thuật mắt cộng đồng tại 2 huyện Hưng Hà và Đông Hưng với tổng số 80 xã, thị trấn. Trong đó đã khám mắt được 17.000 người, phẫu thuật miễn phí được 537 ca quặm, 45 ca đục thủy tinh thể, phối hợp với Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn phẫu thuật miễn phí cho 15 bệnh nhân phong khuyết tật.

Dự án phối hợp với 4 Trung tâm y tế là Hưng Hà, Tiền Hải, Kiến Xương và Quỳnh Phụ khám sàng lọc, phát hiện, tư vấn và chuyển tuyến bệnh nhân đục thủy tinh thể. Từ đầu năm đến nay, 3 đoàn khám điều trị mắt cộng đồng của Bệnh viện Mắt phối hợp với Trung tâm y tế Hưng Hà khám, phát hiện nhiều bệnh nhân đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác. Chỉ trong 1 tháng đã phát hiện ở Hưng Hà trên 500 bệnh nhân đục thủy tinh thể, tư vấn và vận động được 99 bệnh nhân mắt lên Bệnh viện Mắt để phẫu thuật thay thủy tinh thể. Khám và phát hiện tật khúc xạ cho 13.310 học sinh tại 34 trường THCS. Đã phát hiện ra số học sinh có thị lực dưới 7/10 là 1.771 em. Dự án đã hỗ trợ cấp miễn phí 500 cặp kính cận, viễn, loạn cho học sinh nghèo. Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2012, Bệnh viện Mắt  đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức khám sàng lọc cho 240 em khuyết tật về mắt. Đã có 34 em được chọn và chuyển lên Bệnh viện Mắt Trung ương để phẫu thuật. Truyền thông trên hệ thống truyền thanh xã các thông điệp chăm sóc mắt cộng đồng được 490 lượt, trên hệ thống phát thanh và truyền hình 48 lượt.

Mù lòa đang là một vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, là thách thức không chỉ với những người đang làm công tác chăm sóc mắt mà còn là vật cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải có những chiến lược lâu dài, xác định được những ưu tiên, những kế hoạch cụ thể nhằm giảm tỷ lệ mù lòa bằng những can thiệp vào các căn bệnh chủ yếu gây mù hiện nay cho người dân, hướng tới mục tiêu kiểm soát các bệnh gây mù có thể phòng tránh được vào năm 2020 mà Bộ Y tế đã cam kết cùng Tổ chức Y tế thế giới. Chuyên ngành Mắt Thái Bình đã và đang nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, sự giúp đỡ có hiệu quả của tổ chức FHF sẽ từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển về công tác phòng chống mù lòa.

Hồng Tươi

(Trung tâm TT-GDSK tỉnh Thái Bình)


  • Từ khóa