Thứ 7, 04/05/2024, 12:03[GMT+7]

Hiệu quả mô hình "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng"

Thứ 5, 27/12/2012 | 16:23:24
1,600 lượt xem
Mô hình "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng" được Chi cục Dân số-KHHGĐ chỉ đạo triển khai thực hiện từ tháng 8/2011 tại 9 xã của 4 huyện: Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thành phố. Năm 2012, mô hình được mở rộng triển khai ở 8 xã của Kiến Xương, Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng. Qua hơn một năm hoạt động, với sự hưởng ứng tích cực của người cao tuổi tại địa phương, mô hình đã mang lại một số kết quả bước đầu.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng khám, tư vấn sức khỏe cho đối tượng chính sách xã Đông Xá.

Ông Phạm Văn Cống, chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phong Châu (Đông Hưng) cho biết: xã Phong Châu có gần 1.000 hội viên hội người cao tuổi. Ngay sau khi có sự triển khai của Chi cục Dân số-KHHGĐ, sự hướng dẫn trực tiếp từ Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, Phong Châu đã nhanh chóng triển khai mô hình "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng" thông qua việc thành lập câu lạc bộ "Người cao tuổi giúp người cao tuổi". Câu lạc bộ này đã vận động được 190 hội viên người cao tuổi tại địa phương tham gia, ban chủ nhiệm câu lạc bộ cũng được thành lập với 5 thành viên nòng cốt. Chi cục Dân số-KHHGĐ, Trung tâm Dân số-KHHGĐ, Phòng Y tế, Trung tâm y tế huyện cũng tổ chức tập huấn kiến thức chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi cho ban chủ nhiệm; trang bị một số trang thiết bị cho câu lạc bộ như máy mát sa, đèn hồng ngoại, máy đo huyết áp; tổ chức truyền thông, tư vấn cho hội viên câu lạc bộ về chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi...

Ngay sau khi ra mắt, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương đã được triển khai tích cực. Lấy 5 thành viên ban chủ nhiệm làm nòng cốt để tư vấn cho thành viên câu lạc bộ, trên cơ sở đó 190 thành viên câu lạc bộ lại làm nòng cốt để tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương. Không chỉ cùng nhau tập luyện, trao đổi các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, với trang thiết bị hiện có, các thành viên Ban chủ nhiệm còn trực tiếp đến nhà nhiều hội viên thăm khám, tư vấn và hướng dẫn hội viên tập luyện chăm sóc sức khoẻ. Vì vậy, tinh thần, sức khoẻ của không ít hội viên được cải thiện tích cực.

Cũng như Phong Châu, Thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) triển khai mô hình năm 2011. Vận động được 284 hội viên tham gia câu lạc bộ "Người cao tuổi giúp người cao tuổi", ngay sau khi thành lập và ra mắt vào cuối năm 2011, câu lạc bộ của Thị trấn đã xây dựng mục tiêu, phương hướng hoạt động hết sức cụ thể. Tập trung vào các hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, từ đầu năm đến nay, câu lạc bộ đã tổ chức 4 cuộc truyền thông, tư vấn, khám sức khoẻ cho hội viên và người cao tuổi tại địa phương, mỗi cuộc có từ 250 - 330 người tham gia. Từ các cuộc khám, tư vấn, nhiều người cao tuổi đã được phát hiện bệnh, được phát thuốc và được giới thiệu chuyển tuyến điều trị bệnh.

Khác với xã Phong Châu và Thị trấn Hưng Nhân, xã Đông Giang (Đông Hưng) là xã mới triển khai mô hình năm 2012. Ông Hòa Sĩ Nho, chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã cho biết với 657 hội viên Hội người cao tuổi trong xã, đã có 96 hội viên đăng ký tham gia là thành viên câu lạc bộ "Người cao tuổi giúp người cao tuổi". Mặc dù mới đi vào hoạt động song với các hoạt động chăm sóc sức khỏe rất bổ ích nên các hội viên rất phấn khởi và tích cực tham gia câu lạc bộ.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số-KHHGĐ, tại 17 xã triển khai mô hình đã thu hút hàng nghìn người cao tuổi tại các địa phương tham gia. 100% câu lạc bộ được Chi cục Dân số-KHHGĐ đầu tư trang bị các thiết bị chăm sóc sức khỏe như máy đo huyết áp, đèn hồng ngoại, máy mát sa; 100% thành viên ban chủ nhiệm được tập huấn kiến thức về kỹ năng truyền thông, tư vấn tại cộng đồng, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách sử dụng máy mát sa, đèn hồng ngoại... Đây chính là nòng cốt để hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho hội viên các câu lạc bộ được tổ chức triển khai sâu rộng và đi vào nề nếp. Riêng trong đợt tư vấn, khám sức khoẻ cho hội viên câu lạc bộ của 9 xã thực hiện mô hình năm 2011, đã có 1.412 cụ được khám và cấp thuốc, phát hiện 586 cụ mắc bệnh tim mạch, hơn 300 cụ mắc bệnh về hô hấp. Cùng với đó, với những kiến thức được truyền đạt, các hội viên câu lạc bộ còn không ngừng phổ biến, trao đổi cho người cao tuổi tại địa phương tạo nên phong trào chăm sóc sức khoẻ đặc biệt.

Qua khảo sát của Chi cục Dân số-KHHGĐ tiến hành tại 17 xã triển khai mô hình, kết quả khảo sát cho biết: tại 17 xã có 17.872 người cao tuổi đang sinh sống (chiếm 14,5% dân số), trong đó có 10,5% các cụ đang sống cô đơn, 100% người cao tuổi có mong muốn được thường xuyên tư vấn về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phòng các bệnh người cao tuổi thường mắc phải và được đi khám sức khỏe định kỳ. Bởi vậy việc triển khai mô hình "Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng" đang tạo nên phong trào chăm sóc sức khoẻ rộng rãi cho người cao tuổi tại các địa phương. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chăm sóc và phát  huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình, cộng đồng và xã hội, là cơ hội để  nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở nông thôn hiện nay.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày