Thứ 6, 02/08/2024, 17:17[GMT+7]

Khởi nghiệp từ làng

Thứ 5, 17/06/2021 | 08:49:37
1,042 lượt xem
Họ là những thanh niên sinh ra và lớn lên từ làng quê nhưng đã chủ động, sáng tạo trên con đường lập thân, lập nghiệp. Dù mỗi người có cách làm riêng nhưng với nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ, họ đều gặt hái thành công, trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Đông Hưng.

Không chỉ là Bí thư Đoàn năng động, Phạm Văn Tuyên còn là điển hình làm kinh tế giỏi.

Thủ lĩnh đoàn làm kinh tế giỏi

Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Phạm Văn Tuyên, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đông Sơn không chỉ năng nổ trong công tác đoàn mà còn là điển hình trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế. Sau mấy năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, anh Tuyên nghiệm ra rằng đi đâu cũng không bằng quê mình. Vì vậy, khi về nước anh quyết định kinh doanh nguyên phụ liệu ngành may mặc. 

Anh Tuyên chia sẻ: Khi mới bắt tay vào kinh doanh, kinh nghiệm chưa có mà thị trường cung cấp nguyên phụ liệu ngành may mặc lúc đó đã có không ít công ty lớn và hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào nên tôi rất lo. Để có thể cạnh tranh, khẳng định mình và tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực cung cấp nguyên phụ liệu ngành may mặc, tôi đã bỏ nhiều thời gian, công sức tìm hiểu kỹ thị trường trong và ngoài nước để có nguồn cung uy tín, chất lượng cao nhập về bán cho các cơ sở may mặc. Hiện tại tôi có 3 kho chứa nguyên phụ liệu với diện tích 1.000m2, tạo việc làm cho 4 lao động trực tiếp và 6 - 7 lao động thời vụ với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng xưởng của tôi xuất bán 5 tấn nguyên phụ liệu, trở thành đầu mối lớn của các cơ sở may mặc.

Đồng chí Nguyễn Công Thính, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn khẳng định: Đồng chí Phạm Văn Tuyên không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là Bí thư Đoàn nhiệt tình, năng động, gương mẫu. Đồng chí đã tích cực ủng hộ và vận động các đoàn viên khác cùng hỗ trợ để tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực cho đoàn viên, thiếu niên; đồng thời, là gương sáng để đoàn viên trong xã học tập, làm theo, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.  

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh HINOKI của anh Nguyễn Huy Trinh tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Bỏ phố về quê lập nghiệp

Dù tốt nghiệp một trường đại học quốc tế danh tiếng nhưng thay vì tìm kiếm cơ hội việc làm ở thành phố, chàng trai trẻ Nguyễn Huy Trinh lại quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp. 26 tuổi, Nguyễn Huy Trinh là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh HINOKI (cụm công nghiệp Nguyên Xá) chuyên sản xuất đồ điện gia dụng với gần 30 mặt hàng, giải quyết việc làm cho 20 lao động trực tiếp tại xưởng với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và trên 60 đầu mối nhận hàng về nhà làm. Hiện Công ty đang gấp rút hoàn thiện xây dựng nhà xưởng trên diện tích 4ha, cuối năm 2021 đi vào hoạt động sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhất là thanh niên nông thôn. 

Nguyễn Huy Trinh cho biết: Lĩnh vực điện gia dụng đã có nhiều hãng tên tuổi, Công ty lại mới thành lập, để sản phẩm được nhiều người biết đến và tin dùng, chiến lược của chúng tôi là nhập nguyên liệu tốt, lắp ráp và hoàn thiện bằng dây chuyền hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh. Nhờ chiến lược này, từ khi thành lập đến nay Công ty hoạt động ổn định, thị trường được mở rộng khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc, một số tỉnh, thành phố miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, thậm chí phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh HINOKI vẫn đạt doanh thu 1 tỷ đồng/tháng. 

Anh Bùi Xuân Hoàng, công nhân Công ty cho biết: Giám đốc Nguyễn Huy Trinh rất năng động, quyết đoán, sống tình cảm, gần gũi với công nhân. Tôi mong Công ty ngày càng phát triển để tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Đảng viên trẻ Lại Hoàng Tuyển thành công với mô hình trồng nấm sò.

9X lập nghiệp từ trồng nấm

Cầm tấm bằng bác sĩ thú y trên tay, đảng viên trẻ Lại Hoàng Tuyển (xã Đông Vinh) mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hàng trăm con lợn và nuôi gà trên diện tích 7.200m2 đất chuyển đổi. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định nên việc chăn nuôi không hiệu quả, anh quyết định dừng nuôi lợn, gà, sửa chuồng trại chuyển sang trồng nấm sò. 

Lại Hoàng Tuyển tâm sự: Làm nấm cũng vất vả, cũng có dịch bệnh, khi nấm bị bệnh thì chỉ còn cách tiêu hủy, do vậy phải tuân thủ nghiêm quy trình, công đoạn. Trước tiên phải xử lý nguyên liệu bằng vôi bột rồi phối trộn nguyên liệu, đóng thành bịch, cho vào hấp để thanh trùng, cấy giống, nuôi sợi, treo bịch, rạch bịch, chăm sóc, tưới nước thường xuyên, canh độ ẩm, 25 - 30 ngày sau treo bịch sẽ thu hái nấm. Để có sản phẩm nấm sò chất lượng cao, công đoạn nào cũng quan trọng nhưng trước hết phải làm tốt công đoạn đầu là ủ nguyên liệu. Tuyển chọn trồng nấm sò trên nguyên liệu là bông vải bởi đây là nguồn nguyên liệu dễ mua, giá rẻ, tận dụng phế phẩm từ các nhà máy sản xuất bông vải và sợi trong tỉnh nên đem lại lợi nhuận cao. 

Anh còn đầu tư máy móc thực hiện nhiều công đoạn làm nấm để giảm thời gian, nhân công. Đến nay anh đã làm nấm sò được 3 năm, bên cạnh việc xuất bán trực tiếp cho thương lái, vợ chồng anh còn tận dụng cả kênh bán hàng qua mạng để tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm cơ sở của anh xuất bán 6 - 7 tấn nấm thương phẩm, thu lãi hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương.

Xung kích, sáng tạo, có kiến thức là những lợi thế của các bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Dù gặp khó khăn ban đầu nhưng quan trọng nhất là họ đã tìm ra được con đường đúng để đi và luôn giữ lửa đam mê nên đã thành công, trở thành những điển hình thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi.

Thu Hiền

  • Từ khóa