Thứ 2, 25/11/2024, 22:03[GMT+7]

Công đoàn ngành Công thương Gắn bảo vệ quyền lợi người lao động với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Thứ 6, 02/11/2012 | 15:12:43
1,009 lượt xem
Trong quá trình hoạt động của mình, Công đoàn ngành Công thương không ngừng đổi mới nội dung, hướng các hoạt động về cơ sở, tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và nhiệm vụ chung của ngành. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu của của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Công đoàn ngành Công thương thành lập trên cơ sở sáp nhập Công đoàn ngành Công nghiệp và Công đoàn ngành Thương mại gồm 41 công đoàn cơ sở (CĐCS) với gần 22.000 đoàn viên. Năm 2009, Công đoàn ngành đã chuyển 24 CĐCS về Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh và các tổng công ty của Trung ương. Hiện tại, Công đoàn ngành còn 18 CĐCS với hơn 4.000 đoàn viên. Nhiệm kỳ qua, Công đoàn ngành được sự quan tâm chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, sự phối hợp chỉ đạo của Công đoàn Công thương Việt Nam, Đảng ủy, lãnh đạo Sở Công Thương và các cấp ủy đảng của cơ quan, doanh nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoàn thành nhiệm vụ… Tuy nhiên, thách thức đặt ra là một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn; sự biến động về lao động ngày càng gia tăng, nhất là với ngành may mặc; sản xuất công nghiệp vài năm gần đây gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ bị bó hẹp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động…

Tranh thủ nắm bắt thời cơ, nỗ lực vượt qua thách thức, thời gian qua Công đoàn ngành luôn làm tốt vai trò đại diện, tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Chỉ đạo CĐCS tích cực tham mưu với lãnh đạo chuyên môn chủ động tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho lao động bằng nhiều hình thức như: Xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể hàng năm, giám sát thực hiện chế độ chính sách, xây dựng đơn giá tiền lương, quy chế khen thưởng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể… Để ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, Công đoàn tham gia với lãnh đạo các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, mặt hàng chủ lực, quy mô thị trường, liên doanh liên kết, huy động vốn mở rộng sản xuất…

Hàng năm, CĐCS đều phối hợp với chính quyền bổ sung và ký thỏa ước lao động tập thể (LĐTT). Hiện tại, số lao động được ký hợp đồng lao động chiếm 95%; số lao động được tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN chiếm 75%. Số doanh nghiệp có thỏa ước LĐTT đạt 75%. Một số nội dung trong thỏa ước được thực hiện cao hơn luật như cơ chế hỗ trợ tiền chuyên cần, xăng xe, nhà ở, thâm niên công tác… Nhiệm kỳ qua, CĐCS phối hợp với chính quyền đào đạo nghề và giới thiệu việc làm cho 875 lao động, chủ yếu ở ngành dệt may. Chú trọng công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) bằng cách mở lớp tập huấn về BHLĐ, tổ chức diễn tập về phòng cháy chữa cháy, tăng cường trang bị BHLĐ cho công nhân, thực hiện tốt chế độ bồi dưỡng độc hại, khám sức khỏe định kỳ cho 2.356 lượt lao động.

Bên cạnh đó, Công đoàn ngành còn phát động các phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành chỉ tiêu SX-KD của từng đơn vị. Nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo đoàn viên tham gia như: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm", "Kinh doanh giỏi, sản xuất tốt", "Luyện tay nghề thi thợ giỏi"… Thông qua các phong trào thi đua đã tham mưu và cụ thể hóa cho tỉnh nhiều cơ chế chính sách phát triển CN-TTCN, đồng thời giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào… 5 năm qua, toàn ngành có 35 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. Nhiều công trình, sản phẩm ra đời từ các phong trào thi đua đã được Công đoàn ngành gắn biển chất lượng cao để chào mừng những ngày lễ lớn của ngành và đất nước. Tiêu biểu như dây chuyền sản xuất thức ăn gia súc của Công ty TNHH Quang Minh, lô hàng xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thái Bình, dây chuyền sản xuất bình chứa khí hóa lỏng của Công ty TNHH Thiên Mã…

Ngoài ra, Công đoàn ngành luôn đề cao công tác tuyên truyền giáo dục nhằm xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về mọi mặt. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu là các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của ngành và đơn vị, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến người lao động. Tích cực vận động CNVC-LĐ hưởng ứng cuộc vận động dùng hàng trong nước, tiết kiệm năng lượng, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông… Nhiệm kỳ qua có gần 2.000 lượt CNVC-LĐ được tham gia học tập kiến thức về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý thị trường, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Cùng với đó, các CĐCS coi trọng xây dựng đời sống văn hóa nơi công sở, đến nay đã hình thành được 7 tỉ sách pháp luật, 15 sân cầu lông, 4 bàn bóng bàn, 17 cơ sở đấu nối mạng internet giúp nâng cao đời sống thể chất và tinh thần cho CB-CNVLĐ. Ngoài các hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên, 5 năm qua Công đoàn ngành còn phối hợp tổ chức 3 kỳ hội thao, hội diễn văn nghệ chào mừng ngày truyền thống của ngành và tham gia Đại hội TDTT toàn tỉnh thu hút hàng ngàn vận động viên, diễn viên không chuyên. Chủ trì tổ chức 2 lớp tuyên truyền về công tác dân số, 6 lớp phòng chống tệ nạn xã hội, 2 lớp tìm hiểu về pháp luật giao thông cho trên 1.000 lượt đoàn viên…

Nhờ không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hoạt động, các cấp công đoàn đã góp phần cùng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động với mức thu nhập trung bình từ 1,1 triệu đồng/ người/ tháng (năm 2008) tăng lên 2,8 triệu đồng/ người/ tháng như hiện nay. Đồng thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của ngành: Đưa giá trị sản xuất CN- TTCN toàn tỉnh năm 2011 đạt 9.311 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm đầu nhiệm kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt 14.665 tỷ đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ tới Công đoàn ngành phấn đấu kết nạp mới 500 đoàn viên, thành lập thêm 3 CĐCS, hàng năm có 90% CĐCS đạt vững mạnh (trong đó 40% vững mạnh xuất sắc), 80% số doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, 100% công nhân lao động được đào tạo qua các loại hình, 95% đơn vị đạt danh hiệu TDTT tiên tiến, 85% CNVC-LĐ đạt gia đình văn hóa, không có đoàn viên mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…Đồng thời hướng các hoạt động về cơ sở, vì lợi ích người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và nghị quyết Công đoàn ngành Công thương Thái Bình.

                                                                            Hoàng Công Xuân

                                                             Chủ tịch Công đoàn ngành

  • Từ khóa