Thứ 2, 06/05/2024, 05:38[GMT+7]

Bệnh viện Nhi Thái Bình Trưởng thành tuổi lên 5

Chủ nhật, 30/12/2012 | 18:42:57
859 lượt xem
“Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, nhưng nếu hôm nay, chưa làm tốt thì cái ngày mai ấy cũng không có nhiều ý nghĩa. 5 năm của “ngày hôm nay” đã tạo vị thế cho Bệnh viện Nhi trưởng thành nhanh chóng, có được hình ảnh đẹp trong lòng dân.

Bệnh viện Nhi triển khai kỹ thuật mới Đặt Catheter động mạch quay.

Cái nắng giữa mùa đông, báo hiệu đợt rét lạnh sắp về. Tờ lịch cuối cùng của năm 2012 đã hết, trước thềm năm mới 2013, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình – Nguyễn Thị Minh Chính, có dịp ngồi  lại để hồi tưởng 5 năm –  chặng đường cực kỳ khó khăn, gian khó để đưa một đơn vị từ Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trở thành một Bệnh viện Nhi hạng II như hôm nay. 5 năm quả là thời gian chưa dài. Vết bụi thời gian chưa xóa hết trong tâm trí người nữ giám đốc những kỷ niệm vui buồn, gian nan, vất vả.

 

- Khó khăn lắm anh ạ! Mở đầu câu chuyện với tôi, giám đốc Chính bắt đầu từ một cụm từ như thế, không phải là chị kêu khó, kêu khổ… mà chỉ nhằm giúp tôi hình dung được cái “vạn sự khởi đầu nan ấy” để sẻ chia, cảm thông và vui với niềm vui trước những đổi thay của hiện tại.

 

- Khi tách ra từ Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh khoảng thời gian dành cho sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, về đội ngũ và cả về tâm lý không có nhiều. Như một “đứa con” ra ở riêng mà chưa có đủ các điều kiện cần thiết. Rất nhiều cán bộ trong ngành lo lắng cho một mô hình mới, một đứa con vừa chào đời, còn non nớt, thơ dại… đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một Bệnh viện Nhi “gánh” đủ nhiệm vụ của một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trong khi nền tảng, điểm xuất phát chỉ là từ Khoa Nhi. Trước đây, các hoạt động của Khoa Nhi chịu sự quản lý của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khi hội chẩn thì có các Khoa tham gia, nay phải độc lập tác chiến. Làm đủ các chức năng của một bệnh viện, không ai làm thay mình. Điều kiện bảo đảm quá nhiều thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ, nhân viên có 65 người; 15 bác sĩ chia đều cho Khoa, phòng thì đội ngũ ấy là quá mỏng. Đã thiếu, lại yếu, không đáp ứng cơ cấu. Có người được điều động sang Bệnh viện Nhi đã khóc, không yên tâm làm việc. Đó là xuất phát từ lòng tin chưa đủ, nên không níu kéo được. Âu cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống. Cơ sở vật chất là ba khối nhà được bệnh viện giao cho sử dụng trong khi chờ xây dựng bệnh viện mới.

 

Năm 2008, chỉ tiêu giao theo kế hoạch, là 125 giường bệnh, 8 khoa phòng. Làm gì để hoàn thành nhiệm vụ được giao và xây dựng được vị thế của một Bệnh viện Nhi trong lòng nhân dân? Giám đốc Nguyễn Thị Minh Chính nhớ lại điểm “đột phá” lúc đó là: Vừa đào tạo nâng cao trình độ, vừa làm chuyên môn. Không có sức mạnh nào bằng đoàn kết, đồng lòng và không được nản lòng. Khâu đầu tiên là “ổn định tư tưởng” của cán bộ nhân viên. Về đơn vị mới không có thưởng, 65 con người của thủa “Khai sơn, phá thạch” ấy đã gồng mình trước khó khăn, thử thách. Bệnh viện tạo điều kiện cho anh em đi đào tạo, học xa, học tại chỗ, cầm tay, chỉ việc… miễn làm sao đảm đương được công việc, tránh để xảy ra sai sót. Nút gỡ thứ hai là phải nhanh chóng cải tạo, nâng cấp, sửa sang cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, phương tiện để đảm bảo hoạt động chuyên môn. Động viên cán bộ, nhân viên làm hết việc; “Thắt lưng, buộc bụng” tiết kiệm từng đồng chi tiêu, từng tờ giấy để bảo đảm tối thiểu các chế độ theo quy định của Nhà nước. Động viên các đoàn thể chính trị làm tốt công tác tư tưởng để anh chị em bó bện với nhiệm vụ chuyên môn.

 

Ngoài nội lực của mình, bệnh viên luôn nhận được sự giúp đỡ của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Đại học Y và Trường Cao đẳng Y Thái Bình trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các y, bác sĩ. Qua một năm tình hình có cải thiện, bắt đầu có lương, có thưởng, tuy còn rất khiêm tốn. Lúc đó, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình như một người mẹ giàu tình thương với con cái, nhưng lại không dư giả về kinh tế. Bằng khả năng của mình, Bệnh viện đã hỗ trợ giường bệnh, chăn, màn, chiếu cho phục vụ bệnh nhân lên tới nhiều trăm triệu đồng. Tỉnh cấp kinh phí 500 triệu đồng để sửa chữa nhà của Khoa Thần kinh cũ làm nơi làm việc của Bệnh viện. Chưa bao giờ cái chân lý “một miếng khi đói” lại thấm thía đến như vậy trong buổi đầu thành lập bệnh viện.

