Thứ 7, 25/01/2025, 05:03[GMT+7]

An toàn vệ sinh thực phẩm tại bệnh viện cần được quan tâm, đẩy mạnh

Thứ 6, 23/11/2012 | 08:55:13
1,660 lượt xem
Theo đánh giá của ngành Y tế, một trong những môi trường dễ gây lây truyền bệnh nhất chính là bệnh viện. Bởi vậy, vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, kinh doanh thực phẩm tại bệnh viện cần được thực hiện nghiêm ngặt.

Ảnh: Ngọc Linh

Tuy nhiên, kết quả giám sát, kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh vừa tiến hành vào tháng 9/2012 tại các cơ sở chế biến, kinh doanh ăn uống tại các bệnh viện trong tỉnh, những số liệu báo cáo làm chúng ta không khỏi lo lắng.

Theo thống kê hiện nay, chỉ có một số ít bệnh viện trong tỉnh có nhà ăn phục vụ ăn uống cho cán bộ bệnh viện và bệnh nhân. Phần lớn, các cơ sở phục vụ ăn uống trong bệnh viện do cá nhân thực hiện theo hình thức đấu thầu mặt bằng với đơn vị để kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong số 17 cơ sở được kiểm tra, chỉ có 2 cơ sở thuộc bệnh viện trực tiếp quản lý (Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn), còn lại 15 cơ sở do cá nhân đấu thầu. Qua kiểm tra, kết quả cho thấy chỉ có 3/17 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, còn lại 14 cơ sở chưa có hoặc có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đã hết hiệu lực. Theo quy định, việc tập huấn kiến thức và khám sức khỏe cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm là điều kiện bắt buộc; song phần lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống trong bệnh viện chưa chấp hành nghiêm túc. Tỷ lệ nhân viên phục vụ tại các cơ sở này được tập huấn chỉ đạt 10% và được kiểm tra sức khỏe chỉ đạt 15,7%; cùng với đó cũng chỉ có 23,5% cơ sở (4/17 cơ sở) có hợp đồng mua bán thực phẩm và có phiếu kiểm tra mẫu nguồn nước chế biến.

Cùng với sự thiếu vắng các điều kiện pháp lý trong kinh doanh thực phẩm, các điều kiện cơ sở hạ tầng bếp ăn, nhà ăn tại bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế. Tại hầu hết các bệnh viện, các nhà bếp, nhà ăn đều đang tận dụng địa điểm chế biến, diện tích nhỏ hẹp không bảo đảm quy trình phòng tránh ô nhiễm chéo. Có 7/17 cơ sở qua kiểm tra không đạt điều kiện về địa điểm môi trường; 13 cơ sở chưa thực hiện các biện pháp về phòng chống động vật côn trùng gây hại. Về điều kiện trang thiết bị dụng cụ chế biến bảo quản thực phẩm tại bếp ăn, mặc dù 100%  nhà bếp có dụng cụ chế biến thực phẩm chín, sống riêng biệt, các bếp ăn đều có dụng cụ chứa chất thải; song tỷ lệ đạt tiêu chuẩn vệ sinh thấp (chỉ có 2/17 cơ sở đạt tiêu chuẩn); nhiều nhà ăn có bàn ghế cáu bẩn, không bảo đảm vệ sinh; chỉ có 3/17 cơ sở có đầy đủ dụng cụ lưu mẫu thực phẩm.

Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm, tồn tại không nhỏ của hoạt động bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại bệnh viện là tình trạng đội ngũ nhân viên chế biến tại các cơ sở này chưa thực hiện đúng quy định các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số nhân viên tham gia chế biến tại các bếp ăn không có hoặc có không đầy đủ trang phục bảo hộ lao động, qua phỏng vấn kiểm tra chỉ có 64,7% nhân viên nắm được kỹ thuật và tiến hành kiểm tra thực phẩm theo đúng kỹ thuật, 17,5% nắm được phương pháp lưu mẫu và thực hiện lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Từ việc kiểm tra, đánh giá các điều kiện về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng tiến hành xét nghiệm các mẫu thực phẩm và dụng cụ chế biến thực phẩm tại các cơ sở này. Kết quả cho thấy chỉ có 3/17 cơ sở đạt về thực hành dụng cụ vệ sinh; có tới 48% số mẫu dụng cụ tại các cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm về hàm lượng hàn the vẫn còn 50% số mẫu có hàm lượng hàn the vượt quá giới hạn cho phép.

Từ thực trạng của công tác bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong bệnh viện đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra khi những người bệnh bị ngộ độc thực phẩm. Tất nhiên đó là một gánh nặng kép đối với người bệnh và gánh nặng này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của họ. Dinh dưỡng an toàn, hợp lý luôn là một trong những vấn đề quan trọng trong hoạt động điều trị tại bệnh viện. Chính vì thế, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bệnh viện cần được chấn chỉnh, cần được tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát chặt chẽ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người bệnh.

Trần Hương

  • Từ khóa