Thứ 6, 29/11/2024, 11:37[GMT+7]

Bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh ăn bán trú, hàng quán phục vụ tại chỗ trở lại

Thứ 4, 15/09/2021 | 21:21:02
385 lượt xem
Từ 5 giờ ngày 15/9, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ. Cũng từ ngày 15/9, các nhà trường được phép tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Theo ghi nhận trong ngày đầu, phần lớn các cơ sở kinh doanh ăn uống và các trường học đều thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch và khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) ăn bán trú tại trường.

Học sinh hào hứng khi được ăn bán trú 

Sau 2 tuần khai giảng năm học mới, sáng ngày 15/9, 1.433 học sinh của Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) rất hào hứng vì được ăn bán trú. Cùng với bảo đảm đủ dinh dưỡng, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các bếp ăn bán trú trong giai đoạn hiện nay.

Ông Đỗ Văn Thiệu, bếp trưởng bếp ăn Trường Tiểu học Kỳ Bá cho biết: Ngay sau khi nhận được thông báo của nhà trường về việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú từ ngày 15/9, chúng tôi đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn, phun thuốc muỗi, vệ sinh trang thiết bị phục vụ việc tổ chức ăn bán trú, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và duy trì việc kiểm tra thực phẩm và lưu mẫu thức ăn. Mỗi nhân viên khi đến bếp làm việc đều được đo thân nhiệt, yêu cầu mặc bảo hộ lao động trong quá trình làm việc. Đặc biệt, chúng tôi đã lắp hệ thống đèn cực tím tự động để khử khuẩn toàn bộ không gian bếp ăn trước và sau khi chế biến xong bữa ăn bán trú cho học sinh. 

Nhân viên bếp ăn Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) chuẩn bị các suất ăn trưa cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình), mặc dù là ngày đầu tiên tổ chức ăn bán trú cho học sinh nhưng toàn trường có trên 75% học sinh đăng ký ăn bán trú. Cô giáo Hà Thị Lân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đã chủ động hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín; phối hợp với phụ huynh trong khâu giao nhận và kiểm soát, sơ chế, chế biến thức ăn cho học sinh. Để việc tổ chức ăn bán trú đi vào nền nếp và bảo đảm phòng, chống dịch, chúng tôi đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên nhà bếp trong việc tiếp nhận, sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau khi ăn; đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch tại trường, đặc biệt là trong quá trình tổ chức ăn uống cho học sinh và hoạt động giao tiếp hàng ngày tại trường học. 

Cơ sở kinh doanh ăn uống trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) lắp đặt vách ngăn để phòng, chống dịch.

Hàng ăn mở bán trở lại nhưng vắng khách 

Theo ghi nhận của phóng viên, nhìn chung tâm lý của chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều phấn khởi khi được phục vụ tại chỗ trở lại. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên được phục vụ tại chỗ trở lại, lượng khách đến ăn uống tại chỗ khá thưa, một mặt do buổi sáng trời mưa lớn, mặt khác để chủ động phòng dịch người dân vẫn hạn chế ăn uống bên ngoài. Anh Nguyễn Văn Sơn, chủ một quán ăn sáng trên đường Lý Bôn (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, tỉnh cho phép bán hàng mang về, tuy nhiên tôi đã đóng cửa hàng nghỉ luôn để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình. Khi được phục vụ tại chỗ trở lại,  tôi rất phấn khởi, dọn dẹp cửa hàng và chuẩn bị nước sát khuẩn, tờ khai y tế, mã QR để khách hàng đến ăn sáng được yên tâm. Trong sáng đầu tiên bán hàng trở lại, lượng khách đến quán chưa đông như thời gian trước. Tôi hy vọng tỉnh ta sẽ giữ vững được thành quả phòng, chống dịch như hiện nay để các cơ sở kinh doanh sớm được khôi phục và hoạt động hiệu quả. 

Nhân viên một quán cà phê trên đường Lê Quý Đôn (thành phố Thái Bình) đeo khẩu trang khi làm việc.

Theo quan sát, tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, về cơ bản các bàn ăn được bố trí thưa hơn, bảo đảm khoảng cách, có nước rửa tay sát khuẩn phục vụ khách. Nhân viên tại các cơ sở này đều thực hiện việc đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm. Dù các hoạt động kinh doanh ăn uống được phép phục vụ tại chỗ trở lại song theo yêu cầu phòng, chống dịch, người dân, cơ sở kinh doanh không được chủ quan, lơ là; tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. 


Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục tổng vệ sinh khuôn viên nhà trường, các phòng học, phòng chức năng và bếp ăn ngay khi tựu trường. Khi tỉnh cho phép các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú, các trường học lại tiếp tục vệ sinh khu vực bếp ăn, chuẩn bị các hệ điều kiện ăn bán trú. Cùng với đó, Phòng đã thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt việc ăn bán trú cho học sinh.

Chị Vũ Thị Hải Lơ, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) 
Ngay trong ngày đầu tiên con tôi ăn bán trú tại trường, tôi được ban đại diện cha mẹ học sinh cử đến để kiểm tra việc tiếp nhận, sơ chế, chế biến thức ăn cho học sinh. Tôi thấy nhân viên bếp ăn của nhà trường thực hiện rất nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thực phẩm tươi, mới, khâu chế biến sạch sẽ, an toàn. Vì thế tôi rất yên tâm khi con ăn bán trú tại trường.  

Chị Bùi Thị Mận, chủ cơ sở kinh doanh ăn uống trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) 
Quán của chúng tôi đã lắp đặt vách ngăn từ đợt dịch trước, vì vậy khi được bán hàng trở lại chúng tôi chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn. Mỗi khách hàng đến quán ăn đều được hướng dẫn khai báo y tế. Trong ngày đầu tiên được bán hàng tại chỗ, số lượng khách hàng đến quán chưa đông như trước. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch để giữ bình yên cho quê hương Thái Bình.


Đặng Anh