Thứ 7, 20/04/2024, 21:06[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển văn hóa đọc

Thứ 2, 19/04/2021 | 10:22:09
4,234 lượt xem
Hơn 6 giờ sáng, xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện bắt đầu lăn bánh. Hôm nay, hành trình ánh sáng tri thức của Thư viện tỉnh về với Trường Tiểu học và THCS Thái Nguyên (Thái Thụy). Chuyến xe này không chỉ là sự háo hức của các em học sinh xa khu vực trung tâm, ít có điều kiện đọc sách mà còn là niềm mong mỏi của cán bộ Thư viện tỉnh trong việc nhân lên tình yêu với văn hóa đọc.

Học sinh tại các điểm trường sử dụng máy tính kết nối mạng internet trên xe ô tô thư viện lưu động.

Trên chuyến xe ô tô thư viện lưu động, ngoài hàng nghìn cuốn sách ở đủ các lĩnh vực..., điều thu hút các em học sinh còn là những chiếc máy tính, ti vi, máy chiếu được kết nối internet. Đối với những em nhỏ ở nông thôn, xa khu vực trung tâm, ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thì việc được tra cứu thông tin trên máy tính, nghe những giọng đọc truyền cảm về những cuốn sách yêu thích hay như việc được xem những bộ phim hoạt hình giáo dục kỹ năng sống là điều rất đặc biệt. Từng em nhỏ kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình để được bước lên xe ô tô thư viện, được hướng dẫn cách tìm kiếm thông tin hữu ích, nắm bắt thông tin hiệu quả. Cuối buổi, các em sẽ xung phong kể lại những câu chuyện, những bộ phim mình vừa được nghe, được xem... Đây là cách học hiệu quả, giúp các em rèn luyện sự chăm chú, tính logic, khả năng sắp xếp, truyền tải thông tin nhanh chóng.

Em Vũ Thị Hằng, lớp 4A, Trường Tiểu học và THCS Thái Nguyên chia sẻ: Sử dụng máy tính trên xe ô tô thư viện, con được nghe câu chuyện thỏ và rùa, đây là câu chuyện đã rất quen thuộc với chúng con nhưng vì được nghe các cô chú đóng vai các nhân vật cũng như xem video có hình ảnh sinh động nên câu chuyện dù con đã thuộc lòng nhưng cũng trở nên rất hấp dẫn, mới mẻ. Qua câu chuyện này, con học được tính kiên trì, siêng năng, nhẫn nại, không tự cao tự đại của chú rùa và cũng không làm việc bất cẩn, thiếu tính kỷ luật của chú thỏ.

Thầy giáo Lê Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thái Nguyên cho biết: Dù trong trường có thư viện xanh và tại các lớp học đều có những giờ đọc sách của các em học sinh nhưng khi hành trình ánh sáng tri thức của Thư viện tỉnh về tới trường, các thầy cô mới được trang bị thêm nhiều thông tin về những kênh đọc sách hiệu quả trên mạng internet để có thể tham khảo, bổ sung vào những giờ đọc, những giờ ngoại khóa cho các em học sinh.

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, một trong những kênh đọc sách hiệu quả mà Thư viện tỉnh thường xuyên giới thiệu tới độc giả là kênh Youtube “Cùng bạn đọc sách”. Hiện nay, Thư viện tỉnh đang nỗ lực cùng hệ thống thư viện trên cả nước đóng góp những video bổ ích vào kênh đọc sách này. Được thành lập vào năm 2020, “Cùng bạn đọc sách” có những chuyên mục như: sách hay nên đọc (giới thiệu các tác phẩm hay, bổ ích đến bạn đọc); đọc sách cùng bạn (cung cấp các sách nói, kể chuyện sách); góc bạn đọc (bạn đọc chia sẻ cảm tưởng, kinh nghiệm đọc sách, lan tỏa tình yêu đọc sách); góc thiếu nhi (cung cấp các câu chuyện và giới thiệu các cuốn sách hay, bổ ích cho thiếu nhi, đại sứ văn hóa đọc (mục giới thiệu video clip của các thí sinh đã đạt giải trong cuộc thi đại sứ văn hóa đọc năm 2019, hướng dẫn thí sinh tham gia và làm bài dự thi đại sứ văn hóa đọc 2020...); góc dành cho người tâm huyết với văn hóa đọc (kể về những tấm gương, những kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc đã được phổ biến, chia sẻ và tôn vinh...).

Ngoài ra, ở thời điểm này, Thư viện tỉnh đang số hóa hàng triệu bản sách, báo, tài liệu, từng bước hoàn thiện thư viện số, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin ngày càng đa dạng của độc giả trong và ngoài tỉnh. “Điều đáng nói là nguồn tài nguyên trên thư viện số của Thư viện tỉnh đều là những tài liệu chính thống, đã được thẩm định nên bảo đảm sự chuẩn xác, khoa học. Từ đó góp phần giúp giáo viên và học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh khi đã có tài khoản thì có thể ngồi ở bất cứ đâu để tra cứu, học tập, giải trí trên nguồn tài nguyên của Thư viện tỉnh một cách có định hướng” - bà Lê Thị Thanh cho biết thêm.
Những bước chuyển mình trong thời gian qua của Thư viện tỉnh đã góp phần tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc, ươm mầm, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách trong mỗi nhà trường cũng như trong cộng đồng. Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ nỗ lực đầu tư thêm nhiều phòng đọc chức năng, phù hợp với từng lứa tuổi; đồng thời, tạo dựng thêm nhiều sân chơi bổ ích, lý thú, ứng dụng công nghệ thông tin, vừa đáp ứng xu hướng hiện đại hóa vừa gắn bó với “thế hệ số” trong cuộc sống hiện nay.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày