Thứ 6, 22/11/2024, 11:45[GMT+7]

Đa dạng hình thức tuyên truyền thực hiện Đề án 343

Thứ 6, 28/12/2012 | 16:36:07
2,007 lượt xem
Sau 3 năm triển khai Đề án 343, các ngành, các đơn vị đã có nhiều sáng tạo trong thực hiện, nhất là hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền.

Đồng chí Trần Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chủ trì đầu cầu Thái Bình sơ kết trực tuyến 3 năm thực hiện Đề án 343

Theo hướng dẫn của Ban điều hành thì trong năm 2010, các tỉnh phải thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” giai đoạn 2010 - 2015 (gọi tắt là Đề án 343). Tỉnh ta đến 25/8/2011 mới thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh, tháng 10/2011 mới tổ chức hội nghị triển khai, nhưng Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh và các ngành liên quan đã khẩn trương đa dạng hóa hình thức tuyên truyền thực hiện Đề án, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy, xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới.

Nếu ở thời kỳ phong kiến, phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam là “tam tòng, tứ đức”, thì thời nay là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Bốn phẩm chất, đạo đức này giúp người phụ nữ đảm đương tốt vai trò chủ đạo trong gia đình, trách nhiệm với xã hội… Chính vì thế, Hội phụ nữ các cấp, các ngành mấy năm qua đã tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai nội dung của Đề án, đặc biệt chú trọng 4 phẩm chất, đạo đức tốt đẹp trên. Hội LHPN tỉnh - cơ quan Thường trực của BCĐ cấp tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án xuống các cơ sở hội trong toàn tỉnh; biên soạn và phát hành 400 đĩa CD tuyên truyền về 4 phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời nay cho các cơ sở hội và các đơn vị trực thuộc, công ty có đông lao động  nữ.

Nhiều đơn vị nhận thức được tầm quan trọng của Đề án, hiệu quả của hình thức tuyên truyền này nên đã nhân bản đĩa CD, như: Hội phụ nữ Công an tỉnh, Ban nữ công LĐLĐ tỉnh. Chỉ đạo 8 huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc hưởng ứng cuộc thi viết về: những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động; toàn tỉnh có 235 bài dự thi. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền trên Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và truyền hình, đài truyền thanh cơ sở. Các huyện, thành Hội tập huấn cho gần 1500 cán bộ hội và hội viên nòng cốt. Các cấp Hội còn tích cực vận động chị em phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện theo 4 phẩm chất, đạo đức. Toàn tỉnh đã tổ chức 374 lớp chuyên đề về phẩm chất người phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước, thu hút 76.180 lượt chị em. 100% chi, tổ phụ nữ tổ chức học tập, thảo luận về 4 phẩm chất, đạo đức.

Muốn thực hiện Đề án có kết quả thì phải làm có trọng tâm, trọng điểm, tuyệt đối không được làm dàn trải, không bài bản. Vì thế, Hội LHPN tỉnh đã chọn 3 đơn vị làm điểm để sơ kết, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng là Hội Phụ nữ xã Minh Khai (Hưng Hà), phường Phú Khánh (T.p Thái Bình) và công ty CP may xuất khẩu Việt Hồng.  Tại các đơn vị làm điểm, tiến hành khảo sát nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo công ty, công đoàn, cán bộ, hội viên, nữ công nhân về phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ; tập huấn cho Ban chấp hành Hội phụ nữ, ban nữ công; mở lớp chuyên đề về phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, hội viên, nữ công nhân… 8 huyện, thành phố cũng chọn các đơn vị chỉ đạo điểm, rồi nhân ra diện rộng. 

Sở Thông tin và Truyền thông (chủ trì tiểu đề án 3) đã xây dựng kế hoạch, phân công các phòng, ban viết tin, bài tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chủ trì tiểu đề án 4) tuyên truyền qua các hoạt động: tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, diễn đàn, hội thảo, viết bài đăng nêu cao vai trò của người phụ nữ trên Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, tổ chức sáng tác kịch bản thông tin về đề tài phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, mở 16 lớp truyền thông về đạo đức, lối sống của gia đình hiện đại… Sở Giáo dục và Đào tạo (chủ trì tiểu đề án 2) tập huấn, triển khai Đề án cho hơn 600 đại biểu công đoàn ngành, các phòng giáo dục và đào tạo 8 huyện, thành phố, các trường học và học sinh khối 8,9 THPT. Đưa kế hoạch thực hiện Đề án vào chương trình công tác hàng năm. Các ngành, đoàn thể là thành viên của BCĐ đã lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, như: Liên đoàn lao động tỉnh tập huấn triển khai Đề án tới 200 công đoàn cơ sở, Ban nữ công LĐLĐ các cấp tổ chức nói chuyện chuyên đề về 4 phẩm chất, đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH cho nữ cán bộ công chức...

Sau 3 năm triển khai Đề án 343, các ngành, các đơn vị đã có nhiều sáng tạo trong thực hiện, nhất là hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền. Nhưng đến hết năm 2015, muốn đạt tất cả các mục tiêu Đề án đề ra thì ngoài việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động như đã làm, phải tổ chức gắn thực hiện Đề án với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; tổ chức thi tuyên truyền viên giỏi cấp tỉnh; tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm… Và quan trọng hơn cả là làm việc gì cũng phải quyết liệt và triệt để.

Thu Hiền

  • Từ khóa