 

Đến nay, sau 5 năm ra đời, tuy cơ sở hạ tầng không có gì thay đổi, con đường ấy đang nằm ở phía trước. Nhưng, vóc dáng hình hài một Bệnh viện Nhi đã cơ bản hoàn thiện với 5 phòng chức năng và 10 khoa chuyên môn. Hoàn chỉnh về tổ chức và trưởng thành trong chuyên môn, với một đội ngũ cán bộ, nhân viên tương đối yên lòng. Họ lớn lên trong gian khó, trải nghiệm những gian nan, vất vả và trụ vững trong điều kiện chỉ có nhiệt huyết, sự cống hiến và tấm lòng y đức. Bây giờ Bệnh viện đã có 196 cán bộ, nhân viên. Trong đó, 45 bác sĩ (1 chuyên khoa II, 1 thạc sĩ, 10 chuyên khoa I), 103 điều dưỡng viên (2 cử nhân), kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, 14 dược sĩ (2 đại học) và 34 cán bộ chuyên môn khác.

 

Năm 2011, Bệnh viện Nhi được xếp hạng bệnh viện hạng II. Điều đó chứng minh cho chất lượng nguồn lực đã được nâng cao và sự phát triển khoa học kỹ thuật của bệnh viện, đủ sức đảm đương chỉ tiêu 200 giường bệnh/năm. Còn về chất lượng và số lượng thì hàng năm bệnh viện khám bệnh cho trên 50.000 trẻ em trong tỉnh; điều trị nội trú cho gần 16.000 trẻ, thực hiện 70.000 xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh; 40.000 lượt chụp X-quang, siêu âm, nội soi. Số ngày điều trị nội trú trung bình giảm dần qua các năm: 2008 là 8 ngày; năm 2012 giảm còn 6,95 ngày; nhiều ca bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao đã được cứu sống. Trung bình mỗi năm có 10 – 20 kỹ thuật mới được thực hiện tại bệnh viện. Nói điều này để có sự liên tưởng đến những ngày đầu thành lập chưa triển khai được các hoạt động cận lâm sàng, nay cơ bản các xét nghiệm, thăm dò chức năng đã đáp ứng cho việc chuẩn đoán, theo dõi và tiên lượng, điều trị bệnh.

 

Là nơi đầu sóng, ngọn gió tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ tuyến trước chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, hiểm nghèo như: Nhiễm trùng huyết, viêm não, màng não, ngộ độc cấp, trẻ sơ sinh thấp cân… Cũng là khoa triển khai áp dụng được nhiều kỹ thuật cao vào công tác cấp cứu, thở máy, nội soi phế quản, sốc điện, đặt catheter đo huyết áp động mạch can thiệp, catheter tĩnh mạch rốn, tĩnh mạch trung tâm, thay máu bán phần… Khoa Sơ sinh được tách từ Khoa Cấp cứu - sơ sinh từ giữa năm 2012 đã sớm đi vào hoạt động ổn định và khẳng định được mình. Khoa Hô hấp; Khoa Thận – tiết niệu, thần kinh; Khoa khám bệnh; tiêu hóa, truyền nhiễm, xét nghiệm – chẩn đoán hình ảnh, dược; Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn… đều làm tròn chức năng của mình, góp phần vào sự trưởng thành của Bệnh viện Nhi. Cho dù “sinh sau, đẻ muộn”, công tác nghiên cứu khoa học được đặc biệt quan tâm; chỉ tính trong 4 năm, bệnh viện đã có nhiều nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến phục vụ công tác chuyên môn.

 

Hai năm 2011 - 2012, Bệnh viện đều tham gia đề tài cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp cơ sở. Năm 2009, Bệnh viện đạt đơn vị xuất sắc. Năm 2010 - 2011 là bệnh viện xuất sắc toàn diện xếp nhì, nhất khối khám, chữa bệnh tuyến tỉnh. Năm 2012, Bệnh viện đạt được xếp loại tốt, được đề nghị Bộ Y tế tặng Bằng khen, được Hội đồng thi đua đề nghị UBND tỉnh công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”; Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, các đoàn thể quần chúng đều là đơn vị mạnh.

 

“Ngày mai” Bệnh viện Nhi sẽ có một cơ ngơi mới, với 9 tầng làm việc. Nhưng “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”. Nếu hôm nay, chưa làm tốt thì cái ngày mai ấy cũng không có nhiều ý nghĩa. 5 năm của “ngày hôm nay” đã tạo vị thế cho Bệnh viện Nhi trưởng thành nhanh chóng, có được hình ảnh đẹp trong lòng dân. Đó chính là điều chúng tôi suy ngẫm về sự trưởng thành của tuổi lên 5.

Phạm Viết Thanh

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày