Thứ 6, 29/11/2024, 22:47[GMT+7]

Nhớ vào thăm rồi đón em về

Thứ 2, 19/07/2021 | 09:35:53
1,870 lượt xem
“Mẹ tôi - cụ Bùi Thị Nhỡ trước phút lâm chung đã nắm lấy tay tôi căn dặn: Con nhớ vào Bình Định thắp hương cho em Hùng và đón em về cho mẹ nhé. Hơn 10 năm sau di nguyện của mẹ tôi đã được thực hiện” - ông Vũ Công Bính, anh trai liệt sĩ Vũ Công Hùng xúc động cho biết.

Ảnh tư liệu.

Người con ưu tú - liệt sĩ Vũ Công Hùng

Sinh năm 1951, khi chưa đủ 18 tuổi, tháng 4/1968, Vũ Công Hùng (xã Quỳnh Lương, nay là xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) giấu bố mẹ làm đơn tình nguyện để được đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, Vũ Công Hùng được biên chế về Đại đội 53, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng, vào chiến đấu ở chiến trường Quân khu 5. Chiến trường Quân khu 5 những năm 1968 vô cùng ác liệt. Tỉnh Bình Định, nơi Vũ Công Hùng và đồng đội thực chiến với quân thù trở thành một trong những địa bàn trọng điểm để quân Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ” và kế hoạch “tìm diệt”. Địch bố trí hơn 376.000 quân với nhiều đơn vị sừng sỏ: Lữ đoàn 2 kỵ binh Mỹ, 2 trung đoàn thuộc sư đoàn Mãnh Hổ, 1.760 quân Thái Lan và Úc, 2 chiến đoàn dù và lính thủy đánh bộ, 2 trung đoàn 40 và 41 thuộc sư đoàn 22 ngụy. Quân địa phương có 63 đại đội bảo an, biệt kích và cảnh sát, 218 trung đội dân vệ và thanh niên chiến đấu, 46 đoàn “bình định”. Khu vực đứng chân của đơn vị Vũ Công Hùng ở Phù Cát và Đông Bắc An Nhơn, phía Bắc tỉnh Bình Định, thường xuyên có 2 trung đoàn 40 và 41 ngụy càn dọc quốc lộ 1, lữ đoàn 2 kỵ binh Mỹ càn Đông Nam Hoài Ân và Tây Phù Mỹ, gây không ít khó khăn cho các lực lượng của ta trong việc chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968…

Từ sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Đại đội 53, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 12 của Vũ Công Hùng gặp nhiều khó khăn, quân số hao hụt, cả đại đội chỉ còn gần 40 tay súng, vũ khí trang bị thiếu, phân đội chỉ còn 50% cơ số đạn, lương thực, thực phẩm phải lo tìm kiếm hàng ngày, thậm chí từng bữa. Thực hiện phương châm chỉ đạo của cấp trên chia nhỏ bám địa bàn, bám dân, dựa vào dân mà chiến đấu, không rời dân lên núi, cùng các đơn vị trong trung đoàn tổ chức lực lượng đánh quân Nam Hàn và các trận đánh chặn cắt đường 19. Các tổ nhóm về cùng dân, ngày nằm hầm bí mật, đêm bật dậy tiêu diệt ngụy quân, ngụy quyền. Trong một lần về xã Cát Hiệp bám dân, tổ chiến đấu của Vũ Công Hùng chạm trán quân Nam Hàn. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, Vũ Công Hùng chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều tên địch và anh dũng hy sinh ngày 4/9/1970 tại Tùng Khánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Tìm em và đón em về

Mẹ Bùi Thị Nhỡ qua đời đã hơn 10 năm, lời căn dặn của mẹ được ông Vũ Công Bính tạc lòng. Di nguyện của mẹ Nhỡ được ông Bính truyền đạt cho con cháu trong gia đình, nếu có dịp vào miền Nam công tác thì tìm đến các nghĩa trang để tìm mộ và thắp hương cho liệt sĩ Vũ Công Hùng.

Anh Vũ Công Minh, cháu ruột liệt sĩ Vũ Công Hùng kể lại: Theo chỉ dẫn của đồng đội liệt sĩ Vũ Công Hùng, 7 năm trước tôi có dịp vào Bình Định và tìm về dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ Cát Hiệp nhưng không thể tìm được phần mộ liệt sĩ Vũ Công Hùng vì nghĩa trang rộng mênh mông với trên 2.000 phần mộ liệt sĩ. Lần ấy tôi phải thành tâm thắp tâm nhang trên đài liệt sĩ chung rồi trở về.

Đầu tháng 6/2021, ông Vũ Công Bính chuyển thông tin giấy báo tử của người em trai là liệt sĩ Vũ Công Hùng tới Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình và ông Bùi Văn Tý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh nhờ tư vấn hỗ trợ. Chưa đầy 10 ngày sau, mọi thông tin về phần mộ liệt sĩ Vũ Công Hùng đã được xác minh cụ thể. Cơ quan chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình có trích lục liệt sĩ gửi về gia đình. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đính chính thông tin liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ Vũ Công Hùng, sinh năm 1951, quê quán Quỳnh Lương, Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 4/1968, đơn vị C53, D5, E12, F3, QK5. Cấp bậc: Binh nhất. Hy sinh ngày 4/9/1970. Nơi hy sinh: Tùng Chánh, Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cha đẻ: Vũ Công Hỗ, mẹ đẻ Bùi Thị Nhỡ. Liệt sĩ Vũ Công Hùng đang yên nghỉ tại phần mộ số 7, lô B, hàng số 9, nghĩa trang liệt sĩ liên xã Cát Lâm, Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Với sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và cán bộ quản trang, sáng ngày 10/6/2021, ông Vũ Công Bính và người thân trong gia đình đã có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ liên xã Cát Lâm, Cát Hiệp làm lễ dâng hương trên 2.000 phần mộ anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nơi này và thắp hương trên phần mộ liệt sĩ Vũ Công Hùng.

Trong lễ dâng hương trang trọng và xúc động, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch HĐND xã Cát Hiệp cho biết thêm: Phần mộ liệt sĩ Vũ Công Hùng cùng 24 phần mộ liền kề đều là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại quê hương Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Người cất bốc 25 hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang Cát Hiệp chính là bố đẻ của ông Nguyễn Văn Tâm. Trong  25 phần mộ liệt sĩ của Trung đoàn 12 chỉ có 4 phần mộ có tên, còn lại chưa rõ tên. Ông Vũ Công Bính thắp ba nén nhang trên phần mộ người em trai Vũ Công Hùng, xúc động nói với người dưới mộ: “Em ơi, anh đã đến nơi em yên nghỉ và thực hiện di nguyện của mẹ trước lúc lâm chung nhớ vào Bình Định thắp hương cho em Hùng và đón em về cho mẹ”.

Sau hơn nửa thế kỷ nằm lại mảnh đất miền Trung cùng đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ liên xã Cát Lâm, Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, liệt sĩ Vũ Công Hùng, người con ưu tú của quê hương Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ sẽ được trở về quê hương theo tâm nguyện của mẹ Nhỡ và của gia đình.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa