Thứ 7, 10/08/2024, 20:10[GMT+7]

Hiệu quả mô hình dân vận khéo ở Hội Phụ nữ xã Đông Cường

Thứ 3, 15/01/2013 | 08:35:45
2,393 lượt xem
Thấm nhuần ý nghĩa sâu sắc câu nói của Bác Hồ ‘’Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công’’, vì vậy những năm qua Hội Phụ nữ xã Đông Cường (Đông Hưng) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hội mà còn thực hiện thành công nhiều mô hình dân vận khéo.

Phụ nữ xã Đông Cường (Đông Hưng) chăm sóc cây màu vụ đông. Ảnh: Ngọc Linh

Đã nhiều năm nay, cứ vào dịp đầu năm Hội Phụ nữ Đông Cường lại xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác hội và các phong trào thi đua dân vận khéo. Mỗi năm, Hội đều đăng ký từ 1 đến 2 mô hình thực hiện điểm và đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là lực lượng nòng cốt trong mọi phong trào. Bà Phạm Thị Huế - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: nhằm thu hút chị em vào tổ chức hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua, Hội đã  thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động và biết thực hiện dân vận khéo bằng các mô hình và bước đi phù hợp. Từ năm 2009 tới nay, Hội đã thực hiện thành công nhiều mô hình đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên. Những việc làm tuy nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa lớn dấy lên phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Điển hình như năm 2009 - 2010, Hội đã chỉ đạo thôn Phương Mai và thôn Đông Khê làm điểm mô hình không có tệ nạn ma túy và tội phạm hình sự. Giao cho các chi hội tới từng gia đình hội viên để đăng ký thực hiện và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 100% hội viên. Từ mô hình này, các bà mẹ, bà vợ đã trở thành những tuyên truyền viên nhắc nhở các thành viên trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt những quy định của pháp luật và nói không với các tệ nạn xã hội.

 

Để nâng cao thu nhập cho các hội viên, Hội còn tích cực thực hiện dân vận khéo trong phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cây vụ đông. Trước đây, diện tích gieo trồng cây vụ đông của Đông Cường thấp, thu nhập người dân không cao, bởi vậy năm 2009 Hội đã tuyên truyền hội viên thực hiện xây dựng cánh đồng 50 triệu ở xóm 2, thôn Hoành Từ, diện tích 25 ha với 207 hộ tham gia. Cánh đồng này được các hội viên trồng cây đậu tương nhưng do hiệu quả thu nhập không cao nên Hội đã vận động chị em chuyển sang gieo trồng bí xanh và sa – lát, đưa thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/sào, cao gấp 2 lần so với trước. Từ mô hình này, Hội đã xây dựng thêm cánh đồng 50 triệu ở thôn Tào Xá cũng được đông đảo chị em phụ nữ tham gia hưởng ứng. Chị Đỗ Thị Hè, thôn Hoành Từ cho biết: từ khi triển khai cánh đồng 50 triệu, chị đã trồng 1,7 mẫu cây vụ đông. Trước đây chị trồng chủ yếu là đậu tương nhưng mấy năm nay đã chuyển sang trồng bí xanh, sa - lát, bắp cải và rau các loại. Với diện tích này, vụ đông hàng năm chị đều thu nhập trên 10 triệu đồng, dự tính năm nay sẽ đạt 17 triệu đồng.

 

Để phát triển ngành nghề thủ công tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn, 2 năm qua Hội đã đứng ra mở lớp cho hàng trăm hội viên học nghề đan, móc xuất khẩu. Thời gian đầu, Hội lấy thôn Xuân Thọ và thôn Hoành Từ làm điểm về mô hình phát triển nghề, thu hút trên 100 hội viên theo học. Sau khi học xong đã có 3 hội viên thành lập cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm hội viên. Tới nay ngành nghề đã phát triển rộng ra toàn xã với 5 cơ sở sản xuất lớn, mỗi cơ sở thu hút trên 100 lao động là nữ, trong đó có 3 cơ sở móc hộp và 2 cơ sở đan mây tre đem lại thu nhập cho các hội viên từ 600.000 đồng - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trên 80% hội viên trong xã có ngành nghề, nổi bật là cơ sở sản xuất của chị Bùi Thị Nga, thôn Hoành Từ và chị Nguyễn Thị Hương, thôn Thân Thượng. Mấy năm qua, các chị đã không chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình hàng chục triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở trong và ngoài xã với mức thu nhập từ 700.000 đồng - 2 triệu đồng/người/tháng. 

 

Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là bước tiến đem lại diện mạo mới cho nông thôn nên Hội đã tìm những việc làm thiết thực để góp phần làm cho quê hương xanh - sạch hơn. Nhận biết rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường nên từ năm 2011 tới nay Hội đã đăng ký thực hiện mô hình thu gom vỏ thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường ngoài cánh đồng. Lúc đầu nhiều chị em không đồng ý thực hiện vì cho rằng đó là việc làm độc hại tới sức khỏe nhưng với sự quyết tâm cao của Ban chấp hành và sự vào cuộc nhiệt tình của các chi hội cộng với sự gương mẫu đi đầu làm trước của một số chị trong Ban chấp hành nên các hội viên đã đồng tình nhất trí cao. Bởi vậy 100% chi hội đã đồng loạt thực hiện thu gom vào các ngày cố định. Các chi hội đã phân công cho 2 hội viên làm bằng cách sau mỗi đợt nhân dân phun thuốc trừ sâu, các hội viên dùng que sắt thu gom vỏ bao và cho vào đồ chứa rồi mang đi đốt. Với cách làm đó, đồng ruộng Đông Cường đã sạch sẽ hơn và không còn rác thải từ thuốc BVTV.

 

Mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao nhất hiện nay đó là dân vận khéo bảo vệ bờ vùng, bở thửa giao thông, thủy lợi nội đồng. Năm 2012 là năm đầu tiên mô hình này được triển khai và áp dụng trong tất cả các chi hội. Mục tiêu của mô hình là vận động chị em không được vạc bờ, chỉ được cắt cỏ bờ hoặc phun thuốc cỏ, dẫy mặt bờ vùng, bờ thửa cho phẳng và đắp những lỗ xẻ ngang bờ sau khi tháo nước để thuận lợi cho việc đi lại. Các hội viên sẽ thực hiện 2 lần/năm vào thời điểm gần thu hoạch lúa. Xác định việc làm này là phục vụ cho chính mình nên 100% hội viên tham gia thực hiện, nhiều chi hội đã hăng hái làm tới 3 ngày như chi hội Tào Xá và Hoành Từ. Cách làm này đã bảo vệ được bờ vùng, bờ thửa giúp cho việc đi lại, thu hoạch lúa của bà con được thuận lợi hơn. 

 

Như vậy, công tác dân vận khéo đã được Hội Phụ nữ xã Đông Cường triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương . Qua các mô hình này đã thu hút được đông đảo hội viên hăng hái tham gia các phong trào thi đua, góp phần không nhỏ vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa