Thứ 6, 29/03/2024, 14:06[GMT+7]

Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng

Thứ 6, 30/04/2021 | 11:04:54
2,531 lượt xem
46 năm đã qua đi nhưng mỗi dịp tháng tư về, ký ức Đại tá Đồng Sĩ Tài, thôn 9, xã Vũ Đoài (Vũ Thư), nguyên Chính ủy Trung đoàn 12, Sư đoàn Bộ binh 3 (còn gọi là Sư đoàn Sao Vàng) như một thước phim sống động về những hình ảnh hào hùng, bi tráng khi trực tiếp tham gia chỉ huy một mũi tấn công trong chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng Vũng Tàu ngày 30/4/1975.

Ông Đồng Sĩ Tài (người thứ hai từ trái qua) vinh dự được gặp và chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc năm 1992. Ảnh tư liệu

Sinh năm 1938 ở làng quê Vũ Đoài, ông Tài sớm giác ngộ cách mạng, từng tham gia du kích chống Pháp và đảm nhận nhiều vị trí công tác của xã. Năm 1962, khi đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tài xung phong lên đường nhập ngũ. Từ năm 1965 - 1975, ông chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ngày 31/3/1975, sau khi giải phóng Bình Định, Trung đoàn 12 nhận lệnh của Quân khu V tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thời điểm đó, ông Tài đang là Thiếu tá, Phó Chính ủy Trung đoàn 12, Sư đoàn 3.

Trận đánh đầu tiên của đơn vị trong chiến dịch Hồ Chí Minh là giải phóng Ninh Thuận mở đường cho quân ta tiến vào Nam. Trận này, quân ta đánh địch suốt từ 3 giờ đến gần 7 giờ sáng mới giải phóng được huyện Đức Thạnh (Ninh Thuận). Trận thứ hai, đơn vị cùng với lực lượng của Sư đoàn 3 có nhiệm vụ giải phóng thị xã Phan Rang (Ninh Thuận), đồng thời đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu giao đặc trách Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi có nhiệm vụ tử thủ tại đây. Bộ đội ta chiến đấu ngoan cường dũng cảm trong 3 ngày liên tiếp trước lực lượng hùng hậu cả về quân số, trang thiết bị vũ khí hiện đại của địch mới giải phóng được Ninh Thuận và đánh chiếm được sân bay Thành Sơn. Trong trận này, Sư đoàn 3 đã bắt sống được hai tướng ngụy gồm: Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tổng chỉ huy mặt trận phía Bắc và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang cùng một đại tá cố vấn Mỹ.

Ông Đồng Sĩ Tài nhớ lại: Chiều ngày 27/4/1975, đơn vị tôi được lệnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí tiến công giải phóng Vũng Tàu. Khó khăn lớn nhất của đơn vị là phải vượt được eo biển Phước Tỉnh có chiều rộng hơn 1km trong khi không có phương tiện. Chỉ trong 1 ngày và 1 đêm, Trung đoàn đã huy động được hàng trăm tàu, xuồng máy của ngư dân vượt làn đạn pháo của địch từ biển bắn vào liên tiếp, đưa bộ đội ta vượt qua eo biển ra giải phóng Vũng Tàu. Có một câu chuyện cảm động, đó là có một cụ già hơn 70 tuổi đến rỉ tai tôi: “Chú làm ơn cho tôi xin một suất”. Tôi hỏi: “Cụ xin cái gì?”. Cụ liền bảo: “Cho tôi một suất, tôi chở bộ đội qua eo biển”. Rồi cụ phân trần: “Tôi già rồi, chú cứ cho tôi đi, nếu tôi có sao thì cũng là một diễm phúc của gia đình tôi, được đóng góp cách mạng. Tôi muốn giúp bộ đội ta”. Tôi rất ấn tượng về tinh thần cách mạng và lòng nhiệt tình của nhân dân nơi đây.

46 năm đã qua đi nhưng trong ký ức ông Đồng Sĩ Tài (người bên phải) vẫn vẹn nguyên những hình ảnh, câu chuyện về ngày giải phóng Vũng Tàu mà ông được tham gia.

Sáng ngày 29/4/1975, Trung đoàn 12 bắt đầu nổ phát súng đầu tiên đánh chiếm các mục tiêu. Trong thế trận ta thắng như chẻ tre, địch tìm cách rút chạy. Vũng Tàu lại giáp biển, lính Mỹ đổ dồn về đó mong tàu Mỹ đến cứu trợ thoát thân. Vì vậy, ngày 30/4/1975 tại Vũng Tàu vẫn diễn ra những trận đánh quyết liệt của ta và địch. Ông Tài nhớ mãi kỷ niệm, lúc đó khoảng 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, ông và 1 đồng chí đang chỉ huy trên gác 2 của một ngôi nhà ở thành phố Vũng Tàu thì nghe được tin “Sài Gòn đã giải phóng rồi”. Ông Tài giật mình, chưa tin, bật radio lên nghe thì quả thật quân ta đã chiếm được dinh Độc Lập ít phút trước. Tuy vậy, với nhạy bén của người chỉ huy, ông Tài quyết định chưa thông báo tin này với bộ đội ta, vì nếu thông báo bộ đội ta sẽ chủ quan mà “giãn” tay súng, rất nguy hiểm. Các mũi tiến công vẫn tiếp tục đánh chiếm các cứ điểm của địch, tiếng súng cuối cùng kết thúc Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng lúc 13 giờ 30 phút. Ông Tài cùng quân và dân ta vỡ òa trong niềm hạnh phúc chiến thắng với cờ hoa và những cái ôm thắm tình dân tộc.
83 tuổi đời, 61 năm tuổi đảng, kinh qua nhiều cương vị công tác, hầu hết là ở vai trò chỉ huy, ở cương vị nào Đại tá Đồng Sĩ Tài cũng thể hiện được bản lĩnh của người lính Cụ Hồ. Trở về đời thường, ông gương mẫu trong mọi phong trào ở địa phương. Ông Tài vinh dự là một trong số ít cựu chiến binh của tỉnh được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nguyên thủ quốc gia trong những dịp Đảng, Nhà nước tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam. Ông Tài xúc động chia sẻ: Tôi may mắn sống sót, được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc ngày nay, còn nhiều anh em đồng đội của tôi thì mãi mãi nằm xuống. Những ngày tháng tư này, cảm xúc của tôi lẫn lộn lắm, vừa phấn khởi, tự hào như ngày giải phóng đất nước năm xưa vừa thương nhớ anh em, đồng chí, đồng đội của mình...

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày