Thứ 7, 10/08/2024, 20:18[GMT+7]

Kinh nghiệm xây dựng "Xứ, họ đạo 4 gương mẫu" ở Nam Hải

Thứ 4, 16/01/2013 | 08:28:27
916 lượt xem
Nam Hải là xã có đông đồng bào giáo dân (chiếm 25% dân số), sinh hoạt tại 2 Xứ: Đông Thành và Thục Thiện. Nhiều năm qua, thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” và lời dạy của Bác Hồ: Kính Chúa, yêu nước, giáo dân Nam Hải đã hòa mình trong khối đại đoàn kết toàn dân xây đắp nên những xứ, họ đạo “4 gương mẫu”, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Làng văn hóa Trung Lang, xã Nam Hải (Tiền Hải). Ảnh: Minh Đức

Nam Hải vốn là một vùng đất chua mặn, bà con giáo dân tốn nhiều công sức, tiền của để cải tạo, chăm chỉ trồng, cấy nhưng năng suất vẫn thấp, đời sống khó khăn. Cùng với bà con trong xã, giáo dân các xứ, họ cũng chủ động tiếp thu, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đưa máy móc vào đồng ruộng, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, nhờ thế năng suất lúa tăng lên 10 – 12 tấn/ha, nhiều hộ chăm bón tốt còn đạt: 2,5 – 2,7 tạ/sào/vụ. Chất lượng cuộc sống của bà con đã được nâng lên. Nhiều hộ tự đầu tư kinh phí mua máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa phục vụ nhân dân trong và ngoài xã, như hộ ông Phạm Liên, xứ Thục Thiện, mỗi năm thu từ dịch vụ cầy bừa, gặt lúa 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, thu nhập cao gấp 2 – 3  lần cấy lúa.

Không chỉ tập trung nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo, bà con giáo dân còn du nhập, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình là bà con xứ Thục Thiện và họ Kính Danh, nhiều hộ đã mua được ô tô vận tải, mở xưởng gỗ sản xuất đồ nội thất, chế biến hải sản, với số vốn đầu tư lên tới 200 – 300 triệu đồng, như các ông: Đỗ Văn Thưởng, Bùi Văn Nhân, Bùi Văn Chinh (xứ Thục Thiện); ông Nguyễn Đoán (họ Kính Danh)…

Ông Đỗ Minh Châu, Chủ tịch MTTQ xã Nam Hải phấn khởi cho chúng tôi hay:  Thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp tuyên truyền vận động, giải thích của các vị linh mục, các ban trùm, MTTQ, bà con 2 xứ đã tích cực tham gia chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thành dồn điền đổi thửa từ năm 2011, đóng góp 28,5 m2 đất/sào làm giao thông thủy lợi nội đồng và 80.000 đến 100.000 đồng/sào để thuê máy đào, đắp bờ vùng, bờ thửa theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Bà con Xứ Thục Thiện, Họ giáo Liên Thủy còn tự nguyện góp 500.000 đồng/hộ làm 800 mét đường bê tông liên thôn, liên xóm, có hộ góp nhiều hơn cả mức quy định, như hộ ông Bùi Ruyến góp 2 triệu đồng. Có sự chung tay, góp sức của đồng bào giáo dân nên đến nay, Nam Hải đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Bức tranh kinh tế của Nam Hải nói chung, đồng bào công giáo nói riêng ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất được nâng cao, đời sống tinh thần cũng phong phú hơn xưa. Hàng năm, có tới 65 – 67% gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, công trình vệ sinh khép kín, bể đựng nước mưa được sử dụng khá phổ biến, công tác giáo dục – đào tạo được bà con quan tâm, 100% các cháu trong độ tuổi được đến trường, không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Có 8 cháu đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, nhiều cháu thi đỗ vào các trường có điểm đầu vào cao như: Đại học Y, Đại học Bách Khoa… Các bà mẹ, trẻ em được tiêm chủng theo đúng định kỳ, số người sinh con thứ 3 đã giảm, có nhiều nơi làm tốt, như Họ giáo An Tứ, 10 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Có sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các vị linh mục, ban trùm và các gia đình tín hữu công giáo, sau gần 4 năm thực hiện mô hình điểm “Đồng bào công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Nam Hải từ 108,8 nam/100 nữ nay giảm xuống còn 106 nam/100 nữ. 

Thu Hiền

  • Từ khóa