Thứ 6, 22/11/2024, 17:40[GMT+7]

Những chuyện lượm nhặt sau bão

Thứ 3, 30/10/2012 | 13:44:32
1,451 lượt xem
Bão số 8 đã đi qua nhưng sẽ phải mất nhiều ngày nữa để người dân Thái Bình khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin sẽ còn ảnh hưởng và làm xáo trộn cuộc sống của không ít người dân, kể cả trên địa bàn Thành phố và các thị trấn.

Nước ngập khu vực bến xe khách Thái Bình

Bão số 8 là một trong những cơn bão mạnh nhất quét qua tỉnh Thái Bình từ hai chục năm trở lại đây. Không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơn bão còn làm đảo lộn sinh hoạt của không ít người dân. Ngay sau khi bão tan, mặc dù thời tiết sáng ngày 29/ 10 khá đẹp, trời không mưa, có nắng nhẹ nhưng do cây cối đổ ngổn ngang, mất điện nên các trường trên địa bàn Thành phố đã phải cho học sinh nghỉ học. Việc các trường đóng cửa để thu dọn vệ sinh đã khiến không ít bậc phụ huynh lúng túng, nhất là với học sinh mầm non do bố mẹ không biết gửi con ở đâu. Nhiều người đã phải trông đổi con cho nhau (sáng người này trông, chiều đổi người kia trông), một số người chọn giải pháp mang theo con đến công sở để vừa trông, vừa làm việc. Đến ngày 30/ 10, mặc dù các trường đã nhận học sinh trở lại nhưng do mất điện nên các trường không tổ chức được ăn trưa buộc các bậc phụ huynh phải đón con sớm ngay từ 10h.

Bão đổ bộ đã khiến "nhà điện" phải cắt từ chiều 28/ 10, đến ngày 30/ 10 hầu hết các huyện và một phần Thành phố vẫn bị mất điện. Đêm 29/ 10, hầu hết các gia đình phải thắp nến hoặc sử dụng các đèn tích điện để chiếu sáng. Một số hộ dân và các cửa hàng kinh doanh đã chung nhau sử dụng máy phát điện phục vụ sinh hoạt và buôn bán. Cũng do mất điện nên đến ngày 30/ 10 nhiều nơi trên địa bàn Thành phố vẫn chưa có nước sạch để dùng, một số hộ đã phải sang các hộ hàng xóm có bể dự trữ để xin nước và sử dụng rất tiết kiệm. Nhiều hộ mặc dù có bể chứa dự phòng nhưng do mưa lớn đếm 28/ 10 làm tràn nước bẩn vào bể chứa nên không sử dụng được. Việc mất điện kéo dài trên diện rộng giúp các quán ăn nhanh trên địa bàn Thành phố kinh doanh khá phát đạt, không ít gia đình đã chọn ra quán ăn tạm bát phở hoặc đĩa cơm để đỡ phải nấu và ăn trong cảnh mất điện. Theo quan sát của chúng tôi thì tối ngày 29/ 10 và trưa ngày 30/ 10, các quán ăn nhanh đều rất đông khách, thậm chí có quán còn kín bàn; đa số khách đến ăn đều gồm 2 vợ chồng kèm theo một hoặc 2 cháu nhỏ.

Không chỉ mất điện trên diện rộng, mạng viễn thông, nhất là mạng cố định cũng gần như bị tê liệt sau bão. Sáng ngày 29/ 10 rất khó để liên lạc bằng điện thoại di động, chỉ rất ít máy của mạng Vinaphone và Mobifone có thể liên lạc được nội mạng. Do đứt mạch thông tin nên nhiều gia đình không thể liên lạc thông báo tình hình với người thân. Nhiều người ở xa cũng không thể liên lạc với gia đình, một số người đã phải gọi nhờ máy người khác để biết thông tin gia đình mình.

Bão số 8 với sức gió cấp 11, cấp 12, gật cấp 14 đã khiến hàng ngàn cây xanh bị ngã đổ, riêng địa bàn Thành phố có khoảng 30% số cây xanh bị đổ. Trong đó rất nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi và rất quý cũng bị bão làm bật gốc. Lượng cây bị đổ nhiều nhất là xà cừ và sấu, có những cây xà cừ đường kính gốc 2 người ôm nhưng vẫn nằm chỏng chơ sau bão. Một số bạn trẻ nhân cơ hội này sư dụng máy ảnh, điện thoại có chức năng chụp hình tạo dạng và chụp ảnh ngay bên những cây cổ thụ bị bật gốc. Đúng là rất hiếm khi mới chụp được những bức hình có hậu cảnh ấn tượng đến vậy.

Cũng do cây đổ nên việc lưu thông vào sáng ngày 29/ 10 rất khó khăn, nhiều tuyến đường bị chia cắt do cây đổ chắn ngang qua. Một số tài xế xe buýt đã phải chấp nhận bỏ tuyến để đi đường vòng về bến, tuy nhiên việc lưu thoát cũng không dễ dàng vì rất nhiều tuyến  đường của Thành phố đã bị tắc do cây đổ. Một số người nhanh tay, lợi dụng khoảng thời gian đầu giờ sáng ngày 29/ 10 đã dùng cưa xẻ thịt 2 cây sưa trên đường Lý Thường Kiệt mang về, dù thân cây vẫn còn nhưng các cành thì đã "không cánh mà bay", để không bị phát hiện họ dùng cưa cắt các cành thành đoạn ngắn sau đó dùng xe máy vận chuyển tẩu tán trong thời gian rất nhanh.

Bão kèm theo mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến đường của Thành phố bị ngập. Khu vực Bến xe khách, nước ngập trắng sân và cả khu vực cổng ra vào. Rất nhiều hành khách xuất bến sáng ngày 29/ 10 đã chọn đứng đón xe phía ngoài chứ không vào bến khiến cho tình trạng giao thông phía trước cửa bến khá lộn xộn. Mưa lớn cũng làm hàng trăm héc- ta ao đầm nuôi thả thuỷ sản bị ngập lụt, nhiều chủ nuôi mất trắng hoàn toàn. Việc nước ngập làm rất nhiều người buồn nhưng cũng làm một số người "thấy vui", một lượng lớn cá từ ao nuôi tràn ra các sông hồ là dịp để các tay câu trổ tài, các thuyền đánh lưới và vó cũng hoạt động hết công suất. Chỉ một đoạn sông Bari tiếp giáp với quốc lộ 10, đoạn Thành phố- Vũ Thư đã có cả chục chiếc thuyền giăng lưới bắt cá, mặc dù dầy đặc nhưng không chủ thuyền nào bận tâm vì xem ra ai cũng có phần cả, không ai phải tay trắng mang thuyền về. Nước sông lên cao cũng là dịp để đội nữ ca-noing trẻ hăng say luyện tập, trên đoạn sông Bari có gần chục tay thuyền thử sức kiểm tra năng lực bản thân.

Bão số 8 đã đi qua nhưng sẽ phải mất nhiều ngày nữa để người dân Thái Bình khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin sẽ còn ảnh hưởng và làm xáo trộn cuộc sống của không ít người dân, kể cả trên địa bàn Thành phố và các thị trấn.

Vũ Mạnh 

  • Từ khóa