Thứ 6, 27/12/2024, 09:21[GMT+7]

Phụ nữ xã Đông Quang: Thi đua phát triển kinh tế

Thứ 3, 08/06/2021 | 08:45:46
1,308 lượt xem
Những năm qua, nhiều hội viên, phụ nữ xã Đông Quang (Đông Hưng) đã có cách làm hay, mô hình sáng tạo trong phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Chị Vũ Thị Huế, thôn Hưng Đạo Đông, xã Đông Quang thu từ làm bánh quẩy 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Quang, chúng tôi đến thăm mô hình làm hương thơm của chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, thôn Hồng Phong. Với sự giúp đỡ của Hội LHPN xã, chị Quỳnh không chỉ khôi phục, phát triển nghề truyền thống của cha ông mà còn đưa kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Chị Quỳnh cho biết: Ban đầu bắt tay vào khôi phục nghề, tôi sản xuất hương thơm hoàn toàn thủ công, thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2016, được Hội LHPN xã tín chấp với ngân hàng cho vay vốn, tôi đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc để tự động hóa việc sản xuất hương thơm của gia đình. Nhờ đó, chất lượng, mẫu mã sản phẩm hương thơm của gia đình đã được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời giảm công lao động, tiết kiệm chi phí. Hiện cơ sở sản xuất hương của gia đình chị Quỳnh tạo việc làm cho 5 - 7 chị em, phụ nữ có tuổi của địa phương với thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm chị Quỳnh thu về trên 1,2 tỷ đồng từ sản xuất hương thơm.  

Nếu ở thôn Hồng Phong phần lớn chị em chọn nghề làm hương thơm thì ở thôn Hưng Đạo Đông chị em lại du nhập nghề làm bánh quẩy để phát triển kinh tế. 

Chị Vũ Thị Huế, thôn Hưng Đạo Đông cho biết: Trước kia kinh tế gia đình tôi rất khó khăn vì thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Năm 2013, tôi học và mạnh dạn du nhập nghề làm bánh quẩy về địa phương. Làm bánh quẩy trải qua nhiều công đoạn, phải vất vả sớm hôm, quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng mua máy móc về phục vụ sản xuất bánh quẩy, giảm các công đoạn phải làm bằng tay, sản phẩm đều, đẹp, an toàn hơn, năng suất cũng cao hơn. Trước kia làm bánh bằng lò than bụi bặm, giờ hoàn toàn bằng điện nên rất sạch sẽ. Mỗi ngày gia đình sản xuất 5 - 7 tạ bánh cung cấp cho thị trường trong Nam, Hà Nội, Thái Bình. Mỗi năm gia đình thu từ làm bánh quẩy 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Nhờ phát triển nghề, tôi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học và tạo việc làm cho 15 lao động nông nhàn. 

Bà Vũ Thị Tỵ, 75 tuổi, thôn Hưng Đạo Đông cho biết: Công việc của tôi suốt 5 năm nay là đóng gói sản phẩm, nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Nhờ có nghề làm bánh quẩy, những người cao tuổi như chúng tôi vẫn có thể đi làm, có thêm khoản tiền để trang trải cuộc sống.

Xã Đông Quang hiện có trên 1.200 hội viên phụ nữ. Để giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, Hội LHPN xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hàng trăm chị em vay vốn với số dư nợ đến nay 13 tỷ đồng. 

Chị Vũ Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Cùng với nguồn vốn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, 5 năm qua, Hội LHPN xã còn giúp 52 hội viên tiếp cận nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình với số tiền 520 triệu đồng; giúp 8 chị được hỗ trợ 500 triệu đồng theo đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Để chị em sử dụng vốn vay, vốn hỗ trợ đúng mục đích, phát huy hiệu quả, Hội LHPN xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức trên 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề cho gần 4.000 lượt chị em. Ngoài ra, Hội LHPN xã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích chị em phụ nữ phát triển các nghề truyền thống làm hương thơm, làm mành, làm bánh quẩy, tích cực du nhập nghề mới về địa phương. Đến nay, toàn xã có 125 hộ làm nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn người, trên 70% là chị em, phụ nữ, người khuyết tật với thu nhập 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ phát triển nghề có doanh thu vài tỷ đồng/năm.

Thời gian tới, Hội LHPN xã Đông Quang tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế thông qua các mô hình tiết kiệm, trao con giống, vật tư nông nghiệp, phát triển nghề truyền thống. Hội cũng sẽ tích cực triển khai các nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Thu Hiền