Thứ 6, 22/11/2024, 17:33[GMT+7]

Thái Bình hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

Thứ 5, 29/11/2012 | 15:56:38
1,313 lượt xem
Công tác phòng chống HIV/AIDS là công tác vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực và sự vào cuộc của cả cộng đồng, của mọi cấp, mọi ngành và cần được thực hiện thường xuyên và bền bỉ. Chỉ có như vậy mới mong khống chế, ngăn chặn và không còn người nhiễm mới HIV.

Xe tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày thế giới phòng chống HIV/ AIDS. Ảnh: Thành Tâm

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2012, với chủ đề "Hướng tới không còn nhiễm mới HIV", phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CKII Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế về những nội dung liên quan đến chủ đề này cùng những định hướng của tỉnh Thái Bình đối với công tác phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, "Hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV" vẫn là chủ đề chính được Việt Nam chọn trong tháng hành động phòng chống AIDS năm 2012. Xin đồng cho biết rõ hơn về chủ đề này? Tại Thái Bình, chúng ta đã có kế hoạch hưởng ứng chiến dịch năm nay như thế nào?

Đồng chí Phạm Văn Dịu: "Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV" là một trong ba nội dung nằm trong chủ đề "Getting to zero" (nghĩa là hướng tới mục tiêu 3 không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS) của chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015. Tại Việt Nam, mặc dù những năm gần đây tốc độ lây lan của HIV đã giảm song trên thực tế dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể bùng nổ thành dịch nếu chúng ta không có những biện pháp đối phó toàn diện và quyết liệt hơn. Bởi vậy, việc thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, không để HIV lây lan trong cộng đồng dân cư là điều quan trọng nhất của công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay.  "Không còn người nhiễm mới HIV" chính là mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5 năm 2012. Chủ đề này đã được chọn trong Tháng hành động phòng chống AIDS năm 2011 và tiếp tục được chọn trong Tháng hành động quốc gia phòng chống AIDS tại Việt Nam năm 2012. 

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống AIDS năm 2012, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống ma tuý mại dâm tỉnh đã sớm triển khai kế hoạch Tháng hành động đến các sở, ban, ngành, địa phương... trong tỉnh. Kế hoạch cũng nêu nhiệm vụ cụ thể đối với Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống TNMT, mại dâm; các sở, ban, ngành, đoàn thể;   các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Trong tháng hành động, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông chúng ta còn tổ chức các hoạt động khác như tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc điều trị HIV/AIDS; vận động tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS; giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS tại các địa phương, đơn vị... Tuy nhiên tôi cũng muốn nhấn mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS là công việc quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Vì vậy, hoạt động phòng chống HIV/AIDS không chỉ được thực hiện trong Tháng hành động nhưng việc tổ chức Tháng hành động như chúng ta thổi lên ngọn lửa, truyền sức nóng của công tác này đến toàn thể cộng đồng trong suốt cả năm.

Phóng viên: Theo số liệu báo cáo, những năm gần đây số người nhiễm HIV mới đã giảm tại các địa phương trong tỉnh. Thái Bình cũng được đánh giá là tỉnh thực hiện khá hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS. Đồng chí đánh giá về điều này thế nào? Chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm gì sau hơn 15 năm triển khai đối phó với đại dịch này?

Đồng chí Phạm Văn Dịu: Đúng là một vài năm gần đây, số người nhiễm HIV mới được phát hiện và số người tử vong do AIDS đã giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan cho rằng số người nhiễm HIV/AIDS đã giảm trong cộng đồng. Bởi qua giám sát trọng điểm hàng năm và xét nghiệm trong nhóm phụ nữ mang thai, hình thái lây nhiễm HIV/AIDS đang có nhiều biến đổi, sự lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai tăng. Điều này phản ánh thực tế là số người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư đang tăng. Đây là một điều cần được quan tâm bởi có thể những gì chúng ta đang giám sát được chỉ như chúng ta biết về phần nổi của một tảng băng chìm. Đây cũng chính là thách thức của công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay.

Không thể phủ nhận là thời gian qua chúng ta đã gặt hái một số kết quả không nhỏ trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm... nên nhìn chung nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS đã có sự thay đổi lớn, người nhiễm HIV/AIDS tại Thái Bình được điều trị, được hỗ trợ sống hoà nhập cộng đồng...

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, công tác phòng chống HIV/AIDS của chúng ta cũng thể hiện không ít hạn chế. Những địa phương làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS như tại Vũ Tây không nhiều. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho công tác này tại Thái Bình còn gặp nhiều khó khăn, trước đây và cho đến nay vẫn trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế. Chúng ta chưa thực sự có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương, đơn vị trong việc triển khai và thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. 

Phóng viên:  Cần phải có định hướng và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như thế nào để Thái Bình thực hiện thành công và hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn và khống chế đại dịch này, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Dịu: Trước hết chúng ta phải khẳng định công tác phòng chống HIV/AIDS là một công việc quan trọng. Sẽ không thể có một đất nước, một địa phương giàu mạnh, văn minh khi nơi đó có nhiều người nhiễm HIV/AIDS. Bởi vậy, "Không còn người nhiễm mới HIV" chính là mục tiêu, định hướng hàng đầu xuyên suốt trong công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, chúng ta phải biến định hướng, mục tiêu thành những việc làm cụ thể và thiết thực với những giải pháp như: 

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần được thể hiện trong nghị quyết, chương trình hành động của cấp uỷ đảng, chính quyền; trong kế hoạch hoạt động hàng năm, hàng quý của mỗi ngành, đơn vị. Công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cần được quan tâm thực hiện. Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuy nhiên hoạt động này tránh hô hào chung chung, phải hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể với những phương pháp phù hợp mới đem lại hiệu quả tích cực.

Trong công tác chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS nêu cao vai trò của cán bộ y tế các cấp, huy động sự tham gia, và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác này. Chúng ta cũng cần nghiên cứu để xây dựng chính sách dài hơi hơn như tạo việc làm, hỗ trợ học hành, chăm sóc y tế... Một lần nữa tôi muốn khẳng định lại công tác phòng chống HIV/AIDS là công tác vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực và sự vào cuộc của cả cộng đồng, của mọi cấp, mọi ngành và cần được thực hiện thường xuyên và bền bỉ. Chỉ có như vậy chúng ta mới mong khống chế, ngăn chặn và không còn người nhiễm mới HIV.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Thu Hương

(Thực hiện)

  • Từ khóa