Thứ 6, 22/11/2024, 11:55[GMT+7]

Một cựu chiến binh hết lòng vì đồng đội

Thứ 6, 04/01/2013 | 14:22:02
1,140 lượt xem
Gặp ông trong cuộc hội thảo: “Vai trò lãnh đạo của chi bộ Ðảng trong nhà tù” tổ chức tại Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nghe ông nói chuyện về các hoạt động của ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở huyện Vũ Thư do ông làm trưởng ban liên lạc, tôi quyết định về thăm quê ông.

Hội viên Hội CCB xem trưng bày một số hình ảnh hoạt động lao động sản xuất của các tổ chức hội. Ảnh: Thành Tâm

Ông tên là Trần Ngọc Hậu, sinh năm 1943, tại xã Tam Quang, huyện Vũ Thư. Ông Hậu nhập ngũ tháng 4/1965, nguyên là chiến sĩ của E568, còn gọi là Trung đoàn Ðồng Nai I, thuộc Quân khu miền Ðông Nam bộ. Tháng 12/1968, ông Hậu bị địch bắt cùng một số đồng chí trong đơn vị trên đường đi công tác, và bị đưa ra giam giữ ở nhà tù Phú Quốc. Trong tù, ông Hậu được tổ chức Ðảng phân công làm Bí thư chi bộ Ðảng. Ông đã cùng tổ chức Ðảng lãnh đạo anh em đấu tranh anh dũng, kiên cường với kẻ thù. Ông Hậu được địch trao trả tháng 3/1973. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ xây dựng theo kiểu truyền thống của đồng bằng Bắc bộ, trong khung cảnh hương đồng gió nội, bên chén nước chè xanh thơm mát, ông Hậu kể cho tôi nghe về những chuyến đi xa để tìm hài cốt đồng đội ở các vùng rừng Tây Ninh, Bình Long, Bình Dương... rồi những chuyến đi tìm bạn chiến đấu cũ để cùng nhau giúp đỡ bạn bè, đồng đội tìm lại giấy tờ bị thất lạc để làm chế độ.

Có những trường hợp như của ông Lê Xuân Uông, người cùng nhập ngũ với ông năm 1965, cùng bị địch bắt giam giữ ở nhà tù Phú Quốc, cùng được trao trả năm 1973. Khi ông Uông ra quân thì gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở tỉnh Hoàng Liên Sơn, hồ sơ giấy tờ của ông Uông nộp cho huyện đội huyện Lục Yên, song không may huyện đội xảy ra hỏa hoạn ở kho lưu trữ, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ bị cháy hết. Ông Uông cùng nhiều người khác không còn giấy tờ, tìm về đơn vị cũ thì lâu ngày quá không thể tìm thấy. Ông Hậu đã liên hệ các nơi và tìm lấy lại được đầy đủ giấy tờ để làm chế độ cho ông Uông. Ông Hậu còn giành thời gian đi thăm hỏi các gia đình anh em cựu chiến binh, đặc biệt là những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, tìm hiểu gia cảnh từng người để đề xuất với chính quyền địa phương tìm cách giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn...

Ngắm nhìn tấm bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước tặng tập thể chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc cùng Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến sĩ giải phóng, Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều bằng khen được treo trang trọng trên tường tôi càng cảm mến tấm lòng kiên trung bất khuất của những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà ông Hậu là một trong những người con ưu tú đó. Giờ đây khi đã bước sang cái tuổi thất thập, mái tóc trên đầu ông đã bạc trắng, bước đi không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng ông Hậu vẫn còn ấp ủ nhiều dự định. Ðó là cố gắng bố trí thời gian để đi tìm kiếm thi hài những đồng đội, những người bạn chiến đấu năm xưa bị hy sinh vẫn còn nằm ở trong những khu rừng đại ngàn để đưa họ về các nghĩa trang quy tụ cùng đồng đội, hoặc về lại quê hương nơi sinh ra của họ; tìm giúp những người bạn bè không may bị thất lạc giấy tờ, hồ sơ, giúp đỡ để họ được hưởng chính sách, chế độ mà Nhà nước đãi ngộ cho những người có công với nước.

Tạm biệt những cựu chiến binh ở quê lúa Thái Bình, tôi thật lưu truyền và cảm phục tấm lòng nhân hậu, hết lòng vì đồng đội của các cựu chiến binh nơi đây, tiêu biểu là cựu chiến binh Trần Ngọc Hậu, trong con người ông luôn ngời sáng bản chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

Nguyễn Xuân Đoán

(Thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái)

  • Từ khóa