Thứ 6, 22/11/2024, 17:50[GMT+7]

Thanh tra Thái Bình Phát huy truyền thống, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Thứ 3, 20/11/2012 | 10:12:56
921 lượt xem
Trải qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, từ “Ban Thanh tra đặc biệt” chỉ có ở Trung ương đến nay đã trở thành hệ thống cơ quan Thanh tra nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Thanh tra là chức năng quan trọng của quản lý, là công cụ phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và quan tâm đến công tác thanh tra. Chỉ hơn 2 tháng sau khi tuyên bố độc lập, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập “Ban Thanh tra đặc biệt”, tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam.

Trải qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, từ “Ban Thanh tra đặc biệt” chỉ có ở Trung ương đến nay đã trở thành hệ thống cơ quan Thanh tra nhà nước từ Trung ương đến các địa phương. Trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, hoạt động của ngành Thanh tra luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo của Đảng; góp phần tích cực trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố hệ thống chính quyền vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ngành Thanh tra Thái Bình được thành lập từ tháng 3/1957 khi tổ chức thanh tra được mở rộng tới các khu, tỉnh, thành phố. Thời điểm mới được thành lập, ngành Thanh tra Thái Bình chỉ có Ban Thanh tra ở tỉnh với 7 cán bộ, nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết các tranh chấp về tài sản; giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân; thực hiện cuộc vận động “Ba xây, ba chống”, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham ô, lãng phí; giữ vững và phát huy thành quả cách mạng; củng cố tình đoàn kết ở nông thôn, các cơ quan, đơn vị; ổn định tình hình trật tự, trị an…

Cùng với quá trình đổi mới, kiện toàn hệ thống các cơ quan nhà nước trong tỉnh, ngành Thanh tra Thái Bình có bước phát triển mới. Đến nay, hệ thống tổ chức ngành Thanh tra Thái Bình gồm: cơ quan Thanh tra tỉnh; Thanh tra các sở, ngành; Thanh tra các huyện, thành phố. Tổng số cán bộ chuyên trách, thanh tra viên có 250 đồng chí, trong đó có 225 đồng chí có trình độ đại học và trên đại học ở các chuyên ngành khác nhau, có 119 đồng chí đã được bổ nhiệm Thanh tra viên, 17 đồng chí đã được bổ nhiệm Thanh tra viên chính.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các huyện, Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể; sự giúp đỡ của nhân dân, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra trong tỉnh đã luôn giữ vững lập trường, khắc phục khó khăn, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp công tác, bám sát chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, nhiệm vụ chính trị, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, sở, ngành; chủ động, sáng tạo tham mưu, giúp lãnh đạo các cấp, các ngành duy trì nề nếp công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tiến hành các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều bức xúc, nổi cộm; cán bộ, đảng viên có nhiều ý kiến.

Qua hoạt động thanh tra kinh tế-xã hội, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát về ngân sách nhà nước và các cơ quan, đơn vị; khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại của tổ chức và công dân, kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm; kiến nghị các biện pháp khắc phục các thiếu sót, khuyết điểm, đề xuất nhiều kiến nghị bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách, góp phần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, tăng cường kỷ cương pháp luật, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần giữ ổn định tình hình, phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Năm 2012, ngành Thanh tra Thái Bình đã xác định nhiệm vụ tham mưu làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tiến hành các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giữ ổn định tình hình là nhiệm vụ công tác trọng tâm. Toàn ngành đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra được Uỷ ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành phê duyệt từ đầu năm. Đã triển khai 201 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 1.087 lượt đơn vị; phát hiện số tiền sai phạm 14.077 triệu đồng, 1.616.563 m2 đất; kiến nghị thu hồi 11.745 triệu đồng (trong đó xử phạt hành chính 2.115 triệu đồng), 38.023 m2 đất. Đã tham mưu giúp lãnh đạo các cấp, các ngành và trực tiếp tiếp 6.569 lượt công dân ( giảm 15,2% so với năm 2011), tiếp nhận 1.678 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ( giảm 7,7%). Trong đó, số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành là 177 đơn, ( giảm 25,6%), đã giải quyết 159 đơn, đạt tỷ lệ 90%; số đơn thư kiến nghị, phản ánh là 407, đã giải quyết 385 đơn, đạt tỷ lệ 94,5 %.

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thanh tra tỉnh đã tích cực cùng Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan để kiểm tra, rà soát, thống nhất biện pháp, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình trong tỉnh.

Trong công tác quản lý Nhà nước, Thanh tra tỉnh đã chủ động phối hợp với lãnh đạo các cấp, các ngành củng cố, kiện toàn các tổ chức thanh tra; tích cực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác thực tiễn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hoạt động như tổ chức Hội nghị triển khai Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 tới toàn thể lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh; tổ chức các lớp giới thiệu Luật Thanh tra năm 2010, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi 2007)....

Kết quả công tác của ngành Thanh tra Thái Bình trong năm 2012 là sự tiếp nối truyền thống trong hơn một nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Với những thành tích đó, ngành Thanh tra Thái Bình đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh...Nhiều tổ chức, cá nhân trong ngành Thanh tra Thái Bình đã được các cấp, các ngành khen thưởng.

Đạt được thành tích trên là do có sự đóng góp tích cực của các thế hệ cán bộ làm công tác thanh tra qua các thời kỳ nói riêng, của toàn ngành Thanh tra Thái Bình nói chung, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.

Nhân dịp này, Thanh tra tỉnh Thái Bình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, lời cảm ơn chân thành đối với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thanh tra Chính phủ, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình; sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng; sự ủng hộ, giúp đỡ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã tạo điều kiện cho ngành Thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu xây dựng Thái Bình thành tỉnh Nông thôn mới, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thanh tra hết sức nặng nề. Ngành Thanh tra phải tập trung vào nhiệm vụ giữ vững ổn định tình hình, phục vụ tốt công tác lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, hoạt động quản lý điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực. Công tác thanh tra cần bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm; tham mưu giúp lãnh đạo các cấp, các ngành duy trì nền nếp, có hiệu quả công tác tiếp dân; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ ổn định tình hình. Phương châm chỉ đạo trong hoạt động thanh tra là “Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính”. Do đó, trong thực tiễn hoạt động, phải kết hợp giữa các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nhiều vấn đề nổi cộm; cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều ý kiến, bức xúc như quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, quản lý xây dựng cơ bản và các dự án đầu tư, thực hiện các chính sách xã hội....

Tự hào và phát huy truyền thống 67 năm của ngành Thanh tra Việt Nam, truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra Thái Bình, mỗi tổ chức, mỗi cán bộ ngành Thanh tra Thái Bình nguyện không ngừng phấn đấu, học tập nâng cao kiến thức và năng lực công tác, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cách mạng, đổi mới nội dung hoạt động và phương pháp làm việc nhằm xây dựng các tổ chức thanh tra, đội ngũ Thanh tra viên và cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực sự “Là tai mắt của trên, là bạn của dưới” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu./.

Nguyễn Cao Song

                                                                      (Chánh Thanh tra tỉnh)

  • Từ khóa