Thứ 7, 30/11/2024, 04:42[GMT+7]

Làm quen với trạng thái bình thường mới

Thứ 4, 26/05/2021 | 08:17:04
3,915 lượt xem
Sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 20/5, Thái Bình gỡ bỏ thực hiện giãn cách trên địa bàn tỉnh đối với một số hoạt động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, cùng với người dân cả nước, người dân Thái Bình đã quen với cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giao hàng tận nơi để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch

Giống như các quán ăn khác, đã trải qua đợt giãn cách xã hội năm 2020 nên hiện nay, quán ăn của anh Phan Minh Đạt, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) có nhiều kinh nghiệm và cách làm hiệu quả trong việc “dọn hàng lên mạng internet”. Sau khi Công điện số 06 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành, trong đó quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trở lại nhưng không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang đi, anh Đạt thường xuyên cập nhật hình ảnh các món ăn của quán lên mạng xã hội, đồng thời dành nhiều thời gian để tương tác với khách hàng. Sau vài ngày triển khai dịch vụ miễn phí giao hàng tận nhà, quán của anh đã có 2 đầu bếp và 1 nhân viên giao hàng hoạt động thường xuyên. 

Anh Đạt chia sẻ: Thông thường, vào mùa nắng nóng, mặt hàng bán chạy nhất phải kể đến là bia hơi. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh nên cách làm của quán thay đổi để linh hoạt hơn, ví dụ bia hơi có thể không phù hợp giao hàng tận nhà nhưng các món ăn phù hợp với loại đồ uống này sẽ được triển khai nhiều hơn, phục vụ thực khách dùng bữa tại nhà.

Cũng thay đổi để phù hợp với điều kiện hiện nay, bà Nguyễn Thị Hợi, chủ quán bánh cuốn gia truyền tại thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) chia sẻ: Trước đây cứ có suy nghĩ đồ ăn sáng khi mang về sẽ không còn ngon như khi ăn tại quán nhưng đúng là thời điểm này ai cũng phải thay đổi thói quen để phù hợp hơn. Mấy ngày nay tôi đã quen với việc nhận đơn hàng qua điện thoại, sau đó khách sẽ tự đến quán để lấy hoặc nhân viên đi giao hàng tận nơi. Nếu như trước đây việc bán bánh cuốn là chủ yếu thì nay quán của tôi còn nhận làm thêm những đồ ăn sẵn như ruốc, chả, giò... để tăng thêm thu nhập.

Thay đổi để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, trong thời điểm hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như người tiêu dùng đã hình thành thói quen mua bán online. Từ bát bún, cốc cà phê, cốc chè, que kem, cái bánh mì đến nồi lẩu, mâm cơm..., tất cả đều được “dọn lên mạng internet”, qua đó người mua dễ dàng lựa chọn, người bán cũng mở rộng lượng khách hàng. Chuyển đổi số trong thời điểm dịch bệnh đang góp phần giúp mỗi người dân vẫn thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch mà không ảnh hưởng đến việc kinh doanh hay sinh hoạt hàng ngày.

Thay đổi để phòng, chống dịch

Nếu như trước đây, thời điểm dịch Covid-19 đã được kiểm soát, câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ xã Phú Lương (Đông Hưng) với 180 hội viên ngày nào cũng tập trung tại nhà văn hóa thôn Duyên Tục để tập luyện những bài nhảy mới đồng thời hàng tháng gần 2.000 hội viên của nhóm khiêu vũ huyện Đông Hưng đều có những buổi gặp mặt, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thì nay hoạt động tập luyện diễn ra thông qua việc chia sẻ video các bài tập lên tài khoản mạng xã hội. 

Ông Phan Thế Nông, công chức văn hóa xã Phú Lương, người gây dựng và phát triển phong trào khiêu vũ tại huyện Đông Hưng chia sẻ: Hơn 1 năm nay, trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tập trung đông người phải tạm dừng thì việc duy trì tập luyện nhờ vào chiếc điện thoại thông minh. Mỗi khi thuần thục một bài nhảy mới, tôi thường sử dụng điện thoại để ghi hình và gửi lên nhóm, vừa giúp các thành viên trong CLB duy trì thói quen tập luyện vừa góp phần phòng, chống dịch.

Hướng dẫn tập online trong thời điểm tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19 cũng đang là cách làm của nhiều phòng tập Gym, Yoga, Aerobic..., qua đó vừa duy trì mối quan hệ gắn bó giữa phòng tập với hội viên vừa thiết thực giúp mọi người nâng cao sức khỏe. 

HLV Đào Thị Liên, bộ môn Yoga chia sẻ: Vì phòng tập không hoạt động trong thời gian này nên nhiều CLB đã hướng dẫn online vào những khung giờ cố định hàng ngày giúp các thành viên duy trì việc luyện tập nâng cao sức khỏe và cũng góp phần để mọi người hạn chế đến nơi công cộng chạy bộ, đánh cầu lông, đá bóng...

Sau khi Thái Bình xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch đã được triển khai. Quy định giãn cách, không tập trung đông người, tạm dừng các hoạt động văn hóa văn nghệ, luyện tập thể thao tập trung, đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không thiết yếu... đã được người dân chấp hành nghiêm. Không chỉ chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhiều tổ chức, cá nhân còn quyên góp, ủng hộ kinh phí, trang thiết bị... cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Sự đồng lòng, quyết tâm của cả cộng đồng sẽ là sức mạnh chiến thắng đại dịch.

Tú Anh