Thứ 6, 29/11/2024, 20:43[GMT+7]

Chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin

Thứ 2, 19/07/2021 | 14:41:15
1,428 lượt xem
5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư thăm, tặng quà gia đình ông Trần Văn Hùng, tổ dân phố Minh Hòa, thị trấn Vũ Thư.

Bà Trần Thị Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư cho biết: Kết thúc các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Vũ Thư có gần 2.000 người mang trong mình di chứng của chất độc hóa học; đến nay toàn huyện còn 1.654 nạn nhân (1.348 nạn nhân trực tiếp, 306 nạn nhân gián tiếp), nhiều gia đình ảnh hưởng của chất độc hóa học sang đến đời thứ 3, thứ 4. Cuộc sống của hầu hết các gia đình có người nhiễm chất độc da cam rất khó khăn, nạn nhân thường xuyên yếu đau, bệnh tật. Chia sẻ khó khăn với các gia đình, những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân thông qua những việc làm thiết thực hướng về nạn nhân chất độc da cam. 

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2020, Hội đã tiếp nhận 100 xe lăn, trên 10.000 suất quà trao cho các gia đình nhân dịp lễ, tết; phối hợp với các cơ quan, đơn vị y tế tổ chức khám sàng lọc ung thư cho 150 lượt nạn nhân, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 300 nạn nhân, hỗ trợ tẩy độc cho 50 nạn nhân, thực hiện phục hồi chức năng cho 105 nạn nhân, hỗ trợ chăm sóc tại nhà cho 150 nạn nhân nặng; xây 2 căn nhà tình nghĩa, tặng học bổng và xe đạp cho con, cháu nạn nhân đạt kết quả cao trong học tập; tổ chức trao tặng hàng nghìn bộ chăn màn, áo ấm cho các gia đình... Tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền vận động trong 5 năm được gần 5 tỷ đồng. Hội cũng thường xuyên động viên các nạn nhân khắc phục khó khăn vươn lên, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Từ các hoạt động thiết thực của Hội đã giúp nạn nhân chất độc da cam và gia đình vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Đến thăm gia đình ông Trần Văn Hùng, tổ dân phố Minh Hòa, thị trấn Vũ Thư vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh người con trai duy nhất của ông năm nay hơn 40 tuổi nhưng ngây dại. Ông Hùng cho biết, ngay từ khi sinh ra, do ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố nên cháu chẳng biết nói, tai cũng không nghe thấy, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người khác. Khó khăn, vất vả trong việc chăm sóc nhưng gia đình luôn nhận được sự quan tâm, động viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện, thị trấn. Vào dịp lễ, tết, ngày vì nạn nhân chất độc da cam..., các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà. Đây là nguồn động viên rất lớn để gia đình chăm sóc con tốt hơn.

Bên cạnh việc chăm lo cho các nạn nhân, việc phối hợp giải quyết chế độ, chính sách cũng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư tổ chức thường xuyên và kịp thời. Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 44 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có việc dừng trợ cấp cho các trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực tuyên truyền, giải thích, động viên, hướng dẫn kịp thời để các trường hợp dừng hưởng trợ cấp hiểu và chấp hành quy định của nhà nước. Nhờ đó, trên địa bàn huyện không xảy ra khiếu kiện đông người, an ninh trật tự được giữ vững.

Với phương châm “Hướng hoạt động về cơ sở, hướng tới nạn nhân chất độc da cam”, thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư tiếp tục xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thường xuyên đổi mới các hoạt động, trong đó tập trung hướng các hoạt động tới nạn nhân và gia đình nạn nhân; tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để chăm sóc nạn nhân chất độc da cam ngày một tốt hơn.

Nguyễn Cường