Thứ 7, 30/11/2024, 00:48[GMT+7]

Giúp phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể

Thứ 2, 28/06/2021 | 09:32:24
2,199 lượt xem
Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo vốn, dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ liên kết... là những hoạt động mà các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai hiệu quả nhằm vận động và hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT).

Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa, xã Thụy Liên (Thái Thụy) biểu diễn trong một sự kiện. Ảnh tư liệu

Tháng 9/2018, Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa, xã Thụy Liên (Thái Thụy) được thành lập với 19 thành viên. Chị Bùi Thị Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Các cấp hội phụ nữ đã tư vấn, hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác. Sau gần 3 năm, đến nay Tổ hợp tác có 22 thành viên, ngoài việc nỗ lực luyện tập nâng cao chuyên môn, chị em thường xuyên động viên nhau rèn luyện về kỹ năng giao tiếp, đầu tư trang phục, nhạc cụ biểu diễn. Không chỉ biểu diễn trong tỉnh, Tổ hợp tác còn biểu diễn ở Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội... Bình quân mỗi tháng các chị tham gia biểu diễn khoảng 15 - 20 ngày, thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/người.

Được thành lập tháng 9/2019 trên cơ sở tổ hợp tác, hiện nay HTX Sản xuất cầu lông xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) có 15 thành viên. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ nhưng HTX cố gắng duy trì nguồn hàng để thành viên có việc làm, thu nhập. Bà Phạm Thị Thịnh, thành viên HTX cho biết: Từ sản xuất nhỏ, chúng tôi đã tập trung thành lập HTX. Đây là bước ngoặt lớn để chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm. Với hình thức sản xuất không tập trung, phụ nữ không có đủ điều kiện, không thể làm việc trong các công ty thì vừa có thể làm công việc gia đình vừa làm cầu lông, có thêm thu nhập trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

5 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã hỗ trợ thành lập 10 HTX và 30 tổ hợp tác với lĩnh vực hoạt động đa dạng gồm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Các cấp hội cũng giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, các HTX, tổ hợp tác tới cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân. Cùng với đó là triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của hội viên về mô hình KTTT và các giải pháp phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển KTTT. Các cấp hội phụ nữ đã gắn việc phát triển các mô hình KTTT với việc thực hiện nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”, biểu dương các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi...

Theo các thành viên tham gia các mô hình KTTT thì hoạt động của các mô hình đã tạo sự đoàn kết, gắn bó với nhau, phát huy vai trò của các cấp hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống hội viên, phụ nữ; giúp phụ nữ có điều kiện liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tương trợ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm. Tuy nhiên, các mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các mô hình KTTT về sản xuất nông nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đối mặt với tình trạng “được mùa rớt giá”.

Với hình thức sản xuất không tập trung, Hợp tác xã Sản xuất cầu lông xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) vẫn duy trì hoạt động, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chị Vũ Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hòa cho biết: Hiện xã có 2 mô hình KTTT của phụ nữ: HTX Sản xuất cầu lông và Tổ hợp tác đan làn. Cùng với các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp khác thì mô hình KTTT cần nguồn vốn đầu tư lớn. Để hoạt động hiệu quả, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của hội cấp trên, các sở, ngành trong việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn, đào tạo cán bộ quản lý. 

Chị Bùi Thị Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác kèn đồng Hương Lúa cho biết: Trước những khó khăn, nhất là kinh doanh theo hình thức dịch vụ đáp ứng các ngày lễ, việc hiếu, việc hỷ của khách hàng, Tổ hợp tác đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm của các thành viên. Dù vậy, Tổ hợp tác nói riêng và các mô hình KTTT nói chung rất cần các cấp hội quan tâm hơn nữa, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kiến thức về quản trị kinh doanh và tiếp thị quảng cáo để chúng tôi có điều kiện được các đối tác trong và ngoài tỉnh biết đến.

Được sự tiếp sức của các cấp hội phụ nữ, các mô hình KTTT tiếp tục giúp chị em hình thành tư duy phát triển kinh tế mở, năng động, sáng tạo hơn trong quá trình vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.

Xuân Phương