Thứ 6, 22/11/2024, 21:42[GMT+7]

Chăm lo đời sống người khiếm thị

Thứ 5, 29/07/2021 | 08:25:11
1,215 lượt xem
Hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, tặng quà hội viên là những việc làm thiết thực được Hội Người mù tỉnh triển khai trong những năm qua. Qua đó giúp người khiếm thị có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống.

Cơ sở tẩm quất của anh Nguyễn Tiến Phương, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) tạo việc làm cho nhiều lao động là người khiếm thị.

Bị khiếm thị cả 2 mắt nên cuộc sống của anh Bùi Duy Hà, xã Đông La (Đông Hưng) trở nên khó khăn khi không tìm được công việc phù hợp. Năm 2016, anh được học và làm nghề tẩm quất tại cơ sở tẩm quất của Hội Người mù tỉnh. Sau một thời gian vừa học vừa làm tích lũy kinh nghiệm, đầu năm 2021, anh mạnh dạn vay mượn họ hàng, anh em, bạn bè để mở cơ sở dịch vụ tẩm quất cho riêng mình, đồng thời tạo việc làm cho 2 hội viên khác với thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng. Anh Hà cho biết: Nghề tẩm quất rất phù hợp đối với những người khiếm thị, mang lại thu nhập ổn định, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cảm thấy tự tin hơn vào bản thân.

Hội Người mù tỉnh hiện có 2.338 hội viên với 49 cơ sở dịch vụ tẩm quất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động. Có thể nói, đối với phần lớn người khiếm thị, tẩm quất thực sự trở thành nghề chính, làm thay đổi cuộc sống của họ. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các cơ sở dịch vụ tẩm quất tại các huyện, thành hội đạt trên 1,4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 51 hội viên với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến cuộc sống của người khiếm thị gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ dịch vụ tẩm quất giảm sút. Thấu hiểu điều đó, Hội Người mù tỉnh đã hỗ trợ 60 hội viên thuộc 9 cơ sở do Hội quản lý, mỗi hội viên được hỗ trợ từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng. Anh Bùi Văn Công, hội viên Hội Người mù huyện Đông Hưng cho biết: Được Hội Người mù tỉnh quan tâm, hỗ trợ tôi cảm thấy rất vui, khó khăn cũng vơi bớt phần nào.

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khiếm thị là một trong những hình thức hỗ trợ hiệu quả được Hội Người mù tỉnh triển khai thời gian qua. Bên cạnh đó, Hội còn giúp hội viên vay vốn từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Nhiều năm qua, nguồn vốn vay từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã giúp nhiều hội viên Hội Người mù tỉnh đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tăng thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo như: anh Trần Thăng Mẫn, xã Điệp Nông (Hưng Hà), anh Phan Văn Bẳn, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình)... 6 tháng đầu năm 2021 có 15 hội viên Hội Người mù tỉnh được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền trên 350 triệu đồng. Sau vay vốn, 100% người khiếm thị hoàn trả gốc và lãi đúng hạn, không có trường hợp nợ đọng, nợ xấu.

Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh cũng tạo việc làm thường xuyên cho 16 hội viên với mức lương trung bình đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2021, Hội Người mù tỉnh mở lớp đào tạo công nghệ thông tin cho người khiếm thị. Sau khi được đào tạo, hầu hết học viên đều sử dụng thành thạo máy vi tính, nắm vững các kiến thức cơ bản về tin học. Cùng với tạo việc làm ổn định cho hội viên, Hội Người mù tỉnh duy trì hiệu quả lớp học hòa nhập cho các em học sinh khiếm thị, thường xuyên rà soát danh sách hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vận động quyên góp, sửa chữa xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, để chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, vào các dịp lễ, tết, Hội Người mù tỉnh phối hợp với các tổ chức thiện nguyện tổ chức các chương trình trao tặng quà, kịp thời động viên hội viên với những món quà ý nghĩa. Dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cấp hội đã vận động được trên 1,2 tỷ đồng để tặng 5.764 suất quà cho hội viên. Không những thế, tại các cấp hội, phong trào văn hóa văn nghệ cũng được duy trì, phát triển. Từ đây, nhiều tài năng đã được phát hiện, đưa đi đào tạo và đạt được những thành công trên con đường nghệ thuật. Đây cũng là môi trường và sân chơi bổ ích giúp gắn kết cộng đồng người khiếm thị, giúp họ tự tin phát triển bản thân và các kỹ năng trong cuộc sống.

Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để chăm lo đời sống cho người khiếm thị, trong đó chú trọng phát triển nghề tẩm quất, sản xuất tăm tre, hỗ trợ người khiếm thị vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân thường xuyên quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn nữa để người khiếm thị vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thu Hoài