Thứ 7, 04/05/2024, 12:36[GMT+7]

Thụy Tân Vững bước vươn lên từ gian khó

Thứ 3, 18/12/2012 | 14:25:45
967 lượt xem
Là mảnh đất tận cùng, nằm ở phía đông bắc huyện, xã Thụy Tân được thành lập từ chủ trương khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới tại vùng đất ven sông Hoá và cửa sông Thái Bình của huyện Thụy Anh trước đây (Thái Thụy ngày nay). 50 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thụy Tân đã không ngừng nỗ lực vượt qua bao gian khó để đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Một góc làng quê Thụy Tân hôm nay

Đến thăm mảnh đất Thụy Tân hôm nay, khó ai có thể hình dung được cách đây hơn nửa thể kỷ nơi đây chỉ là vùng đất lầy lội, đầy sú vẹt. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ Thái Bình về mở rộng diện tích ven sông, ven biển hoang hoá để trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, cây phục vụ công nghiệp; đầu năm 1961, Huyện uỷ Thụy Anh ra Nghị quyết nghiên cứu, khảo sát, tổ chức quai đê, lấn biển, dãn dân ở vùng đất ngập nước sình lầy ven sông Hoá và vùng cửa sông Thái Bình phục vụ phát triển kinh tế. Uỷ ban hành chính huyện Thụy Anh đã thành lập ban chỉ huy công trường, huy động dân công từ các xã trong huyện tham gia làm thủy lợi đắp đê khoanh vùng. Khi công trình hoàn thành, Huyện uỷ có chủ trương xây dựng xã mới ở vùng khai hoang, giao chỉ tiêu số hộ, số lao động, nhân khẩu cho 3 xã gần đó là Thụy An, Thụy Trường, Thụy Dũng vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Kết quả đã có 308 người làm đơn tự nguyện tham gia. Ngày 22/12/1962, lễ xuất quân được tiến hành và cũng được coi là ngày bổ nhát cuốc đầu tiên, đánh một dấu mốc lịch sử quan trọng khai sinh ra mảnh đất Thụy Tân. Sau ngày 22/12/1962, Huyện uỷ Thụy Anh tiếp tục ra chỉ tiêu và vận động nhân dân các xã trong huyện về đây lập nghiệp. Hàng chục vạn dân công, sinh viên các trường sư phạm, công nhân viên chức đã  về cùng nhân dân quai đê, khoanh vùng ngăn mặn. Tháng 1/1963, chi bộ Đảng ở Thụy Tân được thành lập, sau đó HTX, hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên ra đời tích cực lãnh đạo, vận động nhân dân cải tạo đất hoang hoá mở rộng diện tích trồng cói, cấy lúa, chăn nuôi, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp....phát triển kinh tế địa phương. Sau những khó khăn, gian khổ, vùng kinh tế mới Thụy Tân từng bước được củng cố và phát triển, đi kèm với đó là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, nhà ở, trường học, trạm xá, nhà kho, cửa hàng mua bán, quỹ tín dụng được thành lập phục vụ đời sống dân sinh.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của vùng kinh tế mới Thụy Tân, năm 1968, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 383-NV công nhận Thụy Tân là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thụy Anh bao gồm các đội sản xuất khai hoang ở khu vực ven sông Hoá. Sau khi Thụy Tân được công nhận là đơn vị hành chính cấp xã, tháng 10/1968 Đảng bộ xã được thành lập. Trong suốt 13 năm (1962-1975), chi bộ đảng và sau này là Đảng bộ Thụy Tân đã lãnh đạo nhân dân vượt qua bom đạn phá hoại của giặc Mỹ vừa bám đồng ruộng, xóm làng sản xuất giỏi vừa chiến đấu anh dũng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao quân và đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn xã có 545 người con tham gia quân đội, nhiều thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Trong đó, 107 người đã hi sinh, 52 người là thương binh, bệnh binh, 1 lão thành cách mạng, 2 cán bộ tiền khởi nghĩa, xã có 3 mẹ Việt Nam anh hùng. Thụy Tân đã vinh dự 5 lần được đón nhận huân, huy chương các loại do Nhà nước trao tặng cho tập thể và cá nhân, 12 lần được tôn vinh đơn vị quyết thắng, cùng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen các loại.

Đất nước thống nhất, Thụy Tân bước vào thời kỳ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy là xã mới lập trong kháng chiến chống Mỹ, dân cư từ trên 20 xã trong huyện về lập nghiệp, sinh sống, còn nhiều khó khăn; song Đảng bộ, chính quyền Thụy Tân luôn nỗ lực huy động mọi nguồn lực tập trung cho phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, bảo đảm an ninh-quốc phòng. Trong nông nghiệp, xã quan tâm đầu tư xây các công trình thủy lợi thau chua rửa mặn, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng năng suất lúa, mở rộng diện tích trồng vụ đông, cây cói. Có thời điểm, năng suất cói của xã đạt 14tấn/ha và trở thành vùng chuyên canh cói chủ đạo của Thái Thụy, dẫn đầu toàn tỉnh về năng xuất cói, được mệnh danh là “vua cói” và vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng năm 1986, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; kịp thời đổi mới về tư duy, nhận thức, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị, phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh. Nhiều mô hình sản xuất như: cá-lúa, trang trại-gia trại chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi tôm sú, cá vược và các cây màu hiệu quả kinh tế cao như hành, tỏi, thuốc lào… được đưa vào sản xuất đã góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề dịch vụ từng bước được du nhập và mở rộng. Toàn xã có 13 hộ làm nghề mộc, cơ khí, 250 hộ làm nghề phụ và buôn bán nhỏ, 250 lao động làm nghề mây tre đan xuất khẩu, móc sợi... Năm 2012, kinh tế của Thụy Tân có nhiều chuyển biến tích cực: tổng giá trị sản xuất ước đạt 111,494 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2011. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên: 100% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 27 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,1%.

Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã Thụy Tân quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ dân sinh. Trong 5 năm 2005-2010, xã đã huy động nguồn hỗ trợ của cấp trên, trích ngân sách, vận động nhân dân đóng góp xây mới trụ sở làm việc Đảng uỷ-HĐND-UBND và các đoàn thể chính trị, trường THCS, tu bổ nâng cấp trạm y tế, đường cầu 34, chợ, lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây với nguồn kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Năm 2010, Đảng uỷ xã ra Nghị quyết chỉ đạo các chi bộ thôn vận động nhân dân góp công, góp của làm đường giao thông ngõ xóm. Bình quân mỗi hộ đóng góp từ 2 đến 3 triệu đồng chưa tính công lao động, chỉ trong 6 tháng từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 thực hiện bê tông hoá 9 km đường ngõ xóm. Hiện tại, các tuyến đường giao thông ở Thụy Tân đều được quy hoạch khoa học theo ô bàn cờ và rải đá, láng nhựa, bê tông hoá khang trang, sạch đẹp. Các hoạt động văn hoá-xã hội của địa phương duy trì, phát triển ổn định. Đến nay, cả 3 trường học Mầm non, Tiểu học, THCS  và Trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia. An ninh trật tự được bảo đảm. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể từng bước đi vào nền nếp, phương thức hoạt động đa dạng góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Thụy Tân đã hoàn thành việc lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết khu trung tâm và điểm dân cư, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, lập quy hoạch cụm công nghiệp thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Xã đã phát động phong trào, ký cam kết xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”, khởi công xây dựng tuyến đường trước cửa UBND xã với kinh phí trên 1 tỷ đồng, triển khai xây dựng tuyến đường từ đường 461 đến cống Cháy phục vụ cụm công nghiệp trong tương lai.

Những ngày này, ở Thụy Tân tràn ngập một khí thế vui tươi phấn khởi, nhân dân thi đua lao động sản xuất, ra quân làm thủy lợi nội đồng, thực hiện việc dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới. Trải qua chặng đường 50 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới Thụy Tân sẽ huy động cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tập trung chấn chỉnh công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW4, củng cố và xây dựng Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị TSVM xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

        Lê Văn Nghiên

         (Bí thư Đảng uỷ xã Thụy Tân)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày