Thứ 6, 29/11/2024, 22:48[GMT+7]

Thành phố Thái Bình: Hướng tới đô thị loại I

Thứ 2, 05/07/2021 | 08:36:27
5,631 lượt xem
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thái Bình lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, xứng đáng với niềm tin của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Thành phố Thái Bình.

Để mục tiêu sớm được hiện thực hóa, trong những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, không chỉ nâng cao năng lực giao thông của thành phố mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, mở rộng không gian đô thị, là niềm tự hào của người dân thành phố như đường vành đai phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp, đường Kỳ Đồng, đường Lê Quý Đôn, cầu vượt sông Trà Lý... Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố ước đạt gần 2.350 tỷ đồng cho 215 danh mục công trình, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 170 công trình, từng bước giúp thành phố tháo được nút thắt về giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng với việc xây dựng các khu đô thị (KĐT) hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Sự hiện diện của các KĐT như Petro Thăng Long, Dragon City, Kiến Giang, Hoàng Văn Thái, KĐT mới xã Vũ Phúc, xã Vũ Đông không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo lập những không gian sống tốt hơn.

Phố Lê Lợi (thành phố Thái Bình).

Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc dự án, Công ty Cổ phần BIDGROUP cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố, phường Lê Hồng Phong, chúng tôi đã nhận bàn giao mặt bằng tại dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình. Nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm về chất lượng xây dựng, tính thẩm mỹ của công trình với những tiện ích đồng bộ bên trong và xung quanh dự án như khuôn viên cây xanh, trường mầm non, siêu thị, qua đó góp phần chỉnh trang diện mạo, hiện đại hóa đô thị, tạo điểm nhấn về mỹ quan đô thị của thành phố, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cùng với đó, hạ tầng văn hóa - xã hội cũng được thành phố chú trọng đầu tư tương xứng với những điểm nhấn như Quảng trường Thái Bình, Đền thờ Bác Hồ, Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ, thương mại như công viên nước, công viên Lê Quý Đôn... là những minh chứng cho sự phát triển năng động của một thành phố hiện đại. Việc chỉnh trang làm đẹp đô thị cũng được quan tâm bằng việc đầu tư khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, góp phần làm cho bức tranh đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh, hiện đại. Đến nay, toàn bộ các tuyến đường phố chính, các công viên và khu vực công cộng trên địa bàn thành phố được đầu tư trồng cây xanh, thảm cỏ. Thành phố đã trồng mới 6.200 cây xanh, diện tích đất quy hoạch cây xanh tăng trên 114ha, đạt bình quân 9,41m2/người, tăng 0,7m2 so với năm 2015. Công viên cây xanh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng như công viên Lê Quý Đôn, 30/6, công viên sinh thái Hoàng Diệu...

Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình làm đẹp cảnh quan thành phố.

Đồng chí Hoàng Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: Để sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành kế hoạch thực hiện quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết hai bên sông Trà Lý. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các KĐT hiện hữu để phát triển đô thị về cả hai phía Đông và Tây theo hướng hiện đại và bền vững. Rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực phát triển đô thị tại các xã gắn với quy hoạch xác định các khu vực ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm đồng bộ với quy hoạch chung, làm cơ sở để đầu tư phát triển bền vững. Quy hoạch các công trình, biểu tượng văn hóa ngoài trời, công viên, cây xanh đã tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan văn minh, hiện đại tại khu vực nội thành và các khu vực cửa ngõ thành phố; quy hoạch hệ thống các công trình như trụ sở các cơ quan, đơn vị, các công trình y tế, giáo dục, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ. Triển khai đầu tư xây dựng, kết nối các tuyến đường giao thông, một số công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trọng điểm như kéo dài đường Lê Quý Đôn về phía Tây Bắc, kéo dài đường Lê Lợi, điều chỉnh quy hoạch đường vành đai phía Nam từ nút giao xã Vũ Đông kết nối với tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn, công viên sinh thái Hoàng Diệu, công viên Kỳ Bá, công viên 30/6, hồ Ty Diệu; các nút thắt giao thông tại các tuyến đường Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Chu Văn An, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng đô thị thông minh.

Minh Nguyệt