Thứ 3, 21/01/2025, 11:21[GMT+7]

Chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 Phát huy truyền thống vẻ vang, phụ nữ Thái Bình đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 3, 14/09/2021 | 10:18:21
1,908 lượt xem

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình).

Thái Bình là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay từ những năm 40 đầu Công nguyên, vùng đất Thái Bình là nơi nữ tướng Vũ Thị Thục dấy binh khởi nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, phụ nữ Thái Bình vừa hăng hái tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường vừa động viên, tiễn đưa lớp lớp thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là hậu phương vững chắc để chồng, con yên tâm nơi tiền tuyến. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, phụ nữ tỉnh nhà đã góp phần đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn thóc/ha (năm 1966), cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, các thế hệ phụ nữ đã khẳng định vai trò, vị trí của mình trên mọi phương diện, vừa thúc đẩy bình đẳng giới vừa đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Có thể nói, ở thời kỳ cách mạng nào phụ nữ Thái Bình cũng luôn thể hiện những phẩm chất cao quý đó là: yêu nước, cần cù, sáng tạo và giàu lòng nhân hậu, góp phần tô thắm truyền thống của phụ nữ Việt Nam. 

Công tác phụ nữ nói chung và hoạt động của hội phụ nữ nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cả về đường lối, chính sách và tổ chức. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp hội phụ nữ đã thể hiện sự năng động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể và triển khai hiệu quả một số đề án quan trọng: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; tăng cường thực hiện bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đến năm 2020”, “Phát huy giá trị văn hóa gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”. Thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đôi bàn tay vàng”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phấn đấu rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”... đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sức sáng tạo của phụ nữ trên các lĩnh vực; tạo động lực để chị em phấn đấu vươn lên trong công việc và cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phụ nữ Thái Bình đã tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới với những việc làm thiết thực: hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông, tích cực dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng... góp phần đưa Thái Bình trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Những mô hình: tuyến đường phụ nữ tự quản, đường hoa phụ nữ, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi... làm cho diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tấm gương phụ nữ năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong công tác, học tập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt... có sức lan tỏa trong xã hội, được Trung ương và tỉnh khen thưởng. Nhiều chị em đã tích cực tham gia và giữ những cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính trị, tiếp tục thúc đẩy công tác phụ nữ và hoạt động của tổ chức hội phụ nữ các cấp phát triển. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp tăng dần qua các nhiệm kỳ. Những kết quả đó đã góp phần vào sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố niềm tin của hội viên hội phụ nữ nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo những điều kiện thuận lợi và cơ hội để phụ nữ Thái Bình phát huy khả năng và những phẩm chất tốt đẹp đã được xây đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời đại công nghệ số, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ trong việc khẳng định năng lực trong công việc, giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ. Bối cảnh đó đòi hỏi người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng phải tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống đạo đức quý báu, tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại; mặt khác, cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu, hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến, đáp ứng với các yêu cầu của thời kỳ mới, góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra những mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển. Riêng đối với các đoàn thể, Nghị quyết nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận xã hội”. Do vậy, cùng với cả hệ thống chính trị, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền các cấp. Làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến, vận động các tầng lớp phụ nữ và nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương của tỉnh và địa phương, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Thái Bình giàu đẹp.

Hai là, tổ chức tốt và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua để nhân lên niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng, qua đó phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, lôi cuốn đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xây dựng, rèn luyện phẩm chất của người phụ nữ hiện đại “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” bên cạnh các yếu tố: tri thức, sức khỏe, kỹ năng, ý thức trách nhiệm và có khát vọng phát triển. Điều quan trọng đặt ra cho các cấp hội là làm sao để chính bản thân mỗi người phụ nữ phải không ngừng phấn đấu vươn lên, nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước, với gia đình, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Phụ nữ phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế sẽ thực hiện được 100% bình quyền, bình đẳng”.

Ba là, phát huy truyền thống, tăng cường vun đắp giá trị gia đình. Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã đặt ra yêu cầu: “Tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”. Phụ nữ - với vai trò là người mẹ, người vợ, người giữ lửa trong mỗi gia đình chính là một trong những lực lượng nòng cốt để bảo tồn, trao truyền, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. Mặt khác, trong bối cảnh gia đình Việt Nam đang chịu nhiều tác động bởi sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cần có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị gia đình, coi đây là một nội dung quan trọng trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Bốn là, xây dựng, củng cố tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh, coi trọng cấp cơ sở; đặc biệt, tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của các mô hình hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội; có phương pháp làm việc khoa học; gần gũi cơ sở; hiểu biết sâu sắc chính sách, pháp luật, có năng lực thuyết phục, vận động xã hội chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của hội viên, người nghèo, gia đình chính sách.

Năm là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động thực tiễn. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và nhân dân; tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc tại cơ sở; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tin tưởng các cấp hội và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh sẽ đạt được những kết quả toàn diện và xuất sắc hơn nữa, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp và phát triển.

NGUYỄN TIẾN THÀNH 

(Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)