Thứ 7, 10/08/2024, 16:13[GMT+7]

Tăng cường hoạt động giám sát của MTTQ để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Thứ 5, 29/11/2012 | 08:27:58
796 lượt xem
Mục đích giám sát của MTTQ là nhằm giúp cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước thôn, làng, tổ dân phố; phát hiện nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm được phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân của từng cán bộ, đảng viên.

Múa hát chào mừng ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc cụm dân cư số 1, phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh

Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” đã thẳng thắn nêu rõ: Vai trò giám sát của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao. Do vậy, trong phần giải pháp về cơ chế, chính sách, Nghị quyết nêu rõ: Trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp, trong đó có cơ chế giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền. Sở dĩ, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ được đề cao vì MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân.

Mục đích giám sát của MTTQ là nhằm giúp cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước thôn, làng, tổ dân phố; phát hiện nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm được phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân của từng cán bộ, đảng viên, để có hướng bồi dưỡng, sử dụng tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với dân, kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên… Mặt khác, thông qua hoạt động giám sát, nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ và nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.

Mỗi năm, MTTQ các cấp tổ chức trên 1.700 hội nghị, khoảng hơn 10.000 lượt đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, người ngoài Ðảng, các vị chức sắc tôn giáo tham dự, đóng góp hàng chục nghìn ý  kiến vào dự thảo các văn kiện trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, Ðại hội Ðại biểu toàn quốc… Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, năm 2010, MTTQ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ chủ chốt do HÐND cấp xã bầu được 972 người; 93,2% thôn, tổ dân phố tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng, với trên 60% người tái cử.

Hàng năm, MTTQ tỉnh đều giám sát chặt chẽ việc ban hành nghị quyết, quyết định của HÐND các cấp và hoạt động của đại biểu dân cử, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, nhân dân vào các dự án, pháp lệnh, phát hiện những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, góp phần giảm sai sót, nâng cao tính khả thi trong xây dựng và ban hành văn bản luật. Mỗi năm tổ chức từ 1.800 – 3.300 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND các cấp, khoảng 190 – 260 nghìn lượt cử tri tham dự, đóng góp 7.500 – 8.500 ý kiến, kiến nghị. MTTQ đã tổng hợp, phân loại  ý kiến, kiến nghị gửi tới các cơ quan Trung ương và địa phương xem xét giải quyết ở mỗi kỳ họp. Ðể thực hiện giám sát hoạt động tư pháp, MTTQ tham gia lựa chọn giới thiệu nhân sự Hội thẩm nhân dân và tố tụng, tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, xét đưa người đi cải tạo, đặc xá, giam giữ, chấp hành án phạt tù, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Ðồng thời, tham gia hòa giải thành trên 80% vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân. Ban Thanh tra các địa phương giám sát, phát hiện, kiến nghị chính quyền giải quyết hàng nghìn vụ việc từ cơ sở.

Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng giúp bảo đảm cho các công trình liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội được tiến hành đúng quy định, bảo đảm chất lượng, nhất là các công trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Giám sát việc thi hành chính sách pháp luật, Mặt trận các cấp làm tốt công tác tiếp và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, nhờ vậy những mâu thuẫn, bức xúc ở cơ sở, tình trạng khiếu kiện vượt cấp được hạn chế và giảm đáng kể. Tuy nhiên, những năm qua hoạt động giám sát của Mặt trận chưa đạt kết quả cao; nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận chưa được cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật; phạm vi, đối tượng giám sát của Mặt trận theo quy định rất rộng nhưng thực tế mới dừng lại ở một số hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tại cơ sở; chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân…

Thu Hiền

  • Từ khóa