Thứ 6, 22/11/2024, 17:21[GMT+7]

Thành phố Thái Bình Ðẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường

Thứ 6, 16/11/2012 | 10:01:32
1,088 lượt xem
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, những năm gần đây, Thành phố Thái Bình đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước… Bên cạnh đó, thói quen, ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân chưa cao, tình trạng vứt rác tùy tiện ra đường phố, khu vực công cộng diễn ra thường xuyên.

Công nhân Công ty môi trường đô thị làm vệ sinh đường phố. Ảnh Thành Tâm

Ðể công tác BVMT đi vào cuộc sống của từng người dân, Thành phố đã chủ động triển khai và có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thành ủy, HÐND Thành phố có nghị quyết chuyên đề về công tác BVMT; UBND Thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, đất đai; bố trí vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT, như: xây dựng công viên cây xanh, trồng bổ sung, trồng mới cây xanh trên vỉa hè, đường phố, dải cây xanh ngăn cách khu công nghiệp và khu dân cư; nâng cấp các thiết bị xử lý, mở rộng diện tích sử dụng đất cho Xí nghiệp xử lý rác thải và sản xuất phân bón.

Bên cạnh đó, Thành phố chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về chấp hành và thực hiện Luật BVMT, các quy định của địa phương về vệ sinh môi trường đô thị; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về môi trường theo quy định. Hiện nay, Thành phố đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch quản lý và đầu tư hạ tầng kỹ thuật về môi trường đô thị, như: Quy hoạch xây dựng đô thị, giao thông, cấp thoát nước, khu CN, khu chôn lấp xử lý rác thải, nước thải, nghĩa trang, nghĩa địa. Kinh phí cấp cho công tác BVMT mỗi năm một tăng (năm 2005 là 7,6 tỷ đồng; năm 2010 trên 61 tỷ đồng).

Với phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đến môi trường, kết hợp xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên, Thành phố đã gắn công tác BVMT với kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường cho từng năm, từng giai đoạn sát với tình hình thực tế, như: chương trình phát triển nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, đưa dần chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch, Tháng hành động về nước sạch - vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường Thế giới, Tết trồng cây… đã trở thành hoạt động thường kỳ. Hơn nữa, Thành phố cũng thường xuyên tổ chức nạo vét, kè mái và ký cam kết bảo vệ các sông: Bồ Xuyên, Vĩnh Trà, 3/2, Ba-ri, Ðoan Túc; cải tạo, chỉnh trang, quy hoạch xây dựng công viên cây xanh 30/6, Kỳ Bá, Lê Quý Ðôn, Hoàng Diệu và hàng chục km đường, rãnh thoát nước nội thành. Cùng với đó, các tiêu chí về BVMT đã được các xã, phường xây dựng thành một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thi đua. Nhiều phong trào, mô hình về BVMT được duy trì như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm vào ngày 24 hàng tháng” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Ðoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học; các công trình đường làng, ngõ xóm, vỉa hè đường phố theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường. Ðến nay, đã có 90% rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý; 100% các xã, phường có tổ vệ sinh tự quản thu gom, vận chuyển rác thải; trên 95% hộ sử dụng nước sạch, 77,5% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 75% số cơ sở sản xuất mới có trang thiết bị hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý và BVMT trên địa bàn Thành phố còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Tốc độ phát triển quá nhanh, nhất là hoạt động sản xuất công nghiệp, sự gia tăng dân cư, đô thị hóa… trong khi công tác BVMT chưa theo kịp. Việc xây dựng nhiều các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, mặc dù tất cả các nhà đầu tư đã cam kết thực hiện tốt công tác BVMT, nhưng những tác động tiêu cực, như: khí thải, nước thải… vẫn không tránh khỏi. Nhiều doanh nghiệp ý thức BVMT còn thấp, tỉ lệ các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết môi trường còn ít; còn nhiều cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, việc thanh kiểm tra thiếu kiên quyết, chế tài và lộ trình khắc phục sai phạm chưa cụ thể, đặc biệt chưa tập trung xử lý và thực hiện các kết luận sau thanh, kiểm tra. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về BVMT chưa thường xuyên, liên tục và đa dạng nên hiệu quả của việc truyền thông không cao. Ðể giữ được môi trường xanh - sạch - đẹp, trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức BVMT thành nếp văn hóa ứng xử của mọi người dân; chỉ đạo và hỗ trợ các xã thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường theo đề án xây dựng nông thôn mới.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa