Thứ 2, 06/05/2024, 12:32[GMT+7]

Hiệu quả các dự án từ Chương trình nông thôn, miền núi ở Thái Bình Cần tăng cường sự vào cuộc của “4 nhà”

Thứ 4, 09/01/2013 | 07:54:26
692 lượt xem
Chương trình nông thôn, miền núi được thực hiện ở Thái Bình từ năm 2004 đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đắc lực xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả các dự án thuộc Chương trình này rất cần sự vào cuộc tích cực của  “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp.

Dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao của Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Giúp nông dân tiến gần khoa học

Được coi là “vựa lúa” của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình đã và đang từng bước đầu tư theo chiều sâu, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất tạo ra bước phát triển với tốc độ cao, năng suất lúa trên 13 tấn/ha, giữ vững tổng sản lượng trên 1 triệu tấn thóc/năm. Chất lượng lúa gạo ngày càng được nâng cao, xứng đáng với truyền thống quê hương 5 tấn. Chương trình nông thôn miền núi được triển khai tại Thái Bình từ năm 2004 như một làn gió mát thổi đến những cánh đồng, tạo thêm động lực để vùng quê 5 tấn tiếp tục  giữ vững vai trò vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông thôn. Sau một thời gian triển khai, Thái Bình đã thực hiện 7 dự án thuộc chương trình với tổng kinh phí trên 61 tỷ đồng.

Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương gần 14 tỷ đồng. Đến nay, việc triển khai thực hiện các dự án đã thu được hiệu quả rõ nét giúp phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng  sản phẩm, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các dự án triển khai tại Thái Bình đã huy động hàng chục cán bộ có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm về phục vụ địa phương. Chương trình cũng đã góp phần đào tạo được hơn 100 cán bộ kỹ thuật cơ sở, tập huấn cho hơn 2.500 lượt nông dân; bồi dưỡng nâng cao năng lực  quản lý và tổ chức triển khai dự án cho hàng chục cán bộ quản lý khoa học và công nghệ tại địa phương.

Các dự án đã tập trung vào việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng tốt. Có thể kể ra một số dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao như: Dự án xây dựng mô hình sản xuất giống và chuyên canh khoai tây hàng hóa giúp người nông dân chủ động được nguồn giống tốt, sạch bệnh, hiệu quả kinh tế cao; dự án xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn  theo quy trình  thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) đã giúp nông dân nhiều xã  trong tỉnh nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất; các dự án áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Song chấm nâu, cá Hồng Mỹ, cá  Rô phi NOVIT4…  đã tiếp nhận thành công kỹ thuật và đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi ở mật độ cao phục vụ việc ương giống.

Tiếp tục tăng cường vai trò của “4 nhà”

Mục tiêu chính của chương trình là đưa công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp, đưa khoa học đến gần với người nông dân đã cơ bản thành công; chương trình đã đi đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn mới, có những bước tiến dài trong sự phát triển, các địa phương được thụ hưởng đều đánh giá cao những kết quả mà chương trình mang lại. Chương trình cơ bản đã thành công nhưng để tăng hiệu quả thì vẫn còn nhiều vấn đề cần đổi mới như: Nên gắn trách nhiệm cho các đơn vị trực tiếp chuyển giao công nghệ cho địa phương, để các đơn vị chuyển giao theo dõi đến cùng các dự án, đồng thời qua đó cũng đánh giá được công nghệ khi chuyển giao có mang lại hiệu quả hay không và nhà khoa học nên gần gũi với người nông dân hơn nữa.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mấu chốt để các dự án của Chương trình thành công là phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, bởi nếu không có sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp thì các dự án khó có thể “sống” sau khi nghiệm thu. Doanh nghiệp vừa có khả năng đầu tư cho dự án vừa là đối tượng thụ hưởng và nhân rộng những sản phẩm của dự án. Doanh nghiệp có khả năng chuyển những sản phẩm của dự án thành hàng hóa, tạo sức sống lâu dài và bền vững sau khi dự án nghiệm thu. Nếu không có sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp thì các mô hình khó có thể duy trì sau khi chương trình kết thúc.

Vì vậy, để chương trình tiếp tục đạt hiệu quả, phát huy thế mạnh cần tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực hơn nữa của 4 nhà, nhất là sự vào cuộc của doanh nghiệp. Đồng thời, phải thống kê trong các dự án thực hiện giai đoạn vừa qua có bao nhiêu dự án được nhân rộng kết quả sau khi nghiệm thu, bao nhiêu dự án chậm tiến độ, bao nhiêu dự án “chết” khi kết thúc và có những đánh giá nguyên nhân từng dự án này. Có như thế thì giai đoạn tiếp theo chương trình mới có những bước đột phá về quy mô cũng như chất lượng các dự án và chương trình thực sự trở thành điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả cao giúp người dân địa phương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